Trang Chủ > Sức khỏe > Hà Nội: Số ca mắc cúm mùa tăng 60% sau một tháng

Hà Nội: Số ca mắc cúm mùa tăng 60% sau một tháng

Alo Bác Sĩ
22/07/2022 08:36:37

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội ngày 20/7, thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội từ đầu năm đến hết ngày 17/7 cho thấy thành phố ghi nhận tổng cộng 2.605 trường hợp mắc cúm. May mắn, trong số này, thành phố chưa có bệnh nhân tử vong.

Số ca mắc có xu hướng gia tăng trong 4 tháng trở lại đây, tại 23/30 quận, huyện, thị xã. Đáng chú ý, trong tháng 6, Hà Nội phát hiện tới 887 ca mắc, tăng 60% so với tháng 5 (556 ca).

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, đơn vị đầu ngành về bệnh truyền nhiễm, cũng ghi nhận số người đến khám do mắc cúm tăng. Hai tuần gần đây, gần 100 bệnh nhân tới đơn vị này thăm khám do xuất hiện triệu chứng cúm A.

Hiện, bệnh viện điều trị 252 trường hợp, chủ yếu là nhóm trẻ dưới 5 tuổi (chiếm 44,1%), tiếp theo là nhóm tuổi 18-49 (chiếm 40%). Hầu hết bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, điều trị ngoại trú. 71 trường hợp có chỉ định nhập viện là trẻ em, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, điều trị khỏi sau 3-4 ngày.

Tương tự, Bệnh viện Nhi trung ương điều trị hàng trăm ca mắc cúm, tăng nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Nhiều trẻ bị viêm phổi, suy hô hấp, 45% trẻ mắc cúm A vào viện có hiện tượng co giật, 6% biểu hiện viêm não. Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn tiếp nhận hơn 10 bệnh nhân một ngày với biểu hiện sốt cao, mệt mỏi, có người nặng hơn bị viêm phổi, suy hô hấp.

Vì sao số ca cúm mùa gia tăng?

Theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng - Phó chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội, số ca mắc cúm tăng là điều tất yếu khi trẻ đi học và các sinh hoạt trở lại bình thường. Mùa hè là thời điểm người dân giao lưu, du lịch nhiều nên lây nhiễm khó tránh khỏi.

PGS Việt Hùng cho biết thêm, không chỉ cúm mùa, các bệnh do virus, vi khuẩn cũng có điều kiện phát triển, gia tăng. Chưa kể, cúm mùa lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, ho, hắt hơi.

Ngoài ra, người dân không còn tuân thủ đeo khẩu trang nhiều như trước, nguy cơ lây lan dịch bệnh cao hơn. Thời tiết nóng, ngồi phòng kín điều hòa, thông gió kém cũng khiến số người nhiễm virus tăng.

Theo BS Phạm Thị Kiều Loan, khoa Phòng chống Bệnh Truyền nhiễm, CDC Hà Nội, virus cúm mùa có 4 chủng là A, B, C và D. Trong đó, virus cúm mùa A và B là 2 chủng virus chính ở người có thể gây ra các đợt dịch cúm mùa cũng như trường hợp tản phát hay đợt bùng phát ngoài mùa cúm.

Theo vị chuyên gia, thời gian ủ bệnh cúm mùa dao động từ một đến 4 ngày (trung bình 2 ngày). Bệnh đặc trưng bởi sự khởi phát đột ngột các triệu chứng như sốt, ho, nhức đầu, đau khớp, đau cơ, đau họng và chảy nước mũi. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào mắc cúm cũng có đầy đủ triệu chứng của bệnh. Ước tính, khoảng 75% ca nhiễm virus cúm không có triệu chứng điển hình.

Triệu chứng cúm mùa thay đổi, ghi nhận rõ rệt về thần kinh

TS Đỗ Thiện Hải, Phó giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin, khoảng 10 năm trước, các bệnh nhân cúm A thường chỉ có các biểu hiện viêm long đường hô hấp trên kèm sốt. Ngoài ra, họ không có các triệu chứng về thần kinh. Tuy nhiên, từ mùa cúm năm 2019-2020, chúng tôi ghi nhận có những triệu chứng nặng hơn rõ rệt về mặt thần kinh, rất nặng nề.

TS Thiện Hải nêu ví dụ các trường hợp mắc cúm A tới khám trong khoảng thời gian trên có thêm biểu hiện co giật với tỷ lệ lên tới 45%. Đáng chú ý, khoảng 6% trẻ nhỏ sau khi nhiễm virus cúm A có thêm biểu hiện viêm não.

Từ đây, ông nhận định cúm thường diễn biến lành tính, bệnh nhân có thể hồi phục sau khoảng 2-7 ngày. Tuy nhiên, với trẻ em, nhất là những trường hợp có bệnh nền, cúm A có thể diễn biến nặng nề hơn, dễ xuất hiện biến chứng.

Phòng ngừa cúm mùa: Che tay khi hắt xì, đeo khẩu trang và tiêm ngừa

BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm TPHCM nhận định, điều trị cúm thông thường là nghỉ ngơi, uống nhiều nước, điều trị triệu chứng (sốt, đau nhức thì uống thuốc giảm đau, hạ sốt; ho thì uống thuốc ho; sổ mũi thì dùng thuốc nhỏ mũi…). Quan trọng nhất, nếu là trẻ em dưới 2 tuổi, phụ nữ mang thai, người lớn tuổi có bệnh nền thì cần đi khám bệnh để bác sĩ theo dõi biến chứng, chẳng hạn như viêm phổi hay bội nhiễm, qua đó điều trị kịp thời.

Theo chuyên gia, cúm là bệnh mà cả thế giới đều sợ, đặc biệt là các nước ôn đới. Bởi người ta nghiên cứu thấy rằng, gánh nặng của cúm ngoài việc gây tử vong ở người lớn tuổi thì còn gây giảm rất nhiều năng suất lao động. Khi bị cúm phải ngưng làm việc 5-7 ngày, sau đó dù quay lại làm việc thì cũng “rề rề”.

Để phòng ngừa virus cúm, BS Khanh đưa ra lời khuyên, người bệnh đeo khẩu trang, rửa tay, che tay khi hắt xì (bằng khăn giấy hoặc cánh tay) để đừng phát tán virus, và cuối cùng là chích ngừa hằng năm.

Vắc xin cúm là vắc xin cổ điển. Vì vậy, ở nước ngoài, việc tiêm ngừa vắc xin cúm hằng năm là điều bình thường. Trước khi ra vắc xin cho năm mới, Tổ chức Y tế thế giới sẽ theo dõi dòng cúm nào trội lên, qua đó đề nghị nhà sản xuất, sản xuất vắc xin cho virus cúm đó cho Nam Bán cầu và Bắc Bán cầu.

"Thông thường, chúng ta sẽ chích vắc xin vào đầu mùa cúm. Nam bán cầu sẽ sản xuất vào khoảng tháng 2, và tháng 4 có vắc xin để tiêm ngừa. Bắc bán cầu sẽ sản xuất vào khoảng tháng 8 và tháng 10 có vắc xin để tiêm ngừa" - BS Khanh cho biết.