Trang Chủ > Sức khỏe > Hà Nội kiểm soát an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể

Hà Nội kiểm soát an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể

Kinh Tế Đô Thị
27/08/2022 09:12:30

Chiều 26/8, Báo Hànộimới phối hợp với Sở Y tế Hà Nội, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội, UBND quận Thanh Xuân tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Kiểm soát an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể của các trường học”, nhân dịp chuẩn bị bước vào năm học mới 2022 - 2023.

Cuộc tọa đàm nhằm đánh giá thực trạng bếp ăn tập thể tại các trường học hiện nay, chỉ ra những thuận lợi, khó khăn thách thức cũng như đưa ra các giải pháp trong vấn đề quản lý chất lượng bếp ăn trường học.

Tìm giải pháp quản lý chất lượng bếp ăn trường học

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Tổng biên tập Báo Hànộimới Lại Bá Hà cho biết, những năm qua, công tác bảo đảm ATTP tại bếp ăn trường học đã được chính quyền TP Hà Nội quan tâm chỉ đạo, cơ quan chức năng các cấp đã phối hợp quản lý chặt chẽ, nhờ đó đạt được nhiều kết quả khả quan.

Hà Nội kiểm soát an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể-1

Báo Hànộimới phối hợp với Sở Y tế Hà Nội, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội, UBND quận Thanh Xuân tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Kiểm soát an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể của các trường học”.

Tuy nhiên, còn tồn tại một số thực trạng như: Nguồn gốc thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ; ý thức thực hành ATTP của nhân viên trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm, cô nuôi còn chưa cao; chưa thực hiện nghiêm túc quy trình bếp ăn một chiều; cơ sở vật chất của các bếp ăn xuống cấp sau một thời gian dài không hoạt động do dịch bệnh; chế độ kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn chưa tuân thủ đúng quy định; còn tình trạng để lẫn thực phẩm sống - chín; đơn vị cung ứng không thực hiện đúng cam kết bảo đảm ATTP... Đặc biệt, tình trạng ngộ độc tại bếp ăn tập thể trường học vẫn xảy ra.

Trước thực tế trên, trong năm 2022 và 2023, Sở Y tế Hà Nội xây dựng kế hoạch mô hình kiểm soát ATTP tại 100% bếp ăn tập thể của 215 trường tiểu học thuộc 10 quận, huyện trên địa bàn TP.

Với mô hình này, Sở Y tế Hà Nội đặt ra mục tiêu: 100% bếp ăn tập thể trường tiểu học được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, ký cam kết trách nhiệm bảo đảm ATTP; Niêm yết công khai địa chỉ nguồn gốc nguyên liệu chế biến thực phẩm tại bảng tin nhà trường; 100% người lãnh đạo quản lý, người chế biến, người kinh doanh, cô nuôi tại các trường Tiểu học xây dựng mô hình được bồi dưỡng kiến thức về ATTP; 100% bếp ăn tập thể trường tiểu học được kiểm tra, giám sát theo quy định; 100% bếp ăn tập thể tại các trường thành lập tổ tự giám sát ATTP, có phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên.

Kiểm soát an toàn các bếp ăn tập thể, bảo vệ sức khỏe học sinh

Thông tin về tình hình quản lý ATTP tại bếp ăn trường học trên địa bàn TP thời gian qua, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội Đặng Thanh Phong nhấn mạnh, vấn đề ATTP ngày càng được nhìn nhận có tầm quan trọng đặc biệt. Thực phẩm an toàn đóng góp to lớn đối với việc cải thiện sức khoẻ con người và chất lượng cuộc sống cũng như về lâu dài, đối với sự phát triển giống nòi của dân tộc.

Tại Hà Nội, công tác quản lý ATTP đã được chú trọng, đặc biệt các bếp ăn tập thể đã được kiểm soát. Tuy nhiên, trong những năm qua, vẫn xảy ra ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm..., nguyên nhân chủ yếu là việc thực hiện các quy định điều kiện ATTP chưa đảm bảo, đặc biệt nguồn gốc nguyên liệu chưa được kiểm soát một cách chặt chẽ, nhận thức của người chế biến còn hạn chế.

Hà Nội kiểm soát an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể-2

Phó Tổng biên tập Báo Hànộimới Lại Bá Hà phát biểu tại tọa đàm.

Trên toàn TP có 4.526 cơ sở giáo dục, gồm các cơ sở mầm mon, tiểu học và trung học cơ sở, trong đó có hơn 6.700 bếp ăn. Với khối lượng các bếp ăn lớn như vậy, đơn vị quản lý sẽ khó phát hiện được cơ sở vi phạm. Để giải quyết khó khăn này, Chi cục ATVSTP Hà Nội đã phân cấp đối với các tuyến quận huyện, quản lý bếp ăn ở các trường THPT, Tiểu học, Mầm non trên địa bàn. Nếu phát hiện vi phạm sẽ căn cứ vào Nghị định 115/2018/NĐ-CP và Nghị định 124/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ để xử lý.

"Các đơn vị không lưu mẫu thức ăn sẽ bị xử phạt hành chính tới 8 triệu đồng. Trong thời gian qua, Chi cục ATVSTP Hà Nội chưa phát hiện đơn vị nào vi phạm” - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội cho hay.

Đề cập đến vấn đề này, bà Phạm Thị Thanh Phương - Hiệu trưởng trường THCS Thanh Xuân Nam cho biết, để kiểm soát tốt nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm đưa vào nhà trường, việc tổ chức ăn bán trú cho học sinh trường THCS Thanh Xuân Nam hiện đang thực hiện theo phương thức ký hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn. Đơn vị cung cấp suất ăn nhập lương thực, thực phẩm, chế biến thực phẩm và nấu ăn hằng ngày tại khu vực bếp một chiều của nhà trường.

Việc kiểm soát nguồn gốc thực phẩm được nhà trường kiểm tra hồ sơ pháp lý theo quy định của đơn vị cung cấp dịch vụ suất ăn cho học sinh của nhà trường, chỉ ký hợp đồng với các đơn vị có đủ năng lực, có hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm, đầy đủ giấy chứng nhận ATTP...

Các loại thực phẩm cung ứng cho bữa ăn bán trú của học sinh, đều được nhập theo hợp đồng mua bán với đơn vị cung ứng phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có uy tín, chấp hành tốt những quy định về ATTP; thực phẩm phải có đầy đủ giấy chứng nhận chất lượng, công bố chất lượng sản phẩm theo quy định, có thể truy xuất dễ dàng.

Hà Nội kiểm soát an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể-3

Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội Đặng Thanh Phong phát biểu tại tọa đàm.

Bên cạnh đó, nhà trường thực hiện công khai thực đơn hằng ngày, công khai tên các nhà cung cấp thực phẩm website của nhà trường để cha mẹ học sinh cùng giám sát. Nhà trường kiểm tra thực tế cơ sở vật chất của đơn vị cung cấp thực phẩm theo hợp đồng cung ứng.

Để giám sát nguồn gốc thực phẩm, nhà trường thành lập ban kiểm tra, tiếp nhận thực phẩm bán trú gồm đại diện Ban giám hiệu, Ban chấp hành công đoàn, Ban thanh tra nhân dân, nhân viên y tế, đại diện cha mẹ học sinh, nhân viên bếp. Căn cứ thực đơn, danh mục lương thực, thực phẩm, hằng ngày, ban kiểm tra, tiếp nhận thực phẩm kiểm tra về số lượng, chất lượng thực phẩm, nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm ghi trên bao bì, nhãn mác.

Nhân viên y tế nhà trường thực hiện test nhanh các mẫu thực phẩm theo hướng dẫn của y tế trước khi đưa vào chế biến; kiểm tra việc chia thực phẩm sau khi chế biến thành các suất ăn; thực hiện lưu nghiệm thức ăn theo quy định, đảm bảo đúng 1 suất ăn, lưu nghiệm đủ 24 giờ nhằm chủ động trong công tác phòng, chống ngộ độc thức ăn....

Từ năm 2019, quận đã triển khai thực hiện và duy trì mô hình nâng cao năng lực tự quản lý ATTP bếp ăn tập thể trường học trên địa bàn quận với các mục tiêu, tiêu chí cụ thể; quan tâm đầu tư các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đảm bảo ATTP theo quy định; đồng thời, triển khai các giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Nhờ đó, công tác đảm bảo ATTP bếp ăn tập thể tại quận Thanh Xuân trong những năm qua đã có sự chuyển biến tích cực, không xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm đông người và mắc bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm tại bếp ăn tập thể; đảm bảo bữa ăn an toàn, đủ dinh dưỡng cho học sinh.

Đặc biệt, năm 2022, sau khi Sở Y tế Hà Nội ban hành Kế hoạch tăng cường kiểm soát ATTP tại bếp ăn tập thể trường tiểu học thuộc 5 quận, 5 huyện trên địa bàn TP năm 2022 - 2023, Thanh Xuân là một trong 10 quận, huyện triển khai mô hình này, kỳ vọng đạt được nhiều kết quả.

Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Đặng Khánh Hòa