Mặc cảm gần 40 năm vì đổ mồ hôi tay...như nước
Theo chia sẻ của chị N.T.Y, từ nhỏ tay chị đã đổ mồ hôi khác người bình thường. Khi làm bài tập, mồ hôi đổ ra làm ướt giấy, nhoè mực. Khi trưởng thành, chị không dám bắt tay đối tác, bạn bè vì bàn tay lúc nào cũng ướt, nhất là vào mùa hè. Chị thường phải lau tay vào khăn cho khô trước khi bắt tay người khác hoặc viết lách. Khi đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thăm khám, bác sĩ chẩn đoán chị bị chứng ra mồ hôi tay do cường giao cảm và chỉ định phẫu thuật nội soi.
Tương tự, anh P.Đ.A (40 tuổi, Hà Nội) cũng vừa phẫu thuật nội soi vì căn bệnh đổ mồ hôi tay, nách. Chịu đựng mặc cảm suốt 40 năm, anh A đã quyết định tìm đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để chữa trị. “Ngày mới quen bà xã, tôi mặc cảm đến mức không dám nắm tay cô ấy vì tay mình lúc nào cũng ướt. Sau phẫu thuật, tay tôi đã khô ráo hẳn...”, anh A chia sẻ.
Theo TS.BS Dương Trọng Hiền, Giám đốc Trung tâm phẫu thuật nội soi, Trưởng Khoa Phẫu thuật cấp cứu tiêu hoá, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, trường hợp như chị Y, anh A không hiếm gặp. Ước tính có 1-3% dân số mắc chứng tăng tiết mồ hôi ở các vùng cơ thể khác nhau, như bàn tay, bàn chân, nách, mặt…Độ tuổi mắc căn bệnh này từ trẻ em tới người già. Trung bình mỗi tuần Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận từ 10-12 bệnh nhân tới khám vì tăng tiết mồ hôi, trong đó 30% có chỉ định phẫu thuật.
Giúp người bệnh hết mặc cảm
BS Hiền cho hay, con người có hơn 1 triệu tuyến mồ hôi, khi cơ thể tăng nhiệt độ do quá trình chuyển hoá, mồ hôi giúp điều nhiệt cơ thể. Một số tuyến mồ hôi làm giữ độ ẩm, sự mềm mại của da.
Tuy nhiên, có một số bệnh nhân quá nhạy cảm, dẫn tới tăng tiết mồ hôi quá mức, tăng ở một số khu vực nhạy cảm như: Bàn tay, nách, mặt…làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như quan hệ của cá nhân.
Có 2 nguyên nhân làm tăng tiết mồ hôi. Thứ nhất là tăng nguyên phát (không do nguyên nhân nào phát hiện cụ thể), hay gặp ở nhóm thanh thiếu niên khi ở độ tuổi thần kinh nội tiết hoạt động mạnh.
Nhóm thứ hai là tăng thứ phát do một số bệnh lý như tăng tuyến nội tiết, bệnh nhân bị cường giao cảm, cường tuyến giáp và cường tuyến cận giáp, béo phì; có một số loại u thì tăng tiết mồ hôi là một trong những triệu chứng của bệnh.
Hiện có nhiều phương pháp điều trị tăng tiết mồ hồi, gồm một số thuốc đông y giúp hạn chế tăng tiết mồ hồi; hoặc thuốc kiềm chế hệ giao cảm.
"Phương pháp mổ nội soi lồng ngực đốt hạch giao cảm hiện có thời gian hiệu quả dài nhất, tuy nhiên không áp dụng cho trẻ dưới 15 tuổi do cơ thể trẻ đang phát triển chưa ổn định. Phẫu thuật này tương đối nhẹ nhàng, chỉ mất 1 giờ, 1-2 ngày sau phẫu thuật bệnh nhân xuất viện trở về cuộc sống sinh hoạt bình thường", BS Hiền cho biết.
Trong 3 năm trở lại đây, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phẫu thuật cho khoảng 300 ca đốt hạch giao cảm để điều trị căn bệnh ra mồ hôi tay, nách. Can thiệp tăng tiết mồ hôi hay gặp ở lứa tuổi thanh thiếu niên.
Phẫu thuật đạt hiệu quả lên tới 95%. Tuy nhiên, 40% bệnh nhân sau khi phẫu thuật đốt hạch giao cảm có hiện tượng ra mồ hôi bù trừ ở những nơi khác trên cơ thể như bụng, lưng, ngực…Cơ bản người bệnh thường chấp nhận hiệu ứng phụ này vì đạt yêu cầu về vấn đề giao tiếp và công việc.
Ngày 20/8 tới Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tổ chức khám, tư vấn, chụp X-quang miễn phí bệnh lý ra mồ hôi tay do cường giao cảm, người dân có thể đăng ký trước qua tổng đài của bệnh viện. Buổi khám diễn ra trong một ngày, đón tiếp khoảng 200 người và có thể kéo dài thêm khi số lượng bệnh nhân đến đông.