Người bệnh ung thư và gia đình họ khi được chỉ định xạ trị thường rất lo lắng về các tác dụng phụ. Thực tế, khi bác sĩ đưa ra đề nghị điều trị này họ đã có cân nhắc giữa lợi ích của việc điều trị và khả năng xảy ra các tác dụng phụ.
Cùng với sự tiến bộ nhanh chóng trong chuyên ngành xạ trị ung thư, các tác dụng phụ cũng phụ thuộc vào loại ung thư, vị trí, liều xạ bao nhiêu và tình trạng sức khỏe của người bệnh.
Dưới đây là 2 tác dụng phụ toàn thân thường gặp sau xạ trị:
Mệt mỏi
Cảm giác mệt mỏi có thể là về mặt thể chất, tinh thần hay cảm xúc. Triệu chứng này rất phổ biến ở người bị ung thư và thường xảy ra khi xạ trị.
Đó là vì xạ trị đã phá hủy một số tế bào khỏe mạnh cùng với các tế bào ung thư. Mức độ mệt mỏi thường nặng lên khi điều trị tiếp tục. Tình trạng mệt mỏi trong quá trình xạ trị khác với mệt mỏi của cuộc sống hàng ngày.
Tuy nhiên, tình trạng mệt mỏi thường sẽ hết theo thời gian sau khi điều trị kết thúc. Chỉ có bản thân người bệnh biết họ có mệt mỏi hay không và ở mức độ nào. Không có xét nghiệm hay chụp chiếu nào có thể chẩn đoán hoặc mô tả mức độ mệt mỏi của người bệnh.
Dù bạn chọn cách nào, điều quan trọng là phải mô tả sự mệt mỏi với bác sĩ. Người bệnh cần nói chuyện với bác sĩ nếu:
- Cảm giác mệt mỏi không đỡ hơn, tiếp tục quay trở lại hoặc trở nên tồi tệ hơn.
- Mệt mỏi hơn bình thường trong hoặc sau một hoạt động.
- Bạn trở nên nhầm lẫn hoặc không thể tập trung suy nghĩ.
- Bạn ngủ li bì trong hơn 24 giờ.
- Sự mệt mỏi làm rối loạn cuộc sống xã hội hoặc thói quen hàng ngày của bạn.
Các vấn đề về da
Da ở khu vực cơ thể được điều trị bức xạ có thể trông đỏ, mẫn cảm, sưng, nổi mụn nước, cháy nắng hoặc rám. Sau một vài tuần, da của người bệnh có thể trở nên khô, nứt nẻ, ngứa hoặc bị bong tróc. Điều này đôi khi được gọi là viêm da do xạ.
Quan trọng là phải báo ngay cho bác sĩ điều trị ung thư của bạn biết về bất kỳ thay đổi nào về da. Họ có thể đề xuất các cách để giảm bớt sự khó chịu, kích ứng và ngăn ngừa nhiễm trùng.
Những vấn đề này thường hết dần sau khi kết thúc điều trị. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, vùng da được điều trị sẽ vẫn sạm hơn và có thể nhạy cảm hơn so với trước đây.
Dưới đây là một số cách để hạn chế các vấn đề về da:
- Không mặc quần áo chật, bó chẽn, bằng vải thô hoặc cứng trên vùng da chiếu xạ. Thay vào đó, hãy mặc quần áo rộng làm từ các loại vải mềm, mịn.
- Không kỳ cọ, chà xát, gãi hoặc sử dụng băng dính trên vùng da được xạ trị.
- Không chườm nóng hoặc lạnh (như miếng đệm nóng, đèn nhiệt hoặc túi nước đá) trên khu vực da xạ trị mà không hỏi bác sĩ điều trị trước.
- Bảo vệ vùng da xạ trị khỏi ánh nắng. Da của bạn có thể rất nhạy cảm với ánh sáng mặt trời... Trong trường hợp cần dùng, hãy sử dụng kem chống nắng phổ rộng có hệ số chống nắng (SPF) ít nhất là 30.