Vừa trở lại trường mầm non sau kỳ nghỉ hè kéo dài, bé Minh Minh bắt đầu có biểu hiện sốt. Chỉ sau một ngày, cậu bé bắt đầu ho và nôn.
"Sau 3 ngày sốt, chảy mũi dãi, rồi ho, nôn giờ cu cậu mới ổn ổn", mẹ bệnh nhi cho biết.
Trong lớp của cậu bé, nhiều bạn cũng sốt, đau họng. Sĩ số lớp là 20, nhưng chỉ khoảng một nửa trẻ đến lớp.
Theo TS.BS Đỗ Thiện Hải, Phó giám đốc, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương ở nước có khí hậu nhiệt đới như Việt Nam, những bệnh viêm đường hô hấp thường xuyên lưu hành.
Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, trung bình mỗi ngày có khoảng 20 - 30 trẻ phải nhập viện do mắc bệnh đường hô hấp, có các yếu tố nguy cơ nặng.
Trong khi đó tại Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai), số trẻ đến khám vì các bệnh lý hô hấp cũng ở mức cao. Hiện trung tâm đang điều trị cho hơn 130 bệnh nhi bị các bệnh liên quan đến đường hô hấp như cúm, viêm mũi họng, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi...
Theo TS.BS Đỗ Thiện Hải, trong giai đoạn chuyển mùa và sắp tựu trường tới đây, nguy cơ mắc các bệnh hô hấp ở trẻ tiếp tục gia tăng.
TS.BS Đỗ Thiện Hải khuyến cáo, khi trẻ xuất hiện các triệu chứng sốt, viêm đường hô hấp... cần đưa trẻ đi khám, không tự ý sử dụng kháng sinh.
"Khi trẻ đi học tập trung trở lại, đặc biệt là các em nhỏ ở dưới 5 tuổi thường sinh hoạt tập trung ở môi trường có sử dụng điều hòa, điều kiện không khí sẽ kém hơn so với không khí tự nhiên. Hơn nữa, trong môi trường này, khi một trẻ mắc bệnh sẽ có nguy cơ lây cho các trẻ khác nhanh hơn", TS Hải thông tin.
TS Hải lưu ý, các dấu hiệu xuất hiện sau giai đoạn giảm sốt, đó là trẻ bỗng dưng sốt lại, kèm theo mệt mỏi, ăn kém…, là dấu hiệu mà chúng ta phải nghĩ rằng liệu có phải bội nhiễm do vi khuẩn sau khi nhiễm virus hay không để đưa đến viện khám?", bác sĩ nhấn mạnh.
Để phòng bệnh hô hấp giai đoạn chuyển mùa, TS Hải khuyến cáo, ở lớp học cũng như gia đình không nên bật điều hòa cả ngày. Buổi sáng sớm, chiều hãy mở toang cửa để không khí được lưu thông tốt.
Bên cạnh đó, cần chú trọng vệ sinh đường hô hấp cho trẻ như nhỏ nước mũi, súc miệng nước muối, rửa tay, khử khuẩn thường xuyên…
TS.BS Hải cũng khuyến cáo, khi có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe, kể cả những trường hợp có triệu chứng sốt nhẹ phụ huynh nên đưa trẻ đến trung tâm y tế để đánh giá sơ bộ, chẩn đoán bệnh. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc kháng sinh cho trẻ. Kháng sinh chỉ được sử dụng khi trẻ có bội nhiễm, và cần có chỉ định của bác sĩ.
Ở giai đoạn trẻ sốt, có ho, chảy mũi... cũng là giai đoạn có nguy cơ lây truyền bệnh lớn nhất, vì thế khi trẻ nhỏ ốm, không nên tới lớp để hạn chế lây lan cho các trẻ khác.
Người lớn cũng cần cố gắng hạn chế nguồn lây cho trẻ. Theo đó, khi đi làm về cần rửa tay xà phòng, vệ sinh mũi họng trước khi tiếp xúc với trẻ.