Sau một hồi tìm kiếm, tôi cũng tìm được căn nhà trọ của vợ chồng chị Ngọc Hoài (34 tuổi, quê gốc Thừa Thiên Huế) trong hẻm nhỏ đường Nguyễn Văn Quá (Quận 12, TP.HCM). Căn phòng nhỏ tầm hơn chục mét vuông nhưng gọn gàng, ngăn nắp.
Chị Ngọc Hoài đang cho cậu con trai Soda sắp thôi nôi ăn cháo. Giọng Hoài nựng con dịu dàng, tay thoăn thoắt, khéo léo, chỉ 10 phút là cậu con đã ăn xong bát cháo ngon miệng và nhoẻn miệng cười khi nhìn thấy khách.
Chị Ngọc Hoài hạnh phúc khi được chăm lo con trai lớn lên từng ngày. Ảnh: Kim Vân
Thật khó tin đây là người phụ nữ đã 6 lần "chết đi sống lại" và phải truyền hơn 45 lít máu, có đến 2 tháng nằm hôn mê trong bệnh viện vào thời gian đỉnh dịch COVID-19 năm 2021. Và cậu bé năm ngoái chào đời khi mới 8 tháng tuổi, cân nặng được có 2,2 kg, phải nằm lồng kính cả tháng trời nay trở lên bụ bẫm, kháu khỉnh và chập chững những bước đi đầu đời.
"Tôi không nghĩ là mình được sống và ngồi ở đây, được như ngày hôm nay. Cứ như là một giấc mơ", chị Ngọc Hoài mắt rưng rưng và bắt đầu câu chuyện với tôi như vậy.
Những ngày giông bão...
Đầu tháng 8/2021, thời điểm TP.HCM có rất nhiều ca COVID-19, chị Hoài khi ấy đang mang bầu tuần thứ 33 và dự định về Huế để sinh em bé thứ hai. Tuy nhiên, khi đến bệnh viện xét nghiệm, hai vợ chồng chị Hoài và con gái Ngọc Linh 10 tuổi đều dương tính. Cả nhà cách ly tại Bệnh viện Dã chiến số 7. Sau đó, chị Ngọc Hoài diễn biến nặng, ho ra máu nhiều và được chuyển sang Bệnh viện Từ Dũ mổ bắt lấy thai.
Bé trai chào đời 2,2 kg, được đặt tên Phúc An, gửi gắm ước mong mẹ vượt qua nguy kịch và có cuộc sống bình an.
Tuy nhiên, sau khi mổ sinh, hậu phẫu ngày thứ 4 ở Bệnh viện Từ Dũ thì chị Ngọc Hoài bị suy hô hấp, viêm phổi nặng, không đáp ứng thở máy. Các bác sĩ quyết định chuyển chị sang Trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19, Bệnh viện Quân y 175 .
"Thời điểm đó, bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ nói, trên đường di chuyển sang Bệnh viện 175, có thể vợ tôi sẽ mất khi nào không biết. Tôi và con gái Ngọc Linh chỉ ôm nhau khóc, cầu nguyện chứ không biết làm gì khác", anh Tiến xúc động nhớ lại.
Ngày 6/8/2021, chị Ngọc Hoài nhập viện Bệnh viện Quân y 175 trong tình trạng nguy kịch, không còn đáp ứng với điều trị tích cực thông thường, bị suy đa tạng.
Tôi không nghĩ là mình được sống và ngồi ở đây, được như ngày hôm nay. Cứ như là một giấc mơ...
Chị Ngọc Hoài nói.
Qua hội chẩn và tham vấn các chuyên gia hàng đầu về hồi sức, các bác sĩ biết rõ, chỉ còn một cách cứu bệnh nhân là phải đặt ECMO (phương pháp oxy hóa qua màng ngoài cơ thể hay còn gọi là tim phổi nhân tạo). Nhưng thời điểm đó, bệnh viện chỉ có 2 máy đang sử dụng cho hai sản phụ nguy kịch khác.
"Mỗi một máy ECMO chạy cho một bệnh nhân. Trung tâm điều trị có 2 máy ECMO đều dùng cả rồi. Nếu không can thiệp ECMO kịp thời, Ngọc Hoài đối diện nguy cơ tử vong rất lớn", thượng tá Vũ Đình Ân - Phó Giám đốc Trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19, Bệnh viện Quân y 17 nhớ lại.
Trong hoàn cảnh nếu không làm gì thì chắc chắn bệnh nhân sẽ tử vong, bác sĩ Ân cùng các đồng nghiệp "đứng ngồi không yên" và nảy ra ý định chia đôi một máy ECMO cho cả hai sản phụ cùng sử dụng. Đây là kỹ thuật chưa từng có trong lịch sử ngành y Việt Nam.
20h15 đêm 8/8/2021, các bác sĩ bắt đầu chia đôi một máy ECMO cho cả hai sản phụ Thu Trinh và Ngọc Hoài cùng sử dụng. Đến 21h, ê-kíp vỡ òa hạnh phúc khi thực hiện thành công kỹ thuật chưa từng có tiền lệ. Cả hai sản phụ Thu Trinh - Ngọc Hoài đều cải thiện rõ rệt, chỉ số SpO2 (nồng độ oxy trong máu) tăng từ 80% lên 96-98%, về mức ổn định.
Chị Ngọc Hoài và cậu con trai Soda kháu khỉnh, biết trêu đùa với mẹ. Clip: Kim Vân
Tuy nhiên, sóng gió chưa dừng lại ở đó. Quá trình điều trị cho Ngọc Hoài rất khó khăn, vất vả. Bệnh nhân nhiều lần bị biến cố chảy máu trong ổ bụng và trên thành bụng do vết mổ cũ lấy thai. Các bác sĩ trải qua 6 lần đại phẫu, mở ổ bụng lấy máu tụ, thám sát mạch máu tìm vị trí chảy máu để cầm. Trong thời gian nằm viện, chị Hoài được truyền 45,75 lít máu và chế phẩm máu - gấp 7 lần lượng máu cơ thể một người. Với sự nỗ lực của tập thể y bác sĩ, đặc biệt là nghị lực vượt lên chính mình với ước muốn thôi thúc được gặp chồng con, chị Hoài đã cai ECMO thành công sau 45 ngày và được ra viện sau gần 3 tháng.
Khi tỉnh dậy, Ngọc Hoài chưa mường tượng được mình tại sao lại nằm ở đây. Chính bác sĩ Diệp Hồng Kháng - Trưởng Khoa Hồi sức và Điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, Bệnh viện Quân y 175 đã giải thích bệnh tình cho chị Hoài và là người động viên chị nhiều nhất. Khi Hoài mệt, chị luôn được bác sĩ Kháng động viên: "Em gắng ăn để mà về với chồng con, chồng con đang chờ đó".
Ngọc Hoài kể, chị rất xúc động khi bác sĩ quan tâm từng ly từng tí với bệnh nhân, "ngày nào bác sĩ Kháng cũng hỏi thăm Hoài hôm nay có ăn được không, thấy trong người như thế nào. Bác sĩ cũng nhắc điều dưỡng chăm sóc tôi từ việc cắt móng tay móng chân, vệ sinh tắm rửa để tôi không bị tróc da do quá trình nằm một chỗ quá lâu".
Những ngày chị Hoài hôn mê trong Bệnh viện Quân y 175, với anh Vương Tiến – chồng chị Hoài là những ngày không thể quên trong cuộc đời. Một mình anh chăm hai con, trong đó có cậu con trai mới đầy tháng vừa thôi nằm lồng kính về nhà khát sữa mẹ.
"Những ngày đó, đêm nào con gái tôi cũng khóc hết, cháu cứ hỏi "ba ơi, sao mẹ lâu về vậy ba?" khiến tôi chỉ biết ôm con và quay mặt đi khóc", anh Tiến tâm sự.
Ngày đón vợ được ra viện, anh Tiến mang vào viện cho vợ bộ quần áo đẹp nhất, cả chiếc mũ để chị Hoài đội đầu, che đi mái tóc đã bị cạo trọc trong quá trình điều trị COVID-19. Cả nhà gặp nhau mừng mừng tủi tủi, lần đầu tiên Ngọc Hoài được nhìn thấy cậu con trai, cô con gái Ngọc Linh được ôm mẹ cho bõ sau gần 3 tháng xa mẹ với nỗi lo sợ không có cơ hội được gặp mẹ nữa.
"Ngày ra viện, khi vòng hai tay lên ôm chồng, lần đầu trông thấy con trai ngoài đời, nhìn con gái cứ lấy tay quệt nước mắt, cảm giác của tôi thật khó diễn tả. Cả nhà chỉ biết ôm nhau khóc", chị Hoài kể khoảnh khắc trùng phùng sau cơn bạo bệnh.
Khoảnh khắc cả nhà chị Ngọc Hoài xúc động khi gặp nhau trong ngày ra viện. Ảnh: Nguyễn Ly
Hồi sinh
Ngọc Hoài nhớ lại, lúc tỉnh lại sau thời gian hôn mê, biết được sống, chị vui lắm, trông mong từng ngày để được ra viện về gặp chồng con, hàng xóm, người thân quen. Nhưng rồi, khi về đến nhà trọ, hàng ngày nhìn thấy mình trong gương với chiếc đầu cạo trọc tóc, làn da xỉn màu, bong tróc vì những ngày nằm viện dài tiêm truyền, chưa kể chân gầy bé như cánh tay, vết sẹo ở giữa cổ vì nhiều lần đặt nội khí quản, Hoài bị sốc.
"Khi mới về nhà trọ em mừng lắm, em không nghĩ là mình có thể là được về nhà. Nhưng một vài ngày sau là cảm giác bất lực vì chân đi không vững, tất cả sinh hoạt, vệ sinh chồng phải làm giúp em. Lúc này, chồng em vừa phải lo kinh tế, chăm hai con, đi chợ nấu cơm, phục vụ vợ. Em cảm thấy mình vô dụng, không làm được gì, trở thành gánh nặng cho chồng.
Ban đầu em cũng muốn buông, không muốn kéo dài thêm sự sống vì mệt mỏi lắm nhưng cứ nghĩ đến việc các bác sĩ đã không buông xuôi, nỗ lực hết sức cứu em rồi tất cả bạn bè, người thân, cha mẹ, anh chị em chờ em trở về là em phải cố gắng. Em không muốn những người yêu thương mình thất vọng. Chồng con em động viên. Đó là động lực để em vượt qua. Em nỗ lực từng ngày, từng ngày", Ngọc Hoài chia sẻ về những khó khăn cô phải đối diện sau khoảnh khắc mừng vui được hội ngộ chồng con và trở về từ cõi chết.
Cũng theo Ngọc Hoài, sau khi được bác sĩ thăm khám lại, để mau hồi phục và có người phụ chăm con, cả nhà chị về Huế, đến tháng 2 năm nay mới quay lại TP.HCM.
Khoảng thời gian ở quê, Ngọc Hoài được hưởng khí hậu trong lành lại được gần cha mẹ, hàng xóm láng giềng qua lại hỏi thăm, "người mua cho cân thịt, lạng cá, người cho mớ rau, quà bánh…" khiến chị ấm lòng và vực dậy tinh thần.
Chị Ngọc Hoài hạnh phúc khi được chăm lo cho con khôn lớn từng ngày. Ảnh: Kim Vân
Cuối tháng 2/2022, cả nhà chị Hoài quay trở lại TP.HCM. Biết hoàn cảnh khó khăn của vợ chồng chị, một chủ nhà trọ đã cho chị thuê căn hộ 1,7 triệu (rẻ hơn giá thị trường khoảng một triệu), tính điện nước hàng tháng vào khoảng 2,2 triệu.
Được biết, hiện tại tất cả chi phí gia đình chị Hoài trông chờ vào thu nhập của anh Tiến với nghề làm khung nhôm kính 10 triệu/tháng. Trước đây, khi chưa mắc bệnh, chị Hoài đi làm công nhân ở Công ty may Việt Tiến, mỗi tháng được 6-7 triệu nên cũng đỡ đần được gia đình chi phí giữa thành phố đắt đỏ. Vậy nhưng, hiện giờ chị chỉ có thể ở nhà trông con, lau dọn nhà cửa, đi chợ.
Thương chồng phải lo "cơm áo gạo tiền", lo tiền nhà, sữa bỉm cho con trai, tiền học cho con gái đầu năm học tới lên lớp 6, chị Hoài bàn với chồng kiếm thêm việc gì làm. Tuy nhiên, chồng chị không đồng ý. "Soda đã gần 1 tuổi, dần cứng cáp nhưng anh lo tôi sức khỏe còn yếu, kiếm việc làm thêm về nhà liên quan đến vải cắt may sẽ bụi bặm con, cổ của tôi sẽ bị ảnh hưởng".
Ngọc Hoài chia sẻ, trở về từ "cửa tử", sức khỏe của chị giảm sút nhiều so với trước kia. Mỗi lần chị lên xuống cầu thang là mệt, đạp xe đi chợ là thở dốc, mắc tật hay bị quên…. Tuy nhiên, nghĩ đến việc các bác sĩ hết lòng cứu chữa, Hoài nhắc mình phải cố gắng sống tốt hơn.
"Bác sĩ làm được thì mình cũng phải làm được", Hoài tự nhủ. Hàng ngày chị chịu khó tập thể dục, tập thở, vận động tay chân theo lời khuyên của các bác sĩ mỗi lần tái khám. Và theo thời gian, mái tóc của Hoài đen dài trở lại, làn da trắng hồng đã hồi phục và vết sẹo ở cổ đã mờ và nhỏ dần.
Ngọc Hoài cảm thấy mình may mắn được cứu sống, được tiếp tục chăm lo, thu vén cho chồng con. Ảnh: Kim Vân
Trải qua biến cố "thập tử bất sinh", vợ chồng Ngọc Hoài ngày càng yêu thương và thấu hiểu cho nhau hơn. Ngọc Hoài cảm thấy mình may mắn được cứu sống, được tiếp tục chăm lo, thu vén cho chồng con. Chị biết ơn gia đình, bạn bè, người thân quen, đặc biệt là các bác sĩ Bệnh viện Quân y 175. Sau khi xuất viện về nhà, các bác sĩ vẫn thường xuyên gọi điện, hỏi thăm tình hình sức khỏe Ngọc Hoài, thậm chí đến tận nhà chơi, tặng quà cho con trai chị. Thi thoảng, Ngọc Hoài cũng trò chuyện với Thu Trinh – sản phụ từng chung ECMO với chị. Hiện tại, Thu Trinh cũng có cuộc sống gia đình hạnh phúc, vợ chồng yêu thương nhau. Cậu bé con trai của sản phụ từng "chết đi sống lại" với Ngọc Hoài giờ cũng cứng cáp, lanh lẹ và đẹp giai.
"Một năm qua, tôi đã nỗ lực và thay đổi. Cuộc sống của tôi hiện giờ thoải mái, hạnh phúc, sức khỏe ổn, chồng thương yêu, con cái ngoan. Bây giờ tôi không quan trọng giàu hay nghèo, chỉ cần đủ ăn, có sức khỏe, gia đình được sum họp bên nhau.
Hồi trước, khi chưa qua đại dịch, chưa trải qua sự sống và cái chết, thì tôi cứ nghĩ là mình phải cố gắng làm, phải có tiền mới hạnh phúc được. Vậy nhưng qua cơn "thập tử nhất sinh", tôi suy nghĩ khác, cứ có sức khỏe, vợ chồng con cái sum vầy, cha mẹ mạnh khỏe là hạnh phúc", Ngọc Hoài chia sẻ.
Ngọc Hoài chia sẻ về cuộc sống hiện tại sau khi vượt qua "cửa tử". Clip: Kim Vân
Sự sống hồi sinh từ các sản phụ 'chết đi sống lại'
SKĐS - Đại dịch COVID-19 lẽ ra đã cướp đi cuộc đời của những sản phụ này và những đứa trẻ mới chào đời tưởng không bao giờ được gặp mẹ. Nhưng với quyết định mang tính lịch sử của ngành y, những cuộc đời này không bị đánh mất.