Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Bố Trạch tiến hành nội soi và gắp thành công dị vật trong mũi của bệnh nhân. Ảnh: TTXVN phát
Theo đó, từ ngày 20/6/2022, em Đ.Th. (10 tuổi), trú bản Cồn Roàng, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình bắt đầu có các biểu hiện bất thường về sức khỏe như người mệt mỏi, mũi bị đau nhức và chảy máu. Khoảng 15 giờ ngày 23/6, Đ.Th. được người nhà đưa đến Bệnh viên Đa khoa huyện Bố Trạch để thăm khám. Tại đây, bác sĩ Nguyễn Hoàng Long, Khoa Liên chuyên khoa của bệnh viện đã khám, nội soi mũi thì phát hiện có một dị vật kí sinh màu đen hình dạng giống vắt, đỉa rừng.
Ngay sau đó, các y bác sĩ bệnh viện đã tiến hành nội soi và gắp thành công 1 con đỉa còn sống ra khỏi mũi bệnh nhân. Hiện tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, mũi hết chảy máu và đã được xuất viện.
Người nhà bệnh nhân cho hay, vào mùa hè, trời nắng nóng nên Đ.Th. thường cùng bạn bè trong bản rủ nhau đi tắm, uống nước ở suối, khe. Đây cũng là một trong những nguy cơ cao dễ xảy ra việc bị đỉa chui vào mũi ở trẻ.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Long, Khoa Liên chuyên khoa, Bệnh viện Đa khoa huyện Bố Trạch (Quảng Bình) thông tin, ban đầu khi chui vào cơ thể người, kích thước các kí sinh trùng có thể rất nhỏ, khó nhận biết. Nếu không phát hiện kịp thời, sau một thời gian kí sinh và hút máu trong cơ thể người, chúng sẽ lớn rất nhanh và gây các triệu chứng bệnh khác nhau, trong đó nguy hiểm nhất nếu kí sinh ở khí quản sẽ gây ngạt thở, có thể dẫn đến tử vong.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Long cũng khuyến cáo người dân khi đi nương, rẫy; tắm suối, ao, hồ, khe nếu có biểu hiện chảy máu mũi, nghẹt thở, chảy máu đường tiết niệu hoặc nghi có dị vật kí sinh bên trong cơ thể thì nên đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám, phát hiện và điều trị kịp thời, tránh trường hợp kí sinh trùng xâm nhập gây hại cơ thể. Người dân, nhất là trẻ em cần tránh, hạn chế tối đa việc tắm khe, ao, hồ, sông, suối và nhất là không uống nước khe, suối khi chưa được đun sôi nhằm bảo vệ an toàn sức khỏe và tính mạng.