TTO - Chuẩn hóa chất lượng toa thuốc, khống chế việc lạm dụng kê đơn hoặc sử dụng đơn thuốc trôi nổi, một đơn thuốc sử dụng nhiều lần... Đây sẽ là các lợi ích mang lại của đơn thuốc điện tử đang được Bộ Y tế chỉ đạo các tỉnh thành áp dụng.
- Bệnh viện, phòng khám phải kê đơn thuốc điện tử trước 1-12-2022
- Có nên dùng lại đơn thuốc cũ cho trẻ hay không?
- 15 lý do khiến bạn không được sử dụng theo đơn thuốc của người khác
Người dân mua thuốc tại nhà thuốc Long Châu, quận 3, TP.HCM chiều 2-7 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trong thông tư 27 của Bộ Y tế quy định (hiệu lực kể từ ngày 12-2-2022), yêu cầu các bệnh viện hạng 3 trở lên phải hoàn thành việc kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử trước ngày 30-6.
Các nhà thuốc sẽ tiếp nhận đơn thuốc và liên thông dữ liệu bán thuốc thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Thế nhưng ghi nhận thực tế hiện nhiều bệnh viện, nhà thuốc còn lúng túng, chờ thêm hướng dẫn từ Bộ Y tế.
Có dữ liệu, chưa thể kết nối
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ tại các bệnh viện hạng 1, 2, 3 ở TP.HCM như Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện quận 11, Bệnh viện TP Thủ Đức, Bệnh viện Ung bướu..., tất cả các đơn thuốc của bệnh nhân đều đã được đánh máy, có mã vạch được lưu trên hệ thống nội bộ của bệnh viện.
Bà N.T.P. (68 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định thăm khám và được chẩn đoán cao huyết áp, rối loạn lipid máu, mạch vành đã đặt stent. Sau khi làm các xét nghiệm, bà được bác sĩ khám và kê toa 5 loại thuốc, hướng dẫn đến nhà thuốc của bệnh viện mua.
Đơn thuốc của bà được đánh máy, ghi rõ ràng tên thuốc, hàm lượng. Tên tuổi kèm mã vạch trên đơn thuốc của bà cũng được lưu trong hệ thống dữ liệu của bệnh viện. Đây là quy trình thường thấy ở tất cả các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM.
Bác sĩ Đinh Hữu Hào, phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho biết đơn vị vẫn đang trong quá trình triển khai áp dụng toa thuốc điện tử, bộ phận công nghệ thông tin vẫn đang điều chỉnh để hoàn thiện.
" Đơn thuốc điện tử hiện vẫn chưa được đồng bộ, liên thông với hệ thống đơn thuốc quốc gia. Trước mắt, khi bệnh nhân đến khám bệnh và lấy thuốc, đơn thuốc sẽ được lưu trên dữ liệu của bệnh viện và được kiểm soát đầy đủ", bác sĩ Hào nói.
Trong khi đó, bác sĩ Phạm Quốc Dũng - giám đốc Bệnh viện quận 11 - cho biết đơn thuốc điện tử kê cho bệnh nhân trong bệnh viện đã có từ lâu và đều được lưu trữ trong dữ liệu của đơn vị. Tuy nhiên, việc liên thông với hệ thống đơn thuốc quốc gia vẫn đang chờ hướng dẫn thêm từ các cơ quan chuyên môn.
Ông Dũng nói: "Đơn thuốc điện tử trong bệnh viện đã ổn hết, chúng tôi đang tiếp tục hoàn thiện các chữ ký, ký số của bác sĩ gửi hệ thống dữ liệu để các nhà thuốc dễ dàng kiểm tra cấp thuốc cho bệnh nhân".
Tương tự, tại Hà Nội, khảo sát của Tuổi Trẻ cho thấy đơn thuốc điện tử đã được triển khai ở "phạm vi bệnh viện" như Bệnh viện K, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Bệnh viện Thanh Nhàn... Theo đó, dữ liệu thông tin của bệnh nhân, đơn thuốc đã được lưu trữ trên hệ thống từ khâu kê đơn đến bán thuốc. Tuy nhiên vẫn chỉ dừng lại ở việc đồng bộ dữ liệu trong bệnh viện.
Đơn cử như Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) cũng chỉ mới nhận được kế hoạch và đang trong quá trình triển khai đơn thuốc điện tử. Tất cả đến nay vẫn chỉ đang ở khâu "rà soát và lập hồ sơ để đồng bộ dữ liệu".
"Mỗi bác sĩ sẽ có một tài khoản trên hệ thống, phải có thông tin, giấy phép hành nghề và những chứng từ liên quan đến việc khám chữa bệnh. Nhà thuốc cũng phải nhập liệu đơn thuốc lên hệ thống để đồng bộ các thông tin của bệnh nhân. Đây là vấn đề công nghệ, chúng tôi phải thực hiện từng bước", một cán bộ của bệnh viện này cho hay.
Dù chưa liên thông với dữ liệu chung nhưng từ năm 2020, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã thí điểm các quy trình quản lý toa thuốc điện tử khá tiện lợi.
"Tại bệnh viện, những đơn thuốc do bác sĩ kê trên máy tính, dữ liệu này đồng bộ với nhà thuốc bệnh viện. Người dân được nhận một hóa đơn in để mua thuốc, trong trường hợp mua thuốc tại bệnh viện người bệnh có thể không cần phải đưa đơn mà chỉ cần đọc họ tên, mã số bệnh nhân là có thể mua thuốc. Đơn thuốc điện tử không chỉ giúp bệnh viện quản lý kho thuốc mà còn giúp bệnh nhân dễ dàng mua thuốc hơn", vị đại diện bệnh viện nói.
Nguồn: Thông tư 27 Bộ Y tế - Dữ liệu: HOÀNG LỘC - Đồ họa: N.KH.
Nhà thuốc: "chưa nghe đơn thuốc điện tử"
Theo tìm hiểu, dù thông tư 27 của Bộ Y tế yêu cầu các nhà thuốc tiếp nhận đơn thuốc và liên thông dữ liệu bán thuốc thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia nhưng thực tế các nhà thuốc đều ngỡ ngàng, "chưa biết".
Sáng 2-7, chúng tôi ghé một nhà thuốc trên đường Lê Văn Chí (TP Thủ Đức) hỏi về việc tiếp nhận đơn thuốc điện tử (thay cho đơn thuốc giấy thông thường), dược sĩ đứng quầy tỏ vẻ bất ngờ cho biết: "Chưa nghe thông tin".
Theo dược sĩ này, hiện đơn vị mới chỉ kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu dược quốc gia, chưa tiếp nhận và cập nhật các thông tin toa thuốc điện tử lên hệ thống đơn thuốc quốc gia. "Chúng tôi đang bán thuốc theo toa giấy bác sĩ kê và có cập nhật dữ liệu nội bộ để kiểm soát nguồn thuốc mua vào bán ra, còn việc tiếp nhận toa thuốc điện tử thì chưa nghe phổ biến", dược sĩ này thú thật.
Tương tự, dược sĩ tại nhà thuốc D.A. (quận Bình Thạnh) ngỡ ngàng khi được hỏi việc tiếp nhận đơn thuốc điện tử.
"Tôi chưa nghe đến hệ thống đơn thuốc quốc gia, nếu triển khai việc tiếp nhận đơn thuốc điện tử cần được hướng dẫn thêm chứ chưa biết sẽ thực hiện thế nào", dược sĩ này nói và cho biết hiện tại khi người dân có nhu cầu chỉ cần cầm toa thuốc có chữ ký bác sĩ là nhà thuốc vẫn bán và lưu lại thông tin "sử dụng nội bộ".
Tại Hà Nội, ghi nhận ở những nhà thuốc ngoài bệnh viện gần như không biết về hệ thống đơn thuốc quốc gia, cũng như tiếp nhận hóa đơn thuốc điện tử. Chủ nhà thuốc trên đường 19-5 (quận Hà Đông) cho biết người dân vẫn thường cầm đơn thuốc của bác sĩ kê đến mua.
"Chúng tôi chưa nghe đến hệ thống đơn thuốc quốc gia. Với những thuốc chỉ định có đơn thì buộc bệnh nhân phải có đơn chúng tôi mới bán", người này nói.
Không chỉ nhà thuốc nhỏ lẻ, khi chúng tôi khảo sát tại một số hệ thống nhà thuốc lớn, có uy tín ở TP.HCM, các dược sĩ đứng quầy cũng tỏ vẻ bất ngờ và nói: "Chưa nghe triển khai".
Một dược sĩ tại nhà thuốc T.A. (quận 3) cho rằng sẵn sàng tiếp nhận đơn thuốc điện tử khi có yêu cầu, điều này không hề khó khăn gì nhưng đến nay nhà thuốc chưa tiếp nhận đơn thuốc điện tử nào từ các cơ sở y tế và từ người dân.
Bệnh nhân mua thuốc tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM vẫn sử dụng toa thuốc bản giấy - Ảnh: TỰ TRUNG
Người bệnh được lợi
Khẳng định việc áp dụng đơn thuốc điện tử sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh, bác sĩ Trần Văn Sóng - phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 - cho biết bước đầu đơn vị đã đăng ký danh sách tên bác sĩ, chữ ký lên hệ thống dữ liệu đơn thuốc quốc gia, tất cả trên 350 bác sĩ.
Hiện nay vấn đề lớn nhất, theo bác sĩ Sóng, là về kỹ thuật liên quan đến việc tương thích kết nối giữa phần mềm của bệnh viện với hệ thống dữ liệu đơn thuốc quốc gia.
"Việc này tôi cho rằng rất cần thiết, sẽ giúp bệnh viện kiểm soát tương đối các vấn đề kê toa thuốc hằng ngày của các bác sĩ, bình toa để cải tiến chất lượng kê đơn sao cho phù hợp với từng loại bệnh. Khi kết nối liên thông, không chỉ bệnh viện biết với nhau mà cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế cũng sẽ nắm. Từ đó việc kê toa của bác sĩ cũng sẽ rất kỹ và cân nhắc để phù hợp với chẩn đoán. Về lâu dài sẽ hình thành một thói quen kê toa đúng, đủ, tránh lạm dụng, điều này sẽ rất có lợi cho người bệnh", bác sĩ Sóng chia sẻ.
Trưởng khoa dược của một bệnh viện đa khoa hạng 2 ở TP.HCM cũng cho biết việc áp dụng đơn thuốc điện tử bắt buộc trước tiên là giúp chuẩn hóa, nâng cao chất lượng kê đơn của bác sĩ, bởi thực tế cho thấy có nhiều bác sĩ kê đơn khá lạm dụng.
Ngoài ra, nếu đơn thuốc đã bán được đẩy lên hệ thống đơn thuốc quốc gia có nghĩa sẽ hạn chế được việc một đơn thuốc kê cho nhiều người cùng dùng, chưa kể việc dùng đi dùng lại cùng một đơn thuốc, trong khi mỗi người mỗi lúc một bệnh khác nhau.
Đặc biệt, việc áp dụng đơn thuốc điện tử sẽ giúp cơ quan quản lý có cơ sở dữ liệu quốc gia về kê đơn dịch vụ không bảo hiểm y tế, hạn chế việc đơn thuốc dịch vụ trôi nổi, vốn chưa được kiểm soát lâu nay.
"Cứ hễ kê đơn là phải đẩy lên hệ thống dữ liệu quản lý chung sẽ mang tới cho người bệnh nhiều lợi ích, đặc biệt trong vấn đề tương tác thuốc và chỉ định phù hợp, qua đó giúp cơ quan quản lý kiểm soát được chất lượng toa thuốc khi cần", dược sĩ này phân tích.
Bác sĩ Phạm Quốc Dũng nói rất ủng hộ việc áp dụng đơn thuốc điện tử, bởi sẽ có lợi cho cả người bệnh và bệnh viện như tránh đọc nhầm tên thuốc, hàm lượng, đơn thuốc lưu trong hồ sơ bệnh án của bệnh nhân và đặc biệt là dễ dàng tra lịch sử thuốc bệnh nhân sử dụng. "Đây là chương trình lớn, bệnh viện vẫn đang cập nhật dữ liệu lên hệ thống, nhưng việc thực hiện theo tôi là không có gì khó khăn", bác sĩ Dũng khẳng định.
Sở Y tế TP.HCM yêu cầu tất cả nhà thuốc tiếp nhận đơn thuốc điện tử
TTO - Sở Y tế TP.HCM yêu cầu các nhà thuốc trên địa bàn TP thực hiện việc tiếp nhận đơn thuốc điện tử và liên thông dữ liệu bán thuốc thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.
THU HIẾN - DƯƠNG LIỄU - HƯƠNG THẢO