Từ đầu năm đến nay, sốt xuất huyết ở nước ta chủ yếu ở phía Nam, chiếm 80% số ca mắc của cả nước và 100% số ca tử vong. Đáng chú ý, số ca mắc, tử vong tăng rất nhanh trong 4 tuần gần đây. Chuyên gia nhận định, năm nay, số ca sốt xuất huyết nặng tăng nhanh, cao hơn nhiều so với cùng kỳ 2 năm trước, nhưng vẫn chưa đạt đỉnh dịch.
Điều trị cho bệnh nhi mắc sốt xuất huyết. (Ảnh TTX)
Có thể nhận thấy, năm nay số ca sốt xuất huyết nặng tăng nhanh, cao hơn nhiều so với cùng kỳ hai năm trước. Số trẻ em tử vong do sốt xuất huyết nhiều hơn người lớn, trong khi những năm trước số người lớn tử vong nhiều hơn.
Theo báo cáo của các địa phương, đến ngày 16/6, cả nước ghi nhận hơn 60.000 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 97% so với cùng kỳ. Con số này tăng thêm khoảng 8.000 ca so với 1 tuần trước đó. Dự báo số mắc mới sốt xuất huyết đang trong xu hướng tăng, đặc biệt là tại các tỉnh, thành phía Nam.
Các tỉnh, thành phố có số ca mắc tăng cao là: Bình Dương, An Giang, Đồng Nai, Bình Dương… Trong đó, riêng tại TP HCM mới đây đã có thêm 1 ca tử vong liên quan đến sốt xuất huyết, nâng tổng số ca tử vong vì bệnh này từ đầu mùa đến nay lên 9 ca.
Theo HCDC, tính từ ngày 10 đến 16/6, TP HCM ghi nhận 16.057 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 117,3% với cùng kỳ năm 2021 là 7.388 ca, với số ca sốt xuất huyết nặng là 274 ca. Phường Tân Hưng Thuận, Thạnh Lộc (quận 12), Linh Xuân (TP Thủ Đức), xã Bình Chánh (huyện Bình Chánh), xã Trung Chánh (huyện Hóc Môn) là 5 địa phương có số ca bệnh tăng cao so với trung bình 4 tuần trước đó. Trong tuần qua, thành phố ghi nhận thêm 136 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 77 phường, xã thuộc 16/22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức, tăng 13 ổ dịch mới so với tuần trước. HCDC đã phun hóa chất 257 ổ dịch và xử lý một ổ dịch diện rộng.
Phân tích nguyên nhân số ca mắc và tử vong do sốt xuất huyết tăng cao, TS.BS Nguyễn Lương Tâm - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã chỉ ra một trong những nguyên nhân chính khiến bệnh nhân sốt xuất huyết ở phía Nam chuyển biến nặng, tử vong cao là do người dân khi mắc bệnh thường đến các phòng khám tư và chỉ đến bệnh viện khi trở nặng. Những trường hợp này việc điều trị khó khăn hơn và nhiều người không qua khỏi. Ngoài ra, người mắc sốt xuất huyết còn chủ quan, thường bỏ qua các dấu hiệu khi đã hết sốt nhưng không biết rằng sau giai đoạn hết sốt là rất nguy hiểm.
Một thực tế khác là hóa chất diệt muỗi, máy phun... ở nhiều địa phương đã cạn kiệt nhưng chưa được duyệt kinh phí để mua. Các cơ sở y tế, nhất là tuyến huyện thiếu dịch truyền do không mua được, thiếu nguồn cung (bệnh viện khu vực) dẫn đến thiếu phương tiện điều trị cho bệnh nhân. Chưa kể, sau 2 năm phòng chống dịch COVID-19, nhiều nhân viên y tế nghỉ việc nên hiện phần lớn là người mới, chưa được tập huấn về công tác phòng chống sốt xuất huyết.
Trong khi đó, theo Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, sốt xuất huyết trở thành dịch khi mất cân bằng giữa 3 yếu tố: thứ nhất là tác nhân gây bệnh ở đây là virus sốt xuất huyết; thứ hai là véc tơ tức là muỗi vằn và thứ ba là khối cảm thụ, tức là con người.
Thời gian vừa qua, để ngăn chặn dịch sốt xuất huyết lây lan mạnh, Cục Y tế dự phòng đề nghị ngành y tế các tỉnh, thành thực hiện mạnh mẽ chiến dịch truyền thông phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và các hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết lần thứ 12 (ngày 15/6/2022) với chủ đề “Đẩy lùi bệnh sốt xuất huyết”.
Cục Y tế dự phòng đề nghị lãnh đạo các viện trên thành lập ngay các đoàn công tác trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương, đặc biệt là các tỉnh, huyện, vùng nóng ghi nhận số mắc và tử vong do sốt xuất huyết cao để tập trung hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật và hóa chất, vật tư phòng chống sốt xuất huyết.
Bên cạnh đó, các viện hướng dẫn các địa phương giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn, đảm bảo phát hiện bệnh nhân sớm để điều trị kịp thời, tránh bệnh chuyển độ nặng; tổ chức xử lý triệt để ngay khi phát hiện các ổ dịch và phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại khu vực có nguy cơ cao theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tập trung truyền thông trước và trong khi triển khai các chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy và chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi để người dân biết, phối hợp thực hiện.
Cùng với đó, Cục Quản lý khám, chữa bệnh đã phối hợp với bệnh viện Nhi đồng TP HCM tổ chức lớp tập huấn công tác điều trị bệnh dịch sốt xuất huyết Dengue, tay - chân - miệng và hậu COVID-19 cho gần 1.000 y, bác sĩ. Đồng thời yêu cầu các bệnh viện tăng cường việc theo dõi người bệnh sốt xuất huyết Dengue đang nằm nội trú tại cơ sở khám, chữa bệnh trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời các ca bệnh sốt xuất huyết Dengue có diễn biến nặng lên. Dự kiến, trong tuần tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn về điều trị sốt xuất huyết cho các nhân viên y tế để nâng cao hiệu quả điều trị sốt xuất huyết.
Nguồn Tin: