Sốt ngày thứ nhất với thân nhiệt gần như lúc nào cũng trên 38,5 độ, có những thời điểm Phương Linh sốt cao trên 39 độ. Những lúc như thế, nếu chưa hết 4h uống thuốc hạ sốt dòng efferalgan chị Mai (Ba Đình) chỉ còn cách lau người tích cực và bón từng thìa orezol bù nước. Nhưng nhiệt độ của con cũng chỉ giảm xuống đến 38,4 là thấp nhất.
Cố cho con ở nhà đến ngày thứ hai, thì con gái chị Mai tiếp tục kêu đau đầu, đau bụng, buồn nôn, nôn. Nghi ngờ lây cúm A từ bạn tham gia sinh hoạt hè nhưng để chắc chắn, chị Mai đưa con đến viện khám.
Sốt xuất huyết, viêm não được loại trừ. Kết quả xét nghiệm cho biết con bị cúm A. Bác sĩ kê đơn cho bé ngoài thuốc hạ sốt có thêm thuốc Tamiflu với liều dùng 1,5 viên/ngày (loại 75mg), uống trong 3 ngày.
Đi 5 cửa hàng chị Mai mới mua được 5 viên Tamiflu cho con
“Tại nhà thuốc bệnh viện, họ nói tạm thời hết thuốc”, chị Mai cho hay.
Người mẹ này tiếp tục đi thêm hai cửa hàng của một hệ thống chuỗi nhà thuốc trên đường Đội Cấn, thêm 2 cửa hàng nhỏ dọc phố này cũng được thông báo không còn thuốc Tamiflu.
“Chỉ đến khi tôi đến nhà thuốc khá lớn trên phố Hoàng Hoa Thám thì mới mua được 5 viên thuốc cho con với giá 70.000 đồng/viên. Nhân viên bán thuốc cho biết giá thuốc tăng từng ngày sau khi tôi phàn nàn sao đắt thế”, chị Mai cho biết.
Lo sợ khan hàng, bị đẩy giá trong khi nhà vẫn còn tới 3 người chưa mắc, chị Mai muốn mua thêm Tamiflu, người bán hàng ở hiệu thuốc này cho biết “thuốc chỉ sử dụng khi có kết quả xét nghiệm mắc cúm A còn những loại cúm khác không được uống”.
Cũng giống chị Mai, lo sợ tình trạng thiếu thuốc khi xung quanh quá nhiều người thân bạn bè mắc cúm A, anh Hải (Long Biên, Hà Nội) tìm mua thuốc Tamiflu về “dự trữ”. Nhưng đi 4-5 hiệu thuốc ở quận Long Biên không có, anh đành quay về.
Khảo sát thực tế cho thấy, không chỉ những cửa hàng nhỏ không có hoặc hết thuốc Tamiflu mà ngay cả các chuỗi của hàng bán thuốc lớn như Pharmacity đều cho biết, loại thuốc này hết hàng khoảng 1 tháng nay, chưa rõ khi nào có hàng về.
Trước thực trạng khan hàng, giá thuốc Tamiflu được đà "nhảy múa". Tại nhà thuốc nhỏ trong ngõ 35 Kim Mã Thượng, giá thuốc Tamiflu cũng được đẩy lên 75.000 đồng/viên và chỉ bán cả hộp 10 viên.
Tại nhà thuốc Ngọc Anh, nhà thuốc Trung tâm (quận Thanh Xuân), giá Tamiflu của hãng Roche niêm yết 850.000 đ/hộp 10 viên. Nhà thuốc Thanh Bình (quận Thanh Xuân) giá 800.000 đ/hộp 10 viên.
Liên lạc qua điện thoại tại hệ thống Mua thuốc 24h, nhân viên trực tổng đài cho biết có bán thuốc Tamiflu với giá bán 900.000 đ/hộp. Hệ thống cũng không bán lẻ mà bán cả hộp 1 vỉ, 10 viên.
Thắc mắc vì sao giá bị đẩy lên cao, một số cửa hàng cho biết do hàng nhập khẩu chính hãng, nguồn cung cũng hết thuốc. Trong khi đó, ngoài bệnh nhân được bác sĩ kê đơn thuốc Tamiflu tìm mua thì còn một số người mua để “dự trữ” khiến thuốc càng khan hiếm.
Trao đổi với phóng viên, đại diện hệ thống nhà thuốc Long Châu cho biết, nhà thuốc cam kết bình ổn giá. Hiện tại trên toàn hệ thống nhà thuốc vẫn đang bán với giá 520.000 đồng/ hộp.
"Nhờ nguồn hàng tốt nên khi bùng dịch nhà thuốc đã giảm giá xuống 520.000 đồng/hộp như một cách để san sẻ gánh nặng với người bệnh trong mùa dịch hoành hành", vị này cho hay.
Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế vào chiều 28/7, trên hầu hết các cửa hàng của nhà thuốc này cũng không còn Tamiflu.
Phóng viên đặt vấn đề nếu nhu cầu thuốc Tamiflu vẫn tiếp tục tăng thì Long Châu có kế hoạch nhập khẩu tiếp hay không? Nếu có thì sau bao lâu thuốc đến được tay người bệnh?.
Đại diện nhà thuốc cho biết Long Châu là đơn vị bán lẻ hoạt động trên 63 tỉnh thành nên hãng (đơn vị sản xuất thuốc) đã hỗ trợ rất nhiều về nguồn hàng Tamiflu để có thể đến tay người bệnh nhanh nhất trên khắp Việt Nam.
Nghiệp vụ nhập khẩu và chi tiết nguồn hàng các đợt tiếp theo do nhà cung cấp thực hiện và Long Châu luôn bám sát thông tin từ hãng để cung ứng đến khách hàng kịp thời nhất có thể.
Theo khuyến cáo của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), trong điều trị cúm A, B, Tamiflu (chứa hoạt chất Oseltamivir hàm lượng 75mg) là thuốc không được sử dụng tùy tiện, không nên tự ý mua thuốc về chữa cúm.
Thuốc Tamiflu và các thuốc khác có chứa hoạt chất Oseltamivir là thuốc kê đơn, khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn thuốc. Nếu sử dụng không theo đúng chỉ định của người kê đơn, có thể dẫn đến nguy hiểm tới tính mạng, sức khỏe.
Đặc biệt, đối với trẻ em, TS. Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo, các phụ huynh không nên tự ý cho con sử dụng thuốc Tamiflu.
Thuốc này dùng để ức chế virus nhân lên, làm giảm khả năng bám dính của virus ở đường hô hấp. Tuy nhiên, một nghiên cứu đã được Bệnh viện Nhi Trung ương triển khai cho thấy, nếu sử dụng Tamiflu sau 48 giờ, kể từ lúc có triệu chứng sốt, thì không khác gì nhóm bệnh nhân không dùng.
Vấn đề quan trọng khi trẻ mắc cúm A là phải chú ý hạ sốt, vệ sinh đường hô hấp, hạn chế tiếp xúc để tránh bội nhiễm. Bên cạnh đó, cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho trẻ.
Hai mẹ con cấp cứu vì tự điều trị cúm A
Cúm là bệnh truyền nhiễm hay gặp, bất cứ ai cũng có thể mắc, nhưng chủ quan nghĩ bệnh lành tính, dễ chữa mà có không ít trường hợp bệnh trở nặng bất ngờ và phải nhập viện vì mất sức.
Những món ăn 'đánh bay' cúm mùa ở ngay trong gian bếp
Người mắc cúm A thường mệt mỏi và chán ăn, tình trạng này khiến cho quá trình hồi phục lâu hơn rất nhiều. Vậy người mắc cúm A nên ăn gì cho mau bình phục?
Những ai cần xét nghiệm cúm A?
Cúm mùa được gây ra bởi các virus cúm, là bệnh truyền nhiễm, lây chủ yếu qua đường hô hấp và dễ bùng phát thành dịch.
Thực hiện nghiêm các quy định về quản lý giá thuốc, không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng và đẩy giá thuốc tăng cao nhằm trục lợi, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế ngày 28/7 cũng đã có công văn yêu cầu các đơn vị bảo đảm cung ứng, kiểm soát chặt chẽ thuốc điều trị cúm mùa.
Theo đó, để bảo đảm việc cung ứng và kiểm soát giá thuốc điều trị cúm mùa, đặc biệt với các thuốc điều trị cúm A (thuốc Tamiflu và các thuốc chứa hoạt chất oseltamivir), Cục Quản lý Dược yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành khẩn trương chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng trực thuộc Sở Y tế xây dựng và triển khai kế hoạch bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc điều trị cúm, đặc biệt thuốc điều trị cúm A, không để xảy ra tình trạng thiếu.
Các bệnh viện, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc thực hiện nghiêm các quy định về quản lý giá thuốc (niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, mua thuốc theo giá không cao hơn giá bán buôn, bán lẻ kê khai, kê khai lại đã công bố).
Cục Dược nhấn mạnh không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng và đẩy giá thuốc tăng cao nhằm trục lợi.
Song song với đó, các địa phương cũng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh các thuốc kháng virus dùng trong điều trị cúm, đặc biệt các thuốc điều trị cúm A.
Theo đó, cần xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt các trường hợp kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá thuốc bất hợp lý.
Các Bệnh viện, Viện trực thuộc Bộ Y tế được yêu cầu chủ động triển khai kế hoạch bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc điều trị cúm, đặc biệt thuốc điều trị cúm A, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, thực hiện đúng các quy định về quản lý giá thuốc.
Với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, Cục yêu cầu khẩn trương lên kế hoạch sản xuất, nhập khẩu thuốc để bảo đảm nguồn cung ứng phục vụ công tác điều trị.
N. Huyền