Thao túng tâm lý có thể gây ra nhiều hậu quả nguy hiểm. Ảnh: Insider .
Trong các cuộc xung đột và tranh cãi, các cặp đôi đáng lẽ cần đối mặt, giải quyết vấn đề đang vướng mắc, một số chuyển sang chiều hướng đen tối hơn. Đó chính là một trong hai thao túng tâm lý, tình cảm của đối phương. Đây là dạng lạm dụng tình cảm và có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
Hiện tượng không hiếm
Bà Janika Veasley, người sáng lập Trung tâm Trị liệu Amavi, nói với Insider: “Thao túng cảm xúc xảy ra khi một người lạm dụng hoặc sử dụng các chiến thuật, chiến lược cụ thể nhằm kiểm soát, chiếm quyền lực của người khác hoặc tự biến mình thành nạn nhân”.
Hệ lụy của nó thường là những mối quan hệ không lành mạnh, thiếu tin cậy, thậm chí vi phạm một số ranh giới.
Theo cuốn Thao túng cảm xúc , nhà tâm lý học nổi tiếng Susan Forward nhận định kẻ thao túng cảm xúc có thể cố ý hoặc vô tình sử dụng các biện pháp “thao túng” trực tiếp hoặc gián tiếp như yêu cầu, đe dọa, gây áp lực, chiến tranh lạnh… khiến người bị thao túng sản sinh các loại cảm xúc tiêu cực như cảm giác thất bại, cảm giác tội lỗi, cảm giác sợ hãi…
Những cảm giác này sẽ lên men trong lòng người bị thao túng, làm tổn thương họ. Để xoa dịu chúng, người bị thao túng có thể sẽ thuận theo yêu cầu của đối phương, lâu dần sẽ hình thành một vòng tròn luẩn quẩn. Người bị thao túng bị người thao túng khống chế, kiểm soát mọi quyết định và hành vi của họ bằng những biện pháp như trên, mất đi năng lực, sự tự do, “tự quyết”.
Một nghiên cứu năm 2013 cho thấy lạm dụng tình cảm có thể gây hại tương tự lạm dụng thể chất. Bởi cả hai đều có thể hạ thấp lòng tự trọng và gây trầm cảm.
Đáng buồn thay, thao túng tâm lý không phải hiện tượng hiếm. Một cuộc khảo sát năm 2011 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy 47,1% phụ nữ và 46,5% nam giới đã trải qua cảm giác gây hấn, tâm lý thù địch.
Thao túng tâm lý có thể xảy ra ở rất nhiều mối quan hệ, không chỉ là tình cảm, yêu đương. Ảnh: Samego.
Dấu hiệu người đang bị thao túng tâm lý
Theo Healthline , các dấu hiệu thao túng tâm lý rất tinh vi. Chúng thường khó xác định và đặc biệt, nạn nhân không biết điều này đang xảy ra. Không ai đáng bị thao túng. Do đó, điều quan trọng là chúng ta nhận thức được các dấu hiệu của sự thao túng, lạm dụng tình cảm, từ đó xác định liệu mối quan hệ của bạn có đang lành mạnh không, tiềm ẩn các nguy hiểm không.
Dưới đây là 8 dấu hiệu nhận biết người đang bị thao túng tâm lý.
Sử dụng sự bất an để chống lại bạn
Theo nhà trị liệu Veasley, những kẻ thao túng tâm lý có thể dùng sự bất an, khiếm khuyết và nỗi sợ để hạ gục đối phương. Ví dụ, họ mang đến cảm giác bất an khi bạn đang cảm thấy chán nản hoặc để chỉ ra khuyết điểm của bạn trước mặt người khác.
Một lớp vỏ bọc của dấu hiệu này là sử dụng lời khen có cánh nhưng thực chất bên trong là sự công kích. "Nếu đối phương nói 'Tôi thích trang phục của bạn hôm nay. Trông bạn không luộm thuộm như mọi lần', bạn có thể không coi đó là lời khen chân thành. Bạn sẽ cảm thấy bị tổn thương và bị xúc phạm", bà Veasley nói.
Lạm dụng tinh thần và cảm xúc của nạn nhân
Dấu hiệu này còn được biết đến với tên gọi Gaslight. Thuật ngữ Gaslighting bắt nguồn từ vở kịch/phim cùng tên và được sử dụng rộng rãi vào thập niên 60 như một hành vi lạm dụng nhận thức của nạn nhân.
Đây là thủ đoạn dùng những thông tin sai trái, thiếu chính xác để thao túng, điều khiển và bạo hành người khác nhằm có được sức mạnh và sự kiểm soát tâm lý, tinh thần của nạn nhân.
Người thao túng dùng lời nói để khiến nạn nhân sợ hãi, cảm thấy không còn tin tưởng vào chính mình. Sự tự hoài nghi liên tục sẽ từ từ khiến nạn nhân không còn tự tin, dễ bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh hơn. Quá trình này xảy ra chậm, rất khó nhận biết. Lúc đầu, bạn thậm chí có thể cảm thấy tội lỗi khi nghi ngờ người thao túng mình.
Bà Veasley nhận định đây là cách mà kẻ bạo hành khiến nạn nhân nghi ngờ sự tỉnh táo, khả năng phán đoán của chính họ và từ đó bị hạ gục.
Chiến thuật thao túng này thường được sử dụng khi bạn khiến đối tác cảm thấy lo lắng. Khi bạn đối đầu với họ, họ sẽ chọc tức để bạn bắt đầu lo lắng, cảm thấy không còn giá trị, mất đi niềm tin. Từ đó, họ duy trì sự kiểm soát.
Sử dụng sự giúp đỡ của người khác
Trong nỗ lực thao túng và kiểm soát bạn nhiều hơn, kẻ bạo hành có thể nhờ đến người khác giúp đỡ. Theo bà Veasley, họ có thể đến gặp bố mẹ hoặc bạn thân của bạn để thuyết phục những gì họ muốn bạn làm.
Ví dụ, bạn muốn chia tay đối phương nhưng kết quả, đối phương gặp gia đình, bạn bè, nhờ họ tác động, thuyết phục bạn không cắt đứt mối quan hệ này.
Đây là điều rất có vấn đề vì nó cho thấy sự thiếu tôn trọng bạn với tư cách cá nhân lẫn người yêu, chồng/vợ.
Kẻ thao túng tâm lý thường đóng vai nạn nhân, đổ lỗi cho đối phương khi có vấn đề xảy ra. Ảnh: Freepik.
Sử dụng cảm giác tội lỗi như một chiến thuật
Những kẻ thao túng tâm lý thích sử dụng cảm giác tội lỗi để chống lại bạn hòng đạt được điều mà họ muốn. Ví dụ, họ liên tục nhắc nhở về những gì bạn đã làm sai trong quá khứ hoặc những điều tốt đẹp mà họ từng làm cho bạn. Theo bà Saba Harouni Lurie, người sáng lập thương hiệu trị liệu Take Root, điều này nhằm mục đích nhắc nhở bạn phải có nghĩa vụ với họ.
"Tất cả chúng ta đều sẽ mắc phải lỗi lầm gì đó. Một số người sử dụng cảm giác tội lỗi mà không hề nhận thức được. Những người thao túng cảm xúc có 'nghề' có thể xác định chính xác điểm yếu tội lỗi của đối phương là gì và dùng nó như một quân bài để đạt được lợi ích", bà Lurie nói thêm.
Ví dụ điển hình cho dấu hiệu này là khi đối tác nhắc về việc bạn đã quên lịch hẹn với cô ta/anh ta trong quá khứ. Điều này buộc bạn phải hủy kế hoạch hiện tại với bạn bè, người thân và dành nhiều thời gian hơn cho họ.
"Nó không chỉ khơi dậy ý thức về nghĩa vụ với họ mà còn tách bạn khỏi những người khác", vị chuyên gia lưu ý.
Gây hấn thụ động
Theo sách tâm lý học The Angry Smile (tạm dịch: Nụ cười giận dữ), “gây hấn thụ động” là những hành vi thể hiện cảm xúc tiêu cực một cách gián tiếp, không lộ liễu. Các hành vi gây hấn thụ động có một mục đích chung là phản ứng hoặc công kích người khác mà không để người đó nhận thấy.
Theo bà Lurie, chìa khóa thao túng tâm lý này nằm ở chỗ những kẻ thao túng luôn tìm cách thể hiện sự thất vọng hoặc không hài lòng với bạn. Nhưng thay vì nói thẳng, họ giả vờ như giấu kín nó, khiến bạn cảm thấy không tự tin, lo lắng và căng thẳng.
Thay đổi quy tắc
Đây là thủ đoạn thao túng được những kẻ lạm dụng cảm xúc sử dụng để khiến bạn cảm thấy chông chênh, không an toàn trong mối quan hệ của mình. Với thủ đoạn này, kẻ bạo hành sẽ cố tình làm khó bạn bằng cách thay đổi yêu cầu và mong muốn bạn phải đáp ứng nhiều đòi hỏi thường xuyên.
Những kẻ thao túng sẽ liên tục thay đổi kỳ vọng. Ví dụ họ nói bạn cần dành thời gian 3 ngày/tuần để đi chơi cùng họ. Nhưng khi bạn làm được, họ thay đổi kỳ vọng và nói rằng như thế vẫn chưa đủ.
Vi phạm ranh giới
Kẻ thao túng có thể phớt lờ khi bạn nói "không", hoàn toàn bỏ qua ranh giới của bạn.
Ví dụ bạn có thể nói với đối phương bạn không thích khi họ nhận xét về ngoại hình của bạn, nhưng họ vẫn tiếp tục làm như vậy. Hoặc nếu bạn nói với họ rằng bạn không thích khi họ quát mắng bạn và họ vẫn tiếp tục lặp lại.
Một khi đã vượt qua các ranh giới bạn đặt ra, nó càng chứng tỏ mối quan tâm duy nhất trong mối quan hệ này là bản thân những kẻ thao túng tâm lý và họ chỉ có mục đích duy nhất là đạt được nhu cầu.
Bắt chước hoặc sao chép
Nhiều người trong chúng ta thích hẹn hò với người có cùng sở thích. Nhưng khi hành vi của đối tác có vẻ gượng ép, có thể họ đang tìm cách thao túng bạn.
Bà Lurie lưu ý chúng ta nên quan sát tần suất đối phương cho phép bạn nói trước hoặc đặt các câu hỏi thăm dò và lặp lại đúng điều bạn muốn. Họ có thể đang tìm cách bắt chước hình mẫu mà bạn muốn, nhằm thuyết phục bạn đây là mối quan hệ độc nhất, tuyệt vời với hàng loạt điểm chung.
Nhưng khi đã tin tưởng, bạn dễ sinh ra cảm giác phụ thuộc vào đối phương. Kết quả là bạn không nhận ra mình đang bị thao túng, dễ thỏa hiệp với nhiều điều vượt giới hạn.