Đây là sự kiện nhằm tổng kết các hoạt động học tập và tiếp nhận học viên lớp chăm sóc vết thương đến thực hành tại Bệnh viện, trao đổi về định hướng phát triển các chương trình trong tương lai và tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc tế giữa BV ĐHYD TP.HCM và Hội Điều dưỡng Vết thương, Lỗ mở ra da và Quản lý dịch tiết của Mỹ.
25 học viên nhận được chứng chỉ BV ĐHYD TPHCM cung cấp
Tham dự chương trình, về phía Hội Điều dưỡng Vết thương, Lỗ mở ra da và Quản lý dịch tiết của Mỹ có TS ĐD Charleen Singh, Giám đốc chương trình chăm sóc vết thương; TS. Ann Nguyen, Phó Giám đốc chương trình. Về phía Đại học Y Dược TP.HCM (ĐHYD TP.HCM) có TS.BS. Đặng Nguyễn Trung An, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Đào tạo Nhân lực Y tế theo nhu cầu xã hội; PGS.TS.BS Nguyễn Văn Chinh, Trưởng khoa Điều dưỡng - Kỹ thuật y học; TS Trần Thụy Khánh Linh, Phó trưởng Khoa Điều dưỡng - Kỹ thuật y học. Đại diện BV ĐHYD TP.HCM có GS.TS.BS Trương Quang Bình, Phó giám đốc Bệnh viện, lãnh đạo các phòng chức năng và các giảng viên , học viên của chương trình Chăm sóc vết thương.
GS.TS.BS Trương Quang Bình, Phó giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM phát biểu BV ĐHYD TPHCM cung cấp
Phát biểu tại chương trình, GS.TS.BS Trương Quang Bình cho biết: “Chăm sóc vết thương là một thực hành mang tính khoa học lẫn nghệ thuật trong y khoa, giúp làm lành vết thương và người bệnh sẽ tránh được việc đoạn chi không cần thiết. Để chăm sóc vết thương người bệnh được tốt nhất, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa bác sĩ điều trị và sự chăm sóc kỹ lưỡng, đầy đủ, đúng phương pháp của người điều dưỡng. Tại Việt Nam, ĐHYD TP.HCM cùng với BV ĐHYD TP.HCM vinh dự là trung tâm đào tạo thứ 8 đủ tiêu chuẩn của tổ chức WOCN để tổ chức chương trình này. Bệnh viện gửi lời cảm ơn đến Tổ chức WOCN Society đã luôn tận tụy, nhiệt tình hỗ trợ để chương trình được diễn ra tốt đẹp. Trong tương lai, cần nhân rộng chương trình này đến các bệnh viện khác, cùng mang lại kết quả tốt nhất cho người bệnh và giúp ngành Điều dưỡng Việt Nam ngày càng phát triển.”
TS.ĐD Charleen Singh, Giám đốc chương trình Chăm sóc vết thương phát biểu bế giảng lớp thực hành chăm sóc vế thương BV ĐHYD TPHCM cung cấp
Là một trong 25 học viên hoàn thành lớp đầu tiên của chương trình, CNĐD Võ Thị Cẩm Nhung (Phòng Điều dưỡng của Bệnh viện) chia sẻ: “Em cảm ơn Ban Giám hiệu ĐHYD TP.HCM, Ban Giám đốc Bệnh viện và các anh chị đã tạo điều kiện, động lực để chúng em hoàn thành chương trình, giúp nâng tầm vị thế người điều dưỡng, góp phần phát triển hệ thống chăm sóc vết thương của Việt Nam. Em cũng gửi lời chúc đến các bạn sẽ tự tin và đạt điểm cao trong kỳ thi sắp tới”.
Chăm sóc và điều trị vết thương là một trong những thực hành lâm sàng thường quy tại các bệnh viện, phòng khám, gia đình và kể cả tại cộng đồng. Và việc được cung cấp dịch vụ chăm sóc vết thương là một nhu cầu và quyền lợi của người bệnh. Tuy nhiên, tại Việt Nam, đến nay vẫn chưa có các chương trình đào tạo, tập huấn và được quan tâm theo chuẩn mực dành cho điều dưỡng như các chuyên khoa khác.
Tại Mỹ, chuyên ngành vết thương, chăm sóc các lỗ mở ra da sau phẫu thuật, hay kiểm soát vấn đề ảnh hưởng của tiêu tiểu không tự chủ được gọi là “Wound, Ostomy, and Continence Care”. Đây là một trong những chuyên ngành nhận được sự quan tâm hàng đầu, thu hút không chỉ các điều dưỡng mà còn có các bác sĩ điều trị, bác sĩ phẫu thuật, chuyên gia kiểm soát nhiễm khuẩn và các nhà quản lý vận hành bệnh viện. Do vậy, việc đào tạo bài bản cho đội ngũ điều dưỡng trong chuyên ngành này sẽ giúp nâng cao chất lượng điều trị, tăng sự trải nghiệm và hài lòng của người bệnh, nhân viên y tế. Tổ chức WOCN Society Mỹ được thành lập từ năm 1986, được xem là một tổ chức chuyên nghiệp trong đào tạo chuyên ngành chăm sóc vết thương, lỗ mở thông ra da và quản lý dịch tiết được công nhận bởi nhiều trung tâm kiểm định đào tạo điều dưỡng của các bang trên toàn nước Mỹ.
Lớp thực hành chăm sóc vết thương với sự phối hợp thực hiện của Hội Điều dưỡng Vết thương, Lỗ mở ra da và Quản lý dịch tiết của Mỹ là lớp học đầu tiên tại Việt Nam, bao gồm 25 học viên là các giảng viên, điều dưỡng của các trường điều dưỡng, các điều dưỡng lâm sàng của các bệnh viện tại Việt Nam. Sau gần 10 tháng học tập, các học viên đã hoàn thành khóa học và sẽ tiếp tục kỳ thi chuẩn quốc tế, để được công nhận chính thức trong chuyên ngành này. Trong tương lai, sau khi được chuyển giao cho ĐHYD TP.HCM và BV ĐHYD TP.HCM, chương trình sẽ đón nhận các học viên từ các nước trên thế giới đến học tập và thực hành. Đây sẽ là hành trình mới của ngành Điều dưỡng Việt Nam nói riêng và ngành Y tế nước nhà nói chung.