Nhiều năm qua, một số hộ dân ở xã Hà Bình, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) chăn nuôi lợn nhỏ lẻ tại nhà ở, thậm chí chen chúc ngay trong khu dân cư, không có hệ thống thu gom chất thải, xả thải trực tiếp ra môi trường đã khiến những nhà dân xung quanh khốn khổ vì mùi hôi thối.
Các chuồng trại chăn nuôi lợn bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân xung quanh
Theo phản ánh của nhiều người dân ở thôn Nội Thượng, xã Hà Bình (huyện Hà Trung, Thanh Hóa), hơn 5 năm nay, hộ ông Bùi Văn Xuân và ông Đặng Quốc Biên chăn nuôi lợn tại nhà gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống cũng như sinh hoạt của người dân xung quanh.
Chị N.H.T (ở thôn Nội Thượng) cho biết, chuồng nuôi lợn của hộ ông Bùi Văn Xuân (cùng ở tại địa phương) nằm ngay cạnh kênh Chiếu Bạch và trong khu dân cư, có 2 dãy chuồng nuôi khoảng gần chục con lợn. Mặc dù hộ ông Xuân có lắp đặt bể bioga để xử lý phân và chất thải nhưng lại để “lộ thiên”, không có nắp đậy nên mùi hôi thối vẫn bốc ra, nhất là mỗi khi vệ sinh chuồng trại.
“Ngày nào cũng phải đóng cửa kín mít, không chịu được. Cứ hễ mở cửa ra thì mùi hôi thối bay xộc thẳng vào mũi, không thể thở nổi. Nhà tôi còn có trẻ nhỏ, tình trạng ô nhiễm kéo dài thế này thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của gia đình tôi và cả các hộ dân xung quanh. Hơn nữa, kênh sông Chiếu Bạch này là để phục vụ tưới tiêu, nhưng một số gia đình chăn nuôi cứ xả thải trực tiếp ra kênh, nguồn nước bị ô nhiễm nặng”, chị T. bức xúc nói.
Một hộ dân khác than thở: “Cả gia đình ăn không ngon, ngủ không yên, nhất là những ngày nắng nóng là mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, cứ ngửi là buồn nôn khó chịu. Chúng tôi đề nghị chính quyền địa phương cần có biện pháp xử lý các hộ gia đình chăn nuôi lợn trong khu dân cư gây ô nhiễm, để trả lại môi trường sống trong lành cho người dân xung quanh đây”.
Nước thải từ chuồng chăn nuôi lợn chảy trực tiếp xuống kênh Chiếu Bạch, gây ô nhiễm nguồn nước
Theo tìm hiểu của phóng viên, trên địa bàn xã Hà Bình hiện có khoảng trên 80 hộ gia đình chăn nuôi lợn, hầu hết là chăn nuôi nhỏ lẻ tại nhà ở và trong khu dân cư. Việc chăn nuôi lợn, gia cầm đang là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình. Tuy nhiên, một số hộ xây dựng chuồng trại trong khu dân cư lại chưa có hệ thống thu gom, xử lý chất thải đảm bảo kỹ thuật, khiến môi trường bị ô nhiễm, ảnh hưởng cuộc sống của những người dân xung quanh.
Ông Đinh Văn Huynh - Phó Chủ tịch UBND xã Hà Bình xác nhận, việc người dân phản ánh tình trạng chăn nuôi lợn gây ô nhiễm môi trường là đúng, tuy nhiên đây cũng là vấn đề khó khăn của xã. “Toàn xã có trên 80 hộ gia đình chăn nuôi lợn. Riêng trên tuyến kênh Chiếu Bạch ở thôn Nội Thượng như người dân phản ánh thì chỉ có 3 hộ chăn nuôi lợn, khoảng dưới chục con. Trong đó có 2 hộ đã có bể bigogas là hộ ông Hoàng Văn Quý và ông Bùi Văn Xuân, còn về mùi hôi từ chăn nuôi lợn thì không thể tránh khỏi”.
Theo ông Huynh, nhiều hộ gia đình chăn nuôi để phát triển kinh tế nên không thể cấm, nhất là tại khu vực nông thôn. “Quá trình chăn nuôi đối với hộ gia đình thì xã cũng đã hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đề xuất các hộ xây bể bioga để hạn chế ảnh hưởng đến khu vực dân cư xung quanh. Hiện xã chưa có quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung nên việc di dời các cơ sở chăn nuôi gia súc ra khỏi khu dân cư là rất khó khăn”, ông Huynh cho hay.
Trước tình trạng ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi lợn, đề nghị chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, có biện pháp xử lý để hoạt động chăn nuôi không “tra tấn” người dân xung quanh. Xây dựng xã nông thôn mới phải đảm bảo nhiều tiêu chí trong đó có môi trường phải trong lành, sạch sẽ. Như thế thì chất lượng cuộc sống của người dân mới được nâng cao.
Nguồn Tin: