Người dân Hà Nội đi tiêm mũi nhắc lại vaccine phòng COVID-19. Ảnh: Lê Phú.
Theo thống kê số liệu tiêm chủng của Bộ Y tế, tính đến hết ngày 18/7/2022, cả nước đã tiêm được 47.087.754 mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) vaccine phòng COVID-19 cho người trên 18 tuổi (chiếm 70,3%).
Một số tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm nhắc mũi 1 còn thấp là: Hải Phòng (44,3%); Quảng Nam (45,7%); Bình Thuận (49,1%); Đồng Nai (45,2%); Cần Thơ (50,7%).
Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm nhắc mũi 1 cao là: Bắc Giang (96,6%); Nghệ An (95,0%); Bến Tre (95,2%).
Về tiêm nhắc lần 2 (mũi 4) cho người trên 18 tuổi, đến nay đã tiêm được tổng số có 6.986.300 mũi tiêm (38,8%).
Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm nhắc mũi 2 thấp là: Bắc Kạn (6,6%); Nghệ An (9,8%); Quảng Bình (4,8%); Bình Định (6,5%); Đồng Tháp (8,8%).
Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm nhắc mũi 2 cao là: Đà Nẵng (87,3%); Khánh Hòa (81,7%); Kiên Giang (82,6%).
Với nhóm người từ 12-17 tuổi, đã có 1.812.954 trẻ được tiêm nhắc lại (chiếm 20,7%).
Đến nay, nhiều tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại cho người 12 - 17 tuổi còn thấp, dưới 20% như: Hà Nội; Thái Bình; Nam Định; Vĩnh Phúc; Hải Dương; Quảng Bình; Quảng Trị; Đà Nẵng; Đắk Nông; TP Hồ Chí Minh; Bà Rịa – Vũng Tàu; Đồng Nai…
Một số tỉnh đã triển khai tiêm nhắc tốt như: Thanh Hóa (54,3%); Bắc Giang (62,3%); Hậu Giang (59,4%).
Với nhóm trẻ từ 5 - 11 tuổi, đến nay đã tiêm được tổng số 10.339.835 mũi tiêm phòng COVID-19.
Theo Bộ Y tế , việc tiêm các mũi nhắc lại vaccine phòng COVID-19 (mũi 3, mũi 4) là cần thiết, nhằm bảo vệ mọi người không bị mắc bệnh; đặc biệt là tránh nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong do COVID-19 trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới. Vì vậy, người dân cần thiết phải tiêm nhắc lại để đảm bảo hiệu quả của vaccine phòng COVID-19.
Vừa qua, nhờ công tác truyền thông tích cực, cùng với nỗi lo khi xuất hiện các biến chủng mới, người dân đã tích cực hơn trong việc đi tiêm mũi nhắc lại, nhằm đảm bảo củng cố miễn dịch phòng bệnh.