Tuy nhiên thời gian qua, sự việc trở nên nghiêm trọng khi hàng loạt BV lớn đều bế tắc trong việc tìm nguồn thuốc và vật tư y tế. Thực tế này cần được Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và các địa phương sớm có giải pháp tháo gỡ.
Nhiều bệnh viện bế tắc trong tìm nguồn thuốc, vật tư y tế
Tại BV Đa khoa TP Cần Thơ, lãnh đạo BV thừa nhận tình trạng thiếu thuốc khoảng 2 tháng qua. Hậu Giang, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh hay một số BV khu vực phía Bắc cũng thiếu thuốc trong danh mục BHYT. Đơn cử như thuốc ung thư, một số vật tư như đinh, nẹp, stent…
Nhà thuốc bệnh viện Đức Giang, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Tại BV K, đại diện BV cho biết, tình trạng thiếu kim luồn và một vài trang thiết bị khác diễn ra khoảng vài tuần nay do đơn vị chưa đấu thầu mua sắm. Dù không gặp vướng mắc về mặt đầu tư, song BV cần xây dựng giá tốt nhất khi mời thầu, đảm bảo hai tiêu chí hợp lý về giá và đảm bảo chất lượng điều trị. Với các quy trình như vậy, trong khoảng 1 - 2 tuần nữa, BV mới có kết quả đấu thầu và dự kiến đầu tháng 7 có nguồn vật tư y tế cung ứng trở lại.
Trong khi đó, tại BV E, gần đây có bệnh nhân đã thắc mắc, họ đến khám bảo hiểm y tế (BHYT), được kê đơn 3 loại thuốc thì 2 loại thuốc là insulin và thuốc uống điều trị tiểu đường phải mua ngoài.
Đáng nói 2 loại thuốc này đều nằm trong danh mục BHYT chi trả mà bệnh nhân được hưởng. Thế nhưng thực tế, bệnh nhân đã mua 2 loại thuốc này hơn 450.000 đồng cho 1 tháng điều trị và đã phải mua ngoài trong vòng 3 tháng là hơn 1,3 triệu đồng.
Thừa nhận có tình trạng thiếu thuốc tại BV, TS Nguyễn Công Hựu - Giám đốc BV E cho hay, quá trình mua sắm đấu thầu thuốc hoặc vật tư y tế thường kéo dài 4 - 5 tháng.
Trước đó, các khoa, phòng của BV làm chuyên môn đều phải có dự trù, thống kê và kế hoạch mua sắm. Kế hoạch mua sắm phải có hồ sơ được phê duyệt và lựa chọn đơn vị trúng thầu. Tuy nhiên, đơn vị trúng thầu đôi khi cũng không có đủ hàng cung cấp cho BV. Quy trình làm thầu chậm cũng có nhiều lý do, trong đó có thể dự trù không kịp.
Đặc biệt, thời gian qua, mô hình bệnh tật đã thay đổi nhanh và sau 2 năm chống dịch, người dân đi đến các cơ sở khám chữa bệnh quá nhiều, dẫn đến sự quá tải. Vì vậy xảy ra tình trạng có thể năm nay cơ sở y tế dự kiến mua 1.000 viên thuốc nhưng sang năm có thể phải sử dụng 1.500 - 2.000 viên. Do đó, BV phải bổ sung thầu.
Trong trường hợp này, nếu trước đây, khi thiếu thuốc hoặc vật tư y tế, cơ sở y tế có thể vay, mượn đơn vị cung cấp trước, sau đó làm hồ sơ trả sau. Tuy nhiên hiện tại, không thể linh động như vậy được.
Hiện BV E đã làm xong thủ tục đấu thầu thuốc, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu thuốc, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh BHYT. Tuy nhiên, lãnh đạo BV E thừa nhận cũng không đảm bảo đủ thuốc 100%.
“Việc thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế trên diện rộng ở nhiều cơ sở y tế trên toàn quốc và lâu dài như hiện nay là chuyện không bình thường. Bên cạnh những yếu tố khách quan như cũng có nguyên nhân hiện nay các BV thận trọng hơn trong đấu thầu thuốc và vật tư y tế” - TS Nguyễn Công Hựu nhận định.
Trước thông tin thiếu thuốc tại các cơ sở y tế trên địa bàn, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã làm việc với các BV, trung tâm y tế trực thuộc. Đại diện Sở Y tế khẳng định, TP không thiếu thuốc, hầu hết BV đã có kết quả đấu thầu. Một vài cơ sở thiếu thuốc cục bộ trước đây hiện được cung ứng đủ…
Tuy nhiên, khi được hỏi BV có thiếu thuốc hay không, câu trả lời của hầu hết các lãnh đạo đơn vị là có. Nhưng tất cả đều cho rằng, vấn đề này đã tồn tại từ rất lâu do nhiều nguyên nhân khác nhau, chứ không phải sợ sai mà không dám tổ chức đấu thầu hoặc đấu thầu muộn.
Tháo gỡ bằng các biện pháp linh hoạt, cụ thể
Trước tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế ở nhiều cơ sở y tế như hiện nay, Bộ Y tế yêu cầu các sở y tế và BV khẩn trương báo cáo nguyên nhân, từ đó tìm ra giải pháp tháo gỡ. Trước đó, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế đã gửi văn bản hỏa tốc tới các cơ sở và BV yêu cầu báo cáo nguyên nhân thiếu thuốc, song hầu như chưa nhận được báo cáo từ địa phương.
Theo Bộ Y tế, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế là do tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ được thanh tra, kiểm tra, do vậy không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm của một số địa phương và đơn vị.
Mặc dù Bộ Y tế và UBND các tỉnh, TP đã thực hiện việc phân cấp thẩm quyền mua sắm, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị. Đến nay, Bộ Y tế đã chủ động đôn đốc các đơn vị tăng cường năng lực, hiệu quả công tác mua sắm, đấu thầu và kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan.
Thứ trưởng phụ trách điều hành hoạt động của Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, để tháo gỡ một phần khó khăn, trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Y tế đã cấp giấy đăng ký lưu hành cho 963 thuốc; công bố Danh mục 6.251 thuốc có giấy đăng ký lưu hành hết hiệu lực trước ngày 30/6/2022 và được kéo dài hiệu lực đến ngày 31/12/2022 cấp 738 giấy phép nhập khẩu sinh phẩm xét nghiệm trong phòng thí nghiệm; 21.762 giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế và 22 số lưu hành trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 trong trường hợp cấp bách. Hiện có khoảng 140.000 thông tin kê khai giá trang thiết bị y tế được công khai để các đơn vị tra cứu, làm cơ sở mua bán trang thiết bị y tế theo quy định.
Tuy nhiên, lãnh đạo một số địa phương cho hay, tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế chủ yếu do lo ngại, sợ sai, sợ bị thanh tra, kiểm tra, bị động; phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như tình hình dịch bệnh, mô hình bệnh tật; chậm thầu so với dự kiến do tình trạng hết hạn số đăng ký của một số loại thuốc.
Một số khó khăn do chậm có kết quả đấu thầu tập trung quốc gia, đàm phán giá một số thuốc mua sắm tập trung quốc gia, dẫn tới các cơ sở phải thực hiện hình thức mua sắm tại cơ sở và không chủ động được thời gian, số lượng mua sắm.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cam kết, sau khi nhận được phản ánh của các địa phương, cơ sở y tế về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai mua sắm, đấu thầu, Bộ Y tế sẽ phối hợp, làm việc với các bộ, ngành liên quan để phối hợp điều chỉnh, bổ sung, tháo gỡ.
Nhấn mạnh không được để thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, việc giải quyết những khó khăn trong mua sắm, đấu thầu không phải chỉ bằng mệnh lệnh hành chính mà phải được tháo gỡ bằng các biện pháp linh hoạt, cụ thể, nhất là hoạt động đấu thầu tập trung.
Trên cơ sở tập hợp mọi vướng mắc của địa phương trong mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, Bộ Y tế khẩn trương làm việc với BHXH Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT để có văn bản tháo gỡ ngay.
BHYT Việt Nam nắm lại tình hình thanh toán cho những trường hợp bệnh nhân phải tự mua thuốc, vật tư y tế trong quá trình điều trị. Bộ Y tế tập trung tháo gỡ những vấn đề cụ thể, làm trách nhiệm vì công việc chung, vì người bệnh, không để thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.
"Để giải quyết các tồn tại cần có đánh giá tổng thể về thực trạng công tác đấu thầu. Trong đó có sự phân biệt khác nhau giữa đấu thầu thuốc, vật tư tiêu hao và trang thiết bị y tế, để từ đó tìm ra thực trạng đúng, tại sao bây giờ DN không tham gia đấu thầu; vướng ở đâu về thể chế, quá trình tổ chức thực thi; vướng ở các nguyên nhân khách quan, chủ quan nào...
Từ đó, nếu quy định vướng ở các luật thuộc thẩm quyền của Quốc hội, phải trình Quốc hội để ra nghị quyết giải quyết. Vướng ở Chính phủ, chúng ta phải trình Chính phủ; vướng ở liên tịch giữa Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT phải cùng các bộ đó giải quyết. Vướng ở các văn bản luật thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế thì Bộ đứng ra giải quyết.
Có như vậy chúng ta mới từng bước tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc để công tác đấu thầu từng bước lập lại trật tự bình thường, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng của người dân.
Chúng ta cần sớm có Nghị định của Chính phủ trên cơ sở hướng dẫn Luật Dược, Luật Quản lý tài sản công, Luật Đầu tư, Luật Thương mại, Luật Đấu thầu... để có văn bản về liên doanh, liên kết, mượn máy, hóa chất... Khi có hành lang cụ thể chuyên biệt của ngành y tế sẽ tạo hành lang pháp lý ổn định khi muốn mua sắm tài sản công, mua sắm thiết bị. Hành lang đó bảo đảm an toàn cho người mua sắm, từ làm tốt công tác đấu thầu trang thiết bị, vật tư tiêu hao..." - Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế - TS Nguyễn Huy Quang
"Còn nhiều bất cập trong việc đấu thầu nên cán bộ khi làm rất sợ sai, dẫn đến việc thiếu thuốc. Để khắc phục tình trạng này, cần tăng tính tự chủ cho BV. Ngoài công tác đấu thầu, BV có thể đấu giá công khai không vượt mức giá trần mà cơ quan quản lý ngành đưa ra. Hiện nay, trong quy định đấu thầu phải lấy giá thấp nhất. Tuy nhiên, giá rẻ chưa chắc chất lượng bảo đảm. Nên trao quyền cho BV để lựa chọn loại thuốc tốt cho bệnh nhân với giá hợp lý." - Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn TP Hồ Chí Minh