Bệnh nhân mắc cúm điều trị tại bệnh viện.
Ca nhập viện tăng nhanh
Theo đại diện CDC Hà Nội, từ đầu năm đến giữa tháng 7, Hà Nội ghi nhận 2.605 trường hợp mắc cúm, không có trường hợp tử vong. Số ca mắc có xu hướng gia tăng trong 4 tháng trở lại đây, tại 23/30 quận, huyện, thị xã. Ca nhập viện do cúm tăng nhưng chưa ghi nhận chủng có độc lực cao.
Trong khi đó, TS Nguyễn Lương Tâm - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tại một số địa phương, ở một số bệnh viện tuyến cuối đã ghi nhận sự gia tăng của bệnh cúm. Cụ thể, Quảng Ninh ghi nhận hơn 1.200 ca, Hà Nội hơn 2.000 ca... Số ca mắc tăng nhẹ nhưng không ghi nhận ca có triệu chứng nặng, không có tử vong, chủ yếu là cúm thường.
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, đơn vị đầu ngành về bệnh truyền nhiễm, cũng ghi nhận số người đến khám do mắc cúm tăng. Hai tuần gần đây, gần 100 bệnh nhân tới đơn vị này thăm khám do xuất hiện triệu chứng cúm A. Hiện, bệnh viện điều trị 252 trường hợp, chủ yếu là nhóm trẻ dưới 5 tuổi (chiếm 44,1%), tiếp theo là nhóm tuổi 18-49 (chiếm 40%). Hầu hết bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, điều trị ngoại trú.
Tại Bệnh viện Nhi trung ương điều trị hàng trăm ca mắc cúm, tăng nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Nhiều trẻ bị viêm phổi, suy hô hấp, 45% trẻ mắc cúm A vào viện có hiện tượng co giật, 6% biểu hiện viêm não. Bệnh viện đa khoa Thanh Nhàn tiếp nhận hơn 10 bệnh nhân một ngày với biểu hiện sốt cao, mệt mỏi, có người nặng hơn bị viêm phổi, suy hô hấp.
Không chủ quan
PGS. TS Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội thông tin: Cúm mùa là bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông xuân. Có 4 chủng virus cúm mùa gồm: A, B, C và D, trong đó cúm A và B là hai chủng virus chính ở người có thể gây ra các đợt dịch. Tuy nhiên, số ca mắc cúm A gia tăng trong mùa hè là dấu hiệu bất thường của dịch cúm tại Việt Nam trong năm 2022.
Cúm mùa lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, ho, hắt hơi. Triệu chứng ban đầu của bệnh tương tự các bệnh cúm mùa nói chung. Điểm khác là trẻ thường sốt cao 39-40 độ C, đỏ mắt, họng bị sung huyết. Trẻ mệt mỏi, ăn kém, quấy khóc, khi bệnh nặng có cảm giác khó thở, viêm phổi, viêm tiểu phế quản...
Theo các chuyên gia y tế, bất kỳ chủng cúm nào cũng nguy hiểm vì đều có khả năng gây biến chứng viêm phổi. Vì thế, khi có dấu hiệu cúm, sốt, ho… người dân không nên chủ quan. Nếu có các triệu chứng nặng nên vào viện để được hỗ trợ, đặc biệt là để được phân lập, xác định chủng virus cúm đang mắc để có hướng điều trị kịp thời.
Ngoài ra, để phòng bệnh cúm, người dân nên thực hiện tốt vệ sinh cá nhân như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý, thường xuyên đeo khẩu trang khi tới nơi đông người, tiếp xúc với người bệnh…
Về hướng điều trị, PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nhiều phụ huynh lầm tưởng dùng kháng sinh giúp bệnh nhanh khỏi. Thực tế, kháng sinh không có tác dụng diệt virus - nguyên nhân gây cúm. Bệnh cúm tự khỏi trong vài ngày, người bệnh có thể dùng thuốc giảm ho, giảm đau họng hoặc thuốc hạ sốt.
“Lạm dụng kháng sinh trị cúm vừa tốn kém, vừa có thể gây ra tác dụng phụ như tiêu chảy, mệt mỏi, thậm chí kháng kháng sinh”, bác sĩ Dũng nói.