Các bác sĩ Bệnh viện ĐKKV Bắc Quang vừa gắp thành công một
con đỉa
dài khoảng 8cm sống suốt 1 tháng trong khí quản của nam thanh niên 15 tuổi.
Bệnh nhân T.V.T (15 tuổi, trú tại xã Vô Điếm, huyện Bắc Quang) đau ngực, đau họng cách đây 1 tháng mà không tìm được nguyên nhân, mặc dù đã dùng đủ các loại thuốc nhưng tình trạng không cải thiện.
Tại Bệnh viện ĐKKV Bắc Quang, sau khi thăm khám các bác sĩ phát hiện có "dị vật sống" là một con đỉa trong khí quản bệnh nhân.
Con đỉa sau khi gắp ra tại khí quản bệnh nhân.
Xác định dị vật nằm ở vị trí phức tạp, nếu để lâu, dị vật có thể chui vào sâu hơn, gây viêm phổi, biến chứng hoại tử thậm chí tử vong.
Ê-kíp đã nhanh chóng gắp con đỉa ra khỏi khí quản bằng phương pháp sử dụng nội soi khí phế quản ống mềm. Trong quá trình nội soi, do con đỉa di chuyển trong đường thở nên khó tiếp cận.
Kết quả sau khi thực hiện thủ thuật, dị vật gắp ra là một con đỉa còn sống dài khoảng 8cm, to gần bằng ngón tay út của người trưởng thành.
Các bác sĩ cho biết con đỉa sống lâu ngày trong khí quản nên càng ngày càng to lên, hút máu khiến cho thành phế quản của bệnh nhân bị viêm loét, đọng nhiều dịch mủ, che bít kín đường thở.
Con đỉa rừng thường sống ở các khe suối. Lúc còn nhỏ, kích thước chúng chỉ vài mm. Khi người hoặc động vật uống nước suối, chúng sẽ nhanh chóng chui vào các khoang mũi, họng, thanh hoặc khí phế quản và ký sinh ở đó. Sau một thời gian hút máu, chúng sẽ lớn rất nhanh, gây ra các triệu chứng về đường hô hấp cho vật chủ.
Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo người dân khi đi rừng không nên rửa mặt hay uống nước ở khe suối. Khi có các biểu hiện khó chịu nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và kiểm tra.
Hành hung nhân viên y tế: Cần làm gì để ngăn chặn hành vi xấu này?
SKĐS - Hành hung nhân viên y tế không phải diễn ra gần đây. Nhiều giải pháp đã được đưa ra nhưng rồi đâu lại vào đó. Phải chăng do chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe? Cần làm gì để nhân viên y tế có một môi trường làm việc an toàn?