Một trường hợp ngộ độc rượu được điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Ảnh: BVCC.
Ngộ độc rượu, tử vong nhanh
Chiều 17/8, Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP HCM cho biết, nữ bệnh nhân bị tổn thương não lan tỏa, có tiên lượng tử vong do ngộ độc rượu sau hơn 1 tuần điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc (ICU) đã xuất viện. Theo TS.BS Huỳnh Văn Ân - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc (Bệnh viện Nhân dân Gia Định), trước đó, bệnh nhân T.T.G.M. nhập viện trong tình trạng nặng, toan chuyển hóa, nồng độ methanol là 123.98 mg/dL, các bác sĩ cho đặt nội khí quản, thở máy, lọc máu. Sau khi được điều trị tích cực và lọc máu liên tục, nồng độ methanol của bệnh nhân giảm xuống còn 36 mg/dL. Tuy nhiên, kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) cho thấy người bệnh bị tổn thương lan tỏa cả hai bên bán cầu não. Tình trạng rất nặng, nguy hiểm đến tính mạng nhưng các y, bác sĩ vẫn kiên trì điều trị tích cực với hy vọng cứu sống người bệnh.
“Sau hơn 1 tuần điều trị tích cực tại khoa ICU, bệnh nhân M. đã ngưng thở máy và rút nội khí quản, đáp ứng tốt với điều trị. Người bệnh tỉnh, tiếp xúc chậm, cử động tay chân bình thường; tổn thương não có hồi phục nhưng để lại một số di chứng và được xuất viện ngày 16/8”, TS.BS Huỳnh Văn Ân cho biết.
Trước đó, đêm 4/8, 1 nhân viên được giao nhiệm vụ trông coi quán nhậu Mr Bao trên đường Tăng Nhơn Phú, phường Phước Long B, TP Thủ Đức (TP HCM). Tại đây, L.Q.K. rủ 5 nhân viên của quán cùng 2 người bạn khác (đều là sinh viên) tổ chức ăn uống. Nhóm 8 người mua thức ăn từ bên ngoài mang về, lấy 5 lít rượu có sẵn tại quán pha với nước ngọt và uống hết. Sau đó, cả nhóm ra về và xảy ra tình trạng ngộ độc, 1 người tử vong tại nhà trọ, 1 người tử vong tại bệnh viện, 6 người khác được điều trị tại bệnh viện.
Sau chùm ca ngộ độc rượu 8 người, Bệnh viện Nhân dân Gia định tiếp tục tiếp nhận thêm 5 ca ngộ độc do uống rượu pha cồn rửa tay. Đến nay, những trường hợp ngộ độc rượu này đã lần lượt được xuất viện với sinh hiệu và sức khỏe ổn định.
Cuối tháng 7 vừa qua, tại huyện Ba Tri (tỉnh Bến Tre) cũng xảy ra những vụ ngộ độc rượu đáng báo động. Cụ thể, vào sáng 29/7, ông V.V.D. (sinh năm 1972) ở ấp An Điền Lớn, xã An Hiệp, tổ chức nhậu tại nhà cùng 2 người bạn là N.V.N. (sinh năm 1972), T.V.T. (sinh năm 1968) trú tại cùng địa phương. Đến 21 giờ cùng ngày, ông N.V.N. có biểu hiện đau ngực khó thở được gia đình đưa đi cấp cứu, sau đó tử vong tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu. Tiếp đó, ông T.V.T. cũng có biểu hiện tương tự và tử vong tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu.
Một trường hợp khác tại cùng địa phương, ông L.M.T. được phát hiện tử vong tại nhà vào ngày 30/7. Qua xác minh, tối 29/7, ông L.M.T. có nhậu với 3 bạn là T.Q.C., N.V.T., T.C.L., trú tại cùng xã An Hiệp, huyện Ba Tri. Lấy mẫu rượu kiểm nghiệm, kết quả hàm lượng methanol vượt gấp nhiều lần tiêu chuẩn cho phép.
Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, đã có những người phải bỏ mạng vì rượu, và nhiều trường hợp phải cấp cứu, trong đó có một người bị mù do ngộ độc rượu.
Nói “không” với rượu, bia
Thông tin về 2 vụ ngộ độc rượu làm 7 người phải nhập viện, trong đó có 3 người tử vong tại xã An Hiệp (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) vào cuối tháng 7 vừa qua, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bến Tre cho biết, qua điều tra, lấy mẫu rượu kiểm nghiệm, kết quả hàm lượng methanol vượt gấp nhiều lần tiêu chuẩn theo TCVN 7043:2013 (Hàm lượng methanol trong rượu quy định là không được lớn hơn 2000mg trên 1 lít rượu tính theo độ rượu etanol 100 độ).
Trong khi đó, liên quan đến nhóm 8 người bị ngộ độc rượu, trong đó có 2 người tử vong, và bệnh nhân T.T.G.M. sau hơn 1 tuần được các bác sĩ điều trị tích cực mới được xuất viện hôm 16/8, ông Lê Minh Hải - Phó Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TP HCM khẳng định, đây là sự cố rất nghiêm trọng trong sử dụng thực phẩm không an toàn. “Qua điều tra xác minh, nguyên nhân chính dẫn đến ngộ độc rượu và đã có 2 trường hợp tử vong là do người dân sử dụng rượu không an toàn”, ông Hải nhấn mạnh, đồng thời cho biết thêm, qua xác minh, các sản phẩm rượu này không có nguồn gốc rõ ràng, không truy xuất được nơi sản xuất, không biết được nơi kinh doanh. Ngoài ra, có trường hợp do người dân vô tình sử dụng cồn sát khuẩn pha vào bình rượu ngâm tại nhà dẫn đến ngộ độc methanol và tử vong.
Do đó, không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân. Không uống rượu khi: Không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.
Đồng quan điểm, BS Ngô Văn Tán - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bến Tre, cho rằng, lạm dụng, sử dụng rượu không rõ nguồn gốc có thể gây nghiện, làm giảm hoạt động của não, gây mất ý thức, ảnh hưởng về tim mạch… Bên cạnh đó, lạm dụng rượu bia có thể gây ra tai nạn giao thông, mâu thuẫn, xung đột trong xã hội... Trường hợp uống quá nhiều, quá nhanh thì gây ngộ độc cấp tính; uống rượu kéo dài thì gây ngộ độc mạn tính. Ngoài ra, rượu không đảm bảo chất lượng, có hàm lượng methanol cao vượt tiêu chuẩn cho phép gây ngộ độc cấp tính, tổn thương tế bào, đặc biệt là mắt, não, gây mù và có thể dẫn đến tử vong.
BS Ngô Văn Tán khuyến cáo, mọi người nên hạn chế uống rượu (tốt nhất không nên uống), nếu có uống rượu thì nên chọn loại rượu bảo đảm an toàn thực phẩm và chỉ uống ít; không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Đặc biệt, không được uống rượu khi đang đói, mệt nhọc hoặc đang uống thuốc điều trị bệnh. Nếu có dấu hiệu bất thường sau khi uống rượu, người dân cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám, theo dõi và điều trị kịp thời.
Chỉ cần uống từ 15ml rượu có chứa methanol có thể gây mù lòa
Theo các chuyên gia y tế, methanol được dùng trong công nghiệp hóa chất, ngộ độc methanol xảy ra khi uống nhầm methanol hoặc uống rượu có chứa methanol. Methanol rất độc vì chúng thải trừ chậm, oxy hóa thành formol (formaldehyd) và axit formic. Chỉ cần uống 5 - 15ml có thể gây ngộ độc nặng, từ 15ml trở lên gây mù lòa và khoảng 30 ml có thể gây tử vong. Độc tính của methanol bao gồm tác dụng ức chế hệ thống thần kinh trung ương, ảnh hưởng tới thần kinh mắt…
Trường hợp ngộ độc methanol nhẹ có biểu hiện cảm giác say say, chóng mặt; buồn nôn, nôn ói; nhức đầu. Trường hợp nặng sẽ có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, nôn ra máu, rối loạn thần kinh (co giật, hôn mê, co cứng toàn thân); rối loạn hô hấp (thở nhanh, phù phổi cấp); rối loạn tuần hoàn (mạch nhanh, huyết áp giảm); đồng tử giãn, xuất tiết võng mạc và tử vong.