Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Khoa Dinh dưỡng Tiết chế - BV Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, cam rất nhiều vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ hệ miễn dịch tiêu diệt các tác nhân gây bệnh đang tấn công cơ thể.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiến (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), trong bảng thành phần dinh dưỡng, 100 gram cam có thể cung cấp Canxi 34mg, phốt pho 23mg, sắt 0.4mg, kẽm 0.22mg, vitamin C 40mg, folat 30µg, vitamin A 8µg, vitamin E 0.18µg, β-carotene 29µg.
Qua đó, chúng ta có thể thấy cam là loại trái cây tốt, giàu vitamin C và khoáng chất. Vì vậy, nhiều người lựa chọn việc vắt nước cam uống mỗi ngày để tăng cường sức đề kháng.
Phụ nữ mang thai cần 80mg vitamin C/ngày nên có thể gia tăng lượng nước cam trong ngày nhưng nên chia làm nhiều lần uống, không uống nhiều nước cam cùng lúc. Trẻ nhỏ chỉ nên uống 1/2 quả cam/ngày là đủ.
Người bị sốt có thể bổ sung nước cam vì loại đồ uống này có tác dụng tăng cường miễn dịch, điều hòa chức năng cơ thể chống lại các tác nhân gây sốt, giúp đào thải độc tố ra bên ngoài, điều hòa nhiệt độ cơ thể.
Về phương diện Đông y, lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, cam có vị ngọt, chua, tính mát; tác dụng giải khát, sinh tân dịch, mát phổi, tiêu đờm, thanh nhiệt, lợi tiểu.
Thời điểm uống nước cam giúp hấp thu dinh dưỡng tốt nhất
Theo lương y Bùi Đắc Sáng, chọn thời điểm uống nước cam cũng rất quan trọng. Chúng ta nên uống nước cam vào buổi sáng, sau khi ăn khoảng 1-2 tiếng để hấp thu tốt các chất dinh dưỡng, mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Cam có tác dụng sinh tân dịch, lợi tiểu, dễ gây tiểu đêm, làm mất ngủ. Vì vậy, nên hạn chế uống nước cam vào buổi tối.
Những trường hợp nên tránh sử dụng nước cam
Nước cam tuy chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe nhưng chúng ta không nên lạm dụng.
Người m ới phẫu thuật, người có vấn đề về dạ dày, khi đang đói không nên dùng nước cam.
Người mắc bệnh thận cũng nên cân nhắc khi dùng nước cam. Trong cam có chứa nhiều vitamin C. Tiêu thụ nhiều cam có thể dẫn đến việc cơ thể hấp thụ nhiều vitamin C, làm tăng axit oxalic chuyển hóa trong cơ thể và có thể dẫn tới việc hình thành sỏi tiết nhiệu, sỏi thận.
Ngoài ra, người đang dùng thuốc kháng sinh, mới uống sữa cũng nên tránh uống nước cam.
Trong cam có chứa nhiều axit, chất này sẽ làm thuốc khó hấp thụ đầy đủ, có thể phá vỡ cấu trúc thuốc. Khi đó, thuốc kháng sinh sẽ mất tác dụng kháng khuẩn, làm giảm công dụng điều trị bệnh.
Trong khi đó, người mới uống sữa xong, các protein trong sữa sẽ phản ứng với axit tartaric và vitamin C trong cam, làm ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa, hấp thụ thức ăn, gây ra chướng bụng, đau bụng, tiêu chảy...