Tiến sĩ Shireen Kassam, giám đốc trung tâm chăm sóc sức khỏe dựa trên chế độ ăn thực vật - Plant-Based Health Professionals (Anh), đã tán dương những ưu điểm của phương pháp tiếp cận dựa trên thực vật, khi trích dẫn bằng chứng chỉ ra khả năng ngăn ngừa ung thư của chúng, theo nhật báo Anh Express .
Trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và đậu
Tiến sĩ Kassam đã trích dẫn hướng dẫn của Quỹ Nghiên cứu ung thư thế giới World Cancer Research Fund - về phòng chống ung thư, trong đó nêu rõ: “Chế độ ăn tối ưu để ngăn ngừa ung thư là chế độ ăn với lượng bằng nhau của trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và đậu”, đồng thời hạn chế tối đa thực phẩm chế biến, thịt đỏ và thịt chế biến, theo Express .
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy có thể giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư. Và một số loại thực phẩm có thể làm được điều này Shutterstock
Tiến sĩ Kassam cho biết khả năng ngăn ngừa ung thư của thực vật có được là nhờ chất xơ, vitamin, khoáng chất và các hóa chất thực vật.
Tập trung vào nhiều loại thực phẩm thực vật có màu sắc khác nhau
Tiến sĩ Kassam giải thích: Tập trung vào nhiều loại thực phẩm thực vật có màu sắc khác nhau sẽ thúc đẩy hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh, đây cũng là chìa khóa để ngăn ngừa ung thư, theo Express.
Chất xơ có tiềm năng ngăn ngừa ung thư
Các cơ quan y tế có uy tín cũng đồng ý với đánh giá này. Đặc biệt, chất xơ đã cho thấy nhiều hứa hẹn trong việc ngăn ngừa ung thư.
Phòng khám Mayo Clinic (Mỹ) cho biết sở dĩ thực phẩm có nguồn gốc thực vật có thể ngăn ngừa ung thư là nhờ chất xơ.
Phòng khám này trích dẫn một nghiên cứu cho thấy những phụ nữ trẻ ăn chế độ ăn giàu chất xơ nhất đã giảm 25% nguy cơ mắc ung thư vú sau này.
Nghiên cứu khác cho thấy mỗi 10 g chất xơ hằng ngày có thể làm giảm 10% nguy cơ ung thư đại trực tràng.
Thực phẩm nhiều chất xơ
Chất xơ không những giảm nguy cơ ung thư, còn ngăn ngừa táo bón, giảm cholesterol, giảm bệnh tim, giữ mức đường huyết không tăng đột biến và giúp giảm cân.
Thực phẩm có nhiều màu sắc và nhiều chất xơ là chìa khóa để ngăn ngừa ung thư Shutterstock
Tiến sĩ Anna Taylor, chuyên gia dinh dưỡng của Phòng khám Cleveland Clinic (Mỹ), gợi ý nên tiêu thụ 25 - 35 g chất xơ mỗi ngày, và liệt kê những thực phẩm có nhiều chất xơ như sau:
Ngũ cốc nguyên hạt: 1 chén nấu chín: 7 g chất xơ
Lúa mạch: 1 chén nấu chín: 6 g
Đậu nành trái: 1/2 chén luộc cả vỏ: 4 g
Đậu: 1/2 chén nấu chín: 8 g; đậu xanh bỏ vỏ: 1/2 chén chín: 8 g
Quả mọng: 1 chén: 8 g
Quả lê: 1 quả vừa: 6 g
Bông Atisô: 1/2 chén nấu chín: 7 g
Cải mầm Brussels: 1 chén nấu chín 5 g
Hạt Chia: 2 muỗng canh: 10 g
Trái bơ: 1/2 trái: 5 g.
Ngoài ra, chất xơ còn có nhiều trong hạnh nhân, hạt quinoa, củ sắn, khoai lang, cần tây, đậu bắp, cà rốt, xà lách.
Chuyên gia Taylor khuyên: Hãy bổ sung chất xơ từ từ, tăng dần trong vài tuần để tránh bị đầy hơi. Và điều quan trọng là hãy uống đủ nước.