Trang Chủ > Sức khỏe > Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế

Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế

Báo Quảng Ngãi
30/06/2022 09:01:49

(Báo Quảng Ngãi)- Ngành y tế đã từng bước thực hiện lộ trình chuyển đổi số, góp phần đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) cho người dân.

TIN LIÊN QUAN
  • Cơ hội đào tạo nhân lực chuyển đổi số
  • Hợp lực chuyển đổi số để phát triển kinh tế số

Chuyển biến tích cực

Thời gian qua, Bệnh viện Sản- Nhi (BVSN) tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý KCB nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, nâng cao chất lượng của bệnh viện tuyến tỉnh. Ngay từ khi đi vào hoạt động năm 2017, BVSN tỉnh đã áp dụng phần mềm KCB giúp tối ưu hóa quy trình KCB, tiết kiệm thời gian, nhân lực y tế. Đồng thời, bệnh viện sử dụng phần mềm quản lý cán bộ, công nhân viên và phần mềm quản lý sức khỏe người lao động, qua đó giúp quản trị nhân sự thuận tiện, đơn giản, bao quát hơn. Bên cạnh đó, BVSN tỉnh đã áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt, giúp người nhà, bệnh nhân không cần phải mang theo nhiều tiền mặt khi đến bệnh viện.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế-1

Người nhà bệnh nhân bốc số tự động tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh.

Đặc biệt, BVSN tỉnh đã triển khai thẻ khám bệnh thông minh. Chỉ cần thực hiện quét mã vạch, người bệnh có thể hoàn tất các thủ tục đăng ký khám bệnh. Không chỉ rút ngắn thời gian lấy số khám, phiếu đăng ký khám, thẻ khám bệnh thông minh còn giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, thay thế hẳn sổ khám bệnh cho người bệnh khi đến tái khám. Kết quả, dữ liệu của bệnh nhân được lưu trữ vào hệ thống phần mềm và thẻ. Người bệnh không phải mang theo nhiều hồ sơ, giấy tờ, các kết quả của các lần khám trước đó vì toàn bộ lịch sử khám, điều trị của bệnh nhân được lưu trữ đầy đủ, chính xác.

Giám đốc BVSN tỉnh Nguyễn Đình Tuyến cho hay, ứng dụng CNTT không chỉ rút ngắn thời gian chờ đợi của người bệnh mà còn góp phần cải tiến thủ tục hành chính, các thủ tục được thực hiện nhanh gọn, giải quyết kịp thời các nhu cầu của người bệnh, hạn chế sai sót. “Theo Thông tư số 46/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế, giai đoạn từ năm 2024 - 2028, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Vừa qua, BVSN tỉnh đã xây dựng đề án thực hiện bệnh án điện tử. Sau khi được phê duyệt, việc thực hiện bệnh án điện tử sẽ tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện chuyển đổi số, hướng đến bệnh viện không giấy tờ. Bệnh án điện tử mang lại nhiều tiện ích trong công tác KCB, lưu trữ thông tin bệnh án, toa thuốc... đối với bệnh nhân, y bác sĩ, cơ sở KCB”, ông Nguyễn Đình Tuyến cho biết thêm.

Thuận tiện trong khám, chữa bệnh

Ngành y tế đã từng bước thực hiện chuyển đổi số, trong đó thực hiện hiệu quả việc kết nối cầu truyền hình KCB từ xa. Theo đó, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, BVSN tỉnh, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Đa khoa khu vực Đặng Thùy Trâm đã kết nối với các bệnh viện tuyến trên giúp cung cấp dịch vụ KCB từ xa, phối hợp chăm sóc bệnh nhân thuận tiện, dễ dàng hơn.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế-2

Các thông tin của người bệnh được cập nhật vào phần mềm khám, chữa bệnh giúp Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh quản lý, liên kết và lưu trữ thông tin tốt hơn.

Đơn cử như BVĐK tỉnh đã kết nối cầu truyền hình với Bệnh viện Trung ương Huế để kết hợp hội chẩn từ xa. Sau đó, đội ngũ y, bác sĩ từ Bệnh viện Trung ương Huế vào hỗ trợ kỹ thuật, phối hợp cùng y, bác sĩ BVĐK tỉnh tiến hành ca mổ, giúp bệnh nhân rút ngắn thời gian so với trước đây phải chờ sắp xếp lịch thăm khám. Các bệnh viện tuyến tỉnh đã kết nối cầu truyền hình với 13 trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố giúp đội ngũ y, bác sĩ giao ban trực tuyến, hỗ trợ chẩn đoán điều trị bệnh từ xa, kịp thời hỗ trợ KCB, nhất là khi bệnh nhân không thể chuyển tuyến như các trường hợp khẩn cấp sản phụ sinh đẻ ở các địa phương miền núi.

Hiện nay, Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn và 25 trạm y tế xã, thị trấn trên địa bàn huyện Bình Sơn đã triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử. Hồ sơ này giúp bệnh nhân khi chuyển tuyến, các kết quả cận lâm sàng đã thực hiện ở tuyến dưới thì bác sĩ tuyến trên xem lại được. Dữ liệu KCB được đưa lên Cổng thông tin BHXH Việt Nam, có thể tích hợp vào thẻ căn cước công dân về thông tin sức khỏe của người bệnh.

Tại BVĐK tỉnh, BVSN tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tư nhân Phúc Hưng đã áp dụng hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh y tế. Đây là hệ thống sử dụng ảnh kỹ thuật số thay cho phương pháp dùng phim truyền thống, giúp dễ dàng tương tác, xử lý ảnh, giảm nhu cầu sử dụng phim trong chẩn đoán hình ảnh, tiết kiệm chi phí của người bệnh. Đồng thời, giúp bác sĩ đọc trả kết quả hình ảnh sau khi người bệnh chụp Xquang, CT scanner, MRI... Qua đó, kết nối, lưu chuyển thông tin giữa các khoa phòng, toàn bệnh viện và lưu trên hệ thống, truy cập, kiểm tra lúc cần thiết. Khi cần, bác sĩ có thể truy cập nhanh chóng, kể cả trên điện thoại di động. Bệnh viện Đa khoa tỉnh, BVSN tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tư nhân Phúc Hưng cũng đã triển khai đặt lịch khám trước, giúp bệnh nhân chủ động đặt lịch, tiết kiệm thời gian chờ đợi so với trước đây.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Phạm Minh Đức, chuyển đổi số đã tác động tích cực, thay đổi cách thức lãnh đạo, quản lý; cung cấp và tiếp cận dịch vụ y tế từ phương thức truyền thống sang dựa trên nền tảng công nghệ số. Cách thức làm việc, giao tiếp của đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ và nhân viên y tế được chuyển đổi từ môi trường truyền thống sang môi trường số. Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế đang là xu hướng tất yếu, giúp cải thiện chất lượng, tiết kiệm thời gian, chi phí, tăng hiệu quả trong việc KCB và đồng bộ hóa thông tin y tế. Từ thực tiễn cho thấy, nhu cầu ứng dụng công nghệ trong quản lý và chuyên môn y tế rất cần thiết.

Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai chuyển đổi số trong ngành y tế còn nhiều hạn chế, chưa đồng bộ, chủ yếu thực hiện tại bệnh viện  tuyến tỉnh. Mỗi đơn vị có dữ liệu riêng, sử dụng phần mềm khác nhau nên thông tin sức khỏe, thông tin bệnh nhân được lưu trữ tại các nơi khác nhau. Điều này dẫn đến việc kết nối, chia sẻ dữ liệu còn khó khăn, hạn chế liên thông dữ liệu giữa các tuyến trên địa bàn tỉnh và ngoài tỉnh. Các dịch vụ y tế như hội chẩn, KCB từ xa, thanh toán không dùng tiền mặt, hồ sơ sức khỏe điện tử được triển khai mới chỉ ở bước đầu, chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.

Cùng với đó, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị CNTT tại các đơn vị trong ngành y tế chưa được nâng cấp, chưa đồng bộ, chưa đạt chuẩn. Các đơn vị tuyến huyện, xã chưa được đầu tư, nhất là ở tuyến xã. Nguồn lực tài chính để thực hiện chuyển đổi số trong ngành y tế còn hạn chế. Nhân lực CNTT của ngành y tế còn thiếu và yếu. Tại một số bệnh viện tuyến tỉnh như BVĐK tỉnh, BVSN tỉnh có sự quan tâm đến nhân sự CNTT, còn tại các bệnh viện, trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố và tại tuyến xã, đội ngũ nhân viên CNTT ít, chủ yếu kiêm nhiệm, trình độ chuyên môn còn hạn chế, không chuyên sâu về công nghệ chuyển đổi số trong ngành y tế...

Quản lý thông tin tiêm chủng
Hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia giúp liên kết, đồng bộ thông tin về tiêm chủng.
Hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia giúp liên kết, đồng bộ thông tin về tiêm chủng.
Hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia liên kết đến tất cả các cơ sở có triển khai tiêm chủng, bao gồm tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ. Qua đó, tạo sự đồng bộ, quản lý thông tin tiêm chủng chặt chẽ hơn. Bác sĩ Lê Vũ Hà Vy, công tác tại Phòng khám đa khoa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, trước đây thông tin tiêm chủng của trẻ được ghi vào sổ. Nếu cha mẹ làm thất lạc sổ tiêm chủng sẽ không nhớ con mình đã tiêm những loại vắc xin nào. Ứng dụng Hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia, thuận tiện trong theo dõi, tra cứu thông tin tiêm chủng của trẻ.

Bài, ảnh: BẢO HÒA