“Chật vật” khám bệnh ngày nắng nóng
Mặc dù đợt nắng nóng của mùa hè mới chỉ bắt đầu, nhưng theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, đã có rất nhiều bậc phụ huynh đưa con đi khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương, không ít bệnh nhân trong số đó đã phải nằm viện để điều trị.
Nhiều bậc phụ huynh lo lắng về tình trạng sức khỏe của con mình khi thời tiết và nhiệt độ mùa hè liên tục thay đổi bất thường.
Những ngày Hà Nội nắng nóng lên đến gần 40 độ C, nhiều trẻ được bố mẹ đưa tới Bệnh viện Nhi Trung ương để khám các bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa. Ảnh: Lệ Giang.
8 giờ sáng, trước sảnh Bệnh viện Nhi Trung ương, chị Trương Thị Hà (Thường Tín, Hà Nội) đang một tay ôm con, một tay lỉnh kỉnh túi đựng quần, áo, bánh, sữa,... Vừa ôm con đang khóc, chị vừa ăn vội chiếc bánh trong lúc chờ đến lượt con vào phòng khám.
“Bé nhà tôi được hơn 6 tháng tuổi. Khoảng một tuần nay, cháu có biểu hiện sốt, quấy nhiều, thường xuyên bỏ bú nên hôm nay mình cho cháu lên viện Nhi thăm khám để điều trị dứt điểm” - chị Hà tâm sự.
Đến đây mới hiểu được nỗi cơ cực của bệnh nhân và người nhà khi họ phải tìm đủ mọi cách vật lộn với nắng nóng những ngày qua. Ảnh: Lệ Giang.
Do nhà xa, công việc của 2 vợ chồng anh Triệu Văn Chuổng (Ứng Hòa, Hà Nội) cũng rất bận rộn nên hôm nay mới sắp xếp được thời gian để đưa con gái 3 tuổi đi khám. Bắt taxi lên Bệnh viện Nhi Trung ương từ hơn 5 giờ sáng, vợ chồng anh là một trong những người đăng ký khám đầu tiên cho con.
Anh Triệu Văn Chuổng cho biết: “Cháu nhà mình bị sốt mấy hôm nay, tôi cho con uống thuốc không đỡ. hai ngày nay, tôi thấy con mọc nhiều nốt mụn đỏ ti li. Vợ chồng tôi sợ quá nên phải gác hết công việc lại để đưa con đi khám, chữa cho yên tâm”.
Nhiều phụ huynh có con nhỏ lo lắng về tình trạng sức khỏe của con mình khi thời tiết và nhiệt độ mùa hè liên tục có những thay đổi bất thường. Ảnh: Lệ Giang.
TS Nguyễn Thị Mai Hoàn - Trưởng khoa Khám bệnh Đa khoa, BV Nhi Trung ương cho biết, sau thời điểm dịch Covid-19, lượng bệnh nhân đến khám tăng lên nhiều so với trước đó. Như mọi năm, cứ vào mùa nắng nóng, nhiều em nhỏ vào viện với các bệnh về đường hô hấp, đường tiêu hóa... Số lượng bệnh nhi đến khám giai đoạn này cũng tăng lên hơn so với những tháng trước.
Đây là một trong những thời gian cao điểm nhất trong năm. Mỗi ngày, trung bình mỗi bác sĩ khám khoảng 50 - 60 bệnh nhi, chủ yếu khám về đường hô hấp. Những ngày gần đây, Khoa Khám bệnh của BV tiếp nhận trung bình khoảng 4.000 - 5.000 bệnh nhi/ngày liên quan đến các bệnh đường hô hấp và tiêu hóa. Mùa nắng nóng, nhiều trẻ em được đưa vào viện với biểu hiện viêm long đường hô hấp (viêm tiểu phế quản chủ yếu do virus, nhất là virus RSV) như: Hắt hơi, sổ mũi, ho, khò khè, sốt…
Như mọi năm, cứ vào mùa nắng nóng, nhiều bệnh nhi được đưa vào viện với các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa... Ảnh: Lệ Giang.
Đặc biệt, bác sĩ khuyến cáo, trong những ngày thời tiết nắng nóng, để đảm bảo sức khỏe cho trẻ, cha mẹ tránh đưa trẻ ra ngoài khi nhiệt độ ngoài trời quá cao, đặc biệt là thời điểm từ 10 - 16 giờ/ngày, bởi khi đó tia xạ lớn.
Trong những ngày nắng nóng, nhiệt độ cao, bệnh lý về đường hô hấp có nguy cơ xảy ra rất cao. Cha mẹ nên chú ý đến không gian sống của gia đình, nhà cửa phải thoáng mát, tránh đưa trẻ ra ngoài khi trời nắng nóng.
Ngoài ra, cần cho trẻ mặc quần áo chất mát, thấm mồ hôi, tránh thay đổi môi trường đột ngột cho trẻ, cho trẻ uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả, trái cây mát để tăng sức đề kháng cho trẻ.
Mỗi ngày, trung bình mỗi bác sĩ Khoa Khám bệnh Đa khoa khám khoảng 50 - 60 bệnh nhi, chủ yếu khám về đường hô hấp. Ảnh: Lệ Giang.
Cách phòng bệnh ngày nắng nóng cho thai phụ
Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, trong những ngày nắng như đổ lửa, theo ghi nhận của phóng viên, bên cạnh những bà bầu đi khám thai từ sáng sớm để tránh nắng, có nhiều bà bầu đến khám muộn, loay hoay tìm cách tránh nắng nóng trong lúc đợi đến giờ thăm khám hay chờ lấy kết quả khám bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Thanh - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, thời tiết nắng nóng cao điểm và kéo dài ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ của phụ nữ mang bầu. Khi các thai phụ bị mất nước, sốc nhiệt, nhiễm khuẩn, viêm da, viêm đường hô hấp… dễ gây ảnh hưởng đến bào thai.
Khi thời tiết quá nóng, nhiệt độ tăng cao đột ngột khiến sản phụ thường xuyên có cảm giác mệt mỏi, tử cung co bóp nhiều hơn và có khả năng gây ra những mối nguy hại. Đơn cử như thai phụ phơi nắng, hoặc làm việc trực tiếp dưới trời nắng gay gắt thì thân nhiệt sẽ bị mất nước, sốc nhiệt dẫn đến đau đầu, hoa mắt, chóng mặt. Thai phụ sẽ bị ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn đồng thời thai nhi bị ảnh hưởng nghiêm trọng dẫn đến mất tim thai. Sốc nhiệt dẫn đến sức đề kháng giảm, cơ thể sẽ nhiễm một số loại virus cúm, thủy đậu, rubella gây ra dị tật cho thai nhi.
Theo các chuyên gia, để hạn chế nguy hiểm có thể xảy đến với các bà mẹ mang thai trong mùa hè, bác sĩ khuyến cáo, trong những ngày thời tiết nóng bức, mẹ bầu cần tránh sử dụng thực phẩm nhiều dầu, mỡ, da động vật hay nước cốt dừa,… Các sản phụ cần tránh mất nước trong mùa hè. Khi mất nước thai phụ sẽ mệt mỏi, không muốn ăn. Đặc biệt, trong thời gian mang thai, thân nhiệt của thai phụ sẽ cao hơn mức bình thường. Vì vậy, lượng nước cung cấp cho cơ thể cũng cần nhiều hơn.
Trong những ngày nắng như đổ lửa, nhiều bà bầu đi khám thai từ rất sớm để tránh nắng. Ảnh: Linh Bình
Bên cạnh đó, bà bầu cần đề phòng cảm nắng. Khi ra đường các bà bầu nên mặc quần áo dài, dễ thấm hút mồ hôi, đội mũ rộng vành. Khi đi đường xa thai phụ lưu ý mang thêm nhiều nước uống. Khi có dấu hiệu bất thường thai phụ cần tìm nơi thoáng mát để nghỉ ngơi. Lưu ý không vào phòng máy lạnh ngay sau khi vừa từ ngoài trời nắng nóng về để tránh sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, dễ bị cảm nắng hoặc nặng hơn là đột quỵ. Khi thai phụ nhận thấy những dấu hiệu bất thường như: Cơ thể mệt mỏi quá sức, xuất hiện cơn gò tử cung hoặc đau bụng, buồn nôn, ra máu… thai phụ cần nhanh chóng đến bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám kịp thời.
Chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng
Theo các chuyên gia y tế, nắng nóng có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột qụy do sốc nhiệt khi cơ thể tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao. Chỉ số tia UV ở miền Bắc ở ngưỡng gây hại cao đến rất cao với sức khỏe con người. Người dân ra đường nên bôi kem chống nắng, mặc quần áo chống nắng, đội mũ rộng vành, đeo kính râm. Người dân được khuyến cáo uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả, rau xanh và hạn chế tiếp xúc trực tiếp dưới nắng.
Để chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng, các chuyên gia khuyến cáo, người dân hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Ảnh: Linh Bình
Theo Bộ Y tế, nhiệt độ cao đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của người dân. Thời tiết nắng, nóng làm cơ thể ra nhiều mồ hôi, gây mất nước, điện giải, đặc biệt là ở trẻ em dễ dẫn đến mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa. Thời tiết nắng nóng làm cho thức ăn, thực phẩm dễ bị ôi, thiu, dễ nhiễm nấm và vi khuẩn là nguyên nhân gây bệnh tiêu đường tiêu hóa. Bên cạnh đó, khi chống nóng bằng biện pháp bật quạt gió mạnh trực tiếp vào người hoặc để nhiệt độ điều hòa quá thấp gây nên nhiễm lạnh, viêm phổi…
Để chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng, các chuyên gia khuyến cáo, người dân hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nóng.
Người dân nên uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol…, tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng.
Người dân không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người. Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
Đột quỵ là một trong những biến chứng tim mạch nguy hiểm nhất, gây tỉ lệ tử vong và biến chứng cao. Sơ cứu tại chỗ người bị đột quỵ đúng cách và cấp cứu càng sớm thì bệnh nhân đột quỵ càng có khả năng hồi phục cao, giảm nguy cơ tử vong và di chứng sau đột quỵ.
Nhiều người lúng túng khi chứng kiến người đột quỵ, nghĩ rằng không được di chuyển bệnh nhân đột quỵ vì sẽ gây nguy hiểm. Thực tế, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đột quỵ tới cơ sở y tế gần nhất.
Nếu bệnh nhân ở nhà, không đưa đi bệnh viện vô tình làm mất đi "thời gian vàng" điều trị cho bệnh nhân. Thời gian vàng là trong khoảng 3 giờ kể từ khi khởi phát triệu chứng đột quỵ. Bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm thì khả năng chữa khỏi và ít di chứng càng cao" - Bác sĩ Dương Thanh Sơn - Bệnh viện Đa khoa Đống Đa