Sáng 22/7, Bộ Y tế đã cập nhật thông tin mới nhất về tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi ở nước ta. Theo đó, tính đến 21/7, cả nước đã tiêm cho trẻ từ 5- dưới 12 tuổi đạt tổng số mũi là 10.919.204.
Trong đó tiêm mũi 1: 7.388.541 trẻ (đạt tỷ lệ 64,5%);
6 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm thấp:
Hà Nội (46,1%); Hà Tĩnh (46,1%); Đà Nẵng (33,4%); Quảng Nam (34,1%); Đắc Lắc (47,0%); TP Hồ Chí Minh (41,8%).
Tiêm mũi 2: 3.530.663 trẻ (đạt tỷ lệ 30,8%); trong đó
6 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm thấp
dưới 17%: Hà Nội (14,4%); Vĩnh Phúc (15,6%); Tuyên Quang (17,0%); Đà Nẵng (14,0%); Quảng Nam (9,5%); Khánh Hòa (14,0%).
4 tỉnh, thành phố có tiêm cao:
Ninh Thuận (71,1%); Sóc Trăng (57,1%); Vĩnh Long (60,0%); Bạc Liêu (60,0%).
Sau hơn 3 tháng triển khai, tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi mũi 2 ở nước ta mới đạt gần 31%, vẫn còn nhiều tỉnh, thành tiêm thấp dưới 17%, trong khi thời gian phải hoàn thành tiêm chỉ còn 40 ngày và biến thể phụ BA.4, BA.5 đang khiến ca COVID-19 mới gia tăng Ảnh: Trần Minh
Sau hơn 3 tháng triển khai, tỷ lệ tiêm mũi 2 vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi mới đạt gần 31%
PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết hiện có 16/63 tỉnh chưa gửi đăng ký nhu cầu vaccin của 6 tháng cuối năm theo yêu cầu của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, tỉ lệ tiêm mũi 3 và 4 cho người từ 12 tuổi chưa đạt tiến độ, đặc biệt là ở nhóm trẻ 12 - 17 tuổi. Tỉ lệ tiêm mũi 1 và 2 ở nhóm trẻ 5 - dưới 12 tuổi chưa đạt yêu cầu.
Thông tin chung về tình hình tiếp nhận, phân bổ vaccine COVID-19, PGS.TS Dương Thị Hồng cho biết, đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 253 triệu liều vaccine COVID-19.
Bộ Y tế và Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã ban hành 157 đợt quyết định phân bổ vaccine, quyết định gần nhất ngày 18/7. Cả nước còn gần 11 triệu liều vaccine COVID-19 chưa phân bổ (gồm hơn 7 triệu liều cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên và hơn 3,8 triệu liều cho trẻ 5 - dưới 12 tuổi).
Ngoài ra, tại tuyến khu vực còn 5 triệu liều, tuyến tỉnh còn 5,6 triệu liều. Tổng cộng, nước ta đang còn 21,5 triệu liều, trong đó chủ yếu là vaccine Pfizer và Moderna, có 2,35 triệu liều Vero Cell hạn dùng tháng 10/2023.
"Các địa phương cần cân đối với số vaccine đang 'gửi' ở tuyến tỉnh, khu vực. Vì thế, thời gian tới cần quản lý vaccine chặt chẽ, phối hợp tốt hơn để phân bổ vaccine phù hợp. Các đơn vị cần nỗ lực nhiều hơn nữa để tiêm cho nhóm 5 - dưới 12 tuổi, hiện tỷ lệ tiêm mũi 2 mới chỉ đạt gần 31%"- PGS.TS Dương Thị Hồng nói.
Biến thể BA.4, BA.5 gia tăng ca mắc COVID-19 , nhiều nguời vẫn có tâm lý chủ quan không đi tiêm vaccine COVID-19
Từ cuối tháng 6 đến nay, tiến độ tiêm vaccine bắt đầu tăng lên. Tuy nhiên, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW cho rằng công tác tiêm chủng hiện gặp nhiều khó khăn. Người dân có sự chủ quan, nhiều trường hợp đã mắc COVID-19 không đồng ý tiêm các mũi vaccine tiếp theo do nghĩ đã được miễn dịch bảo vệ, cho rằng liều bổ sung, liều nhắc lại là không cần thiết.
Ngoài ra, có 15 triệu người (khoảng 22,3%) đã tiêm bổ sung vaccine COVID-19, nhiều người trong số này không muốn tiêm mũi tiếp theo ( mũi 3 và 4 ); Nhiều người đã mắc COVID-19 chưa đến thời gian tiêm mũi 3, mũi 4.
-
Đẩy nhanh tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 và 4; Tập trung tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi nguy cơ cao, bệnh nền, béo phì
-
Bao nhiêu tỉnh, thành ở nước ta có ca mắc COVID-19 nhiễm biến thể BA.4, BA.5?
Về lý do tiến độ tiêm chủng cho nhóm 5 - dưới 12 tuổi quá chậm, các chuyên gia cho rằng thời gian vừa qua là dịp trẻ được nghỉ hè, bên cạnh đó trong tháng 2 đến tháng 4-2022 đã có 3,5 triệu trẻ các lứa tuổi mắc COVID-19, tình trạng bệnh hầu hết đều nhẹ khiến các gia đình cho rằng con đã có miễn dịch phòng bệnh và không muốn cho con đi tiêm chủng hoặc chưa đủ thời gian tiêm sau khi mắc bệnh.
Đồng thời nhiều phụ huynh có tâm lý lo lắng về phản ứng sau tiêm, sợ ảnh hưởng đến học tập và sinh hoạt của con nên không đồng ý cho con tiêm chủng. Các phụ huynh cũng e ngại các tác hại lâu dài của vaccine đối với trẻ em trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ em ở độ tuổi này tại nhiều quốc gia phát triển như Mỹ,.. còn ở mức thấp.
Bên cạnh đó hiện tại hầu hết trẻ đang trong thời gian nghỉ hè nên khó huy động trẻ đến tiêm chủng so với giai đoạn trước đây.
Liên quan đến tiêm vaccine COVID-19, PGS.TS Dương Thị Hồng nói nêu thêm, chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 được tổ chức trong một thời gian dài, trong giai đoạn hiện nay việc triển khai vaccine chủ yếu do ngành y tế tổ chức thực hiện, thiếu sự vào cuộc quyết liệt của Chính quyền và các ban ngành đoàn thể như giai đoạn đầu của chiến dịch. Vì vậy công tác tiêm chủng gặp nhiều khó khăn.
Tại hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2022 do Bộ Y tế tổ chức chiều qua 21/7, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu: 16 tỉnh, thành này gửi ngay báo cáo đề xuất nhu cầu tiêm chủng về Bộ Y tế, hiện nay đã quá thời hạn, nếu không gửi ngay thì Bộ sẽ áp theo nhu cầu trước đó của địa phương để phân bổ vaccine.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, các địa phương căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Y tế để đẩy mạnh truyền thông đến tận xã, phường, tổ dân phố, thôn xóm. Cùng đó giao chỉ tiêu tiêm chủng đến tận huyện, xã… nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine mũi 3 và mũi 4 cho các đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đối với tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, các địa phương phải khẩn trương đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành trong tháng 8 theo yêu cầu của Chính phủ.
Sáng 22/7: Ca COVID-19 tăng 21%, có phải do biến thể BA.4, BA.5?
SKĐS - Tại Việt Nam, số ca mắc của tuần này tăng tới 21% so với tuần trước. Liệu có phải số ca mắc tăng là do biến thể BA.4, BA.5 của Omicron? Đại hội đồng y tế công cộng khẩn cấp thế giới tiếp tục nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 vẫn là sự kiện y tế khẩn cấp toàn cầu...