Dưới ánh sáng lờ mờ, họ vừa dùng bữa tối gồm 4 món vừa theo dõi các video về thảm họa môi trường.
Các thực đơn ấy đều được thiết kế để nêu bật lên những tác động môi trường tàn khốc mà ngành công nghiệp trồng trọt và chăn nuôi gây ra. Chẳng hạn, món bắp chế biến 3 kiểu gợi nhớ tới nạn phá rừng, còn nước dùng dashi rưới lên các món rau đủ màu cùng rong biển nhắc đến tình trạng nước biển dâng.
Món chính - gà viên chiên ăn cùng bánh kếp nước và bánh bao kẹp kiểu Hoa - lại càng đặc biệt bởi... chẳng có con gà nào phải chết cả! Món thịt gà này được tạo ra từ tế bào gốc dưới "bàn tay" của công ty khởi nghiệp Eat Just (Mỹ) và hiện Singapore là nước duy nhất trên thế giới cấp phép tiêu thụ thương mại cho loại thịt được "nuôi" trong phòng thí nghiệm này.
Theo tạp chí Nikkei của Nhật, những bữa tối ở JW Marriott chính là bước khởi đầu của cuộc cách mạng thực phẩm có thể nuôi sống dân số ngày một phình ra của châu Á, với chi phí cuối cùng sẽ thấp hơn thịt truyền thống trong khi lại hạn chế hủy hoại trái đất.
Hai nhà sáng lập của Shiok Meats: Sandhya Sriram (trái) và Ka Yi Ling (Ảnh: SHIOK MEATS)
"Về mặt lý thuyết, chúng tôi có thể tạo ra bất cứ thứ gì của cây trồng và vật nuôi bằng tế bào gốc. Vani không nhất thiết phải chiết xuất từ các loài lan, lòng trắng trứng không cần đi kèm với lòng đỏ, muốn có da không cần phải lột da động vật và dệt lụa không cần kén tằm" - ông Isha Datar, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu New Harvest, nhấn mạnh.
Dân số châu Á hiện là 4,6 tỉ người và dự kiến tăng thêm 700 triệu người sau 3 thập kỷ nữa. Năm ngoái, châu Á có đến hơn 1,1 tỉ người không tiếp cận được nguồn thực phẩm phù hợp.
Theo một báo cáo chung của Tổ chức Lương Nông (FAO) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tổng số tiền đổ vào thực phẩm ở châu Á có thể lên tới 8.000 tỉ USD vào năm 2030 và như Temasek - quỹ đầu tư nhà nước của Singapore - đánh giá, các giải pháp thực phẩm truyền thống không còn đủ khả năng đáp ứng nhu cầu thực tế.
Bên cạnh đó, chăn nuôi gia súc ở châu Á - Thái Bình Dương chịu trách nhiệm 14,5% đối với tình trạng ấm lên toàn cầu, theo FAO - còn hơn cả lĩnh vực giao thông; đồng thời tiêu tốn một phần đáng kể nguồn đất và nước trong khu vực. Trong khi đó, thịt gà trong phòng thí nghiệm có thể "nuôi" từ tế bào của trứng hoặc kể cả... lông.
"Thay vì nuôi cả con vật, chúng tôi chỉ tạo ra đúng thứ dùng để ăn. Điều này đồng nghĩa chúng tôi dùng ít nguồn lực và tốn ít thời gian hơn" - Eat Just giải thích.
Ngoài thịt gà, một số công ty đang nghiên cứu chế tạo thịt bò (Tetrick của Mỹ), hải sản (Shiok Meats của Singapore)... Thậm chí, Công ty TurtleTree (Mỹ) đang tìm cách tạo ra các thành phần của sữa từ tế bào gốc, với hy vọng cuối cùng sẽ tạo được các chế phẩm từ sữa như kem, phô-mai và bơ.
Các nguồn đạm thay thế, bao gồm thịt từ phòng thí nghiệm, hiện chiếm khoảng 2% thị trường thịt toàn cầu nhưng có thể chiếm 11% vào năm 2035 (tương đương 290 tỉ USD), theo dự báo chung của 2 công ty tư vấn Boston Consulting Group và Blue Horizon.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng dự báo trên hơi quá lạc quan, bởi người tiêu dùng vẫn rất gắn bó với thịt truyền thống. Hơn nữa, ngay cả ở Singapore, cũng phải mất thêm vài năm nữa "thịt công nghệ" của Eat Just mới phổ biến hơn trên thị trường.
Những ý kiến khác lại cởi mở hơn. "Đến năm 2050 thì nhóm người tiêu dùng chính là thế hệ sau của Gen Z. Họ hiểu biết về môi trường nên các xu hướng tiêu dùng sẽ khác bây giờ rất nhiều. Chúng tôi tin rằng ngành công nghiệp công nghệ thực phẩm sẽ đạt 2.000 tỉ USD vào năm 2050" - ông Seiichi Kizuki, Giám đốc nghiên cứu của Viện Mitsubishi, nhận định.