Ngành y tế TPHCM và hai tỉnh Bình Dương, Bình Phước đang đối mặt nhiều khó khăn trong bối cảnh thiếu nhân sự trầm trọng. Trong khi ngành chức năng đang loay hoay tìm cách giữ chân thì nhân viên y tế tiếp tục xin nghỉ việc.
Nhân viên y tế vừa chống dịch vừa khám, chữa bệnh thông thường
Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành y tế tỉnh Bình Dương, tuyến y tế cơ sở đã có khoảng 300 nhân viên nghỉ việc. Lý do chủ yếu là thu nhập thấp, môi trường làm việc không phù hợp, không có cơ hội nâng cao tay nghề, hoàn cảnh gia đình khó khăn, công việc quá tải nhưng lương không đủ trang trải chi phí cuộc sống...
Sau khi chính sách đặc thù được HĐND TPHCM thông qua, bác sĩ tham gia chương trình thí điểm thực hành tại bệnh viện đa khoa gắn với trạm y tế trong thời gian 18 tháng được hỗ trợ 60 triệu đồng/người. Điều dưỡng, hộ sinh tham gia thực hành tại trạm y tế trong thời gian 9 tháng được hỗ trợ 30 triệu đồng/người. Các bác sĩ, y sĩ đã nghỉ hưu ký hợp đồng tham gia khám, chữa bệnh tại trạm sẽ hưởng thu nhập 9 triệu đồng/người/tháng. Nhân sự nghỉ hưu có trình độ từ cao đẳng trở lên hoặc trung cấp y sĩ khi ký hợp đồng tiếp tục công tác sẽ hưởng mức thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng.
Tại TPHCM, theo thống kê của Sở Y tế, trong năm 2021 toàn thành phố có 968 nhân viên y tế nghỉ việc. Nhân sự nghỉ việc phần lớn là điều dưỡng và bác sĩ ở trạm y tế phường, xã. Từ đầu năm 2022 đến nay, dù dịch COVID-19 đã được kiểm soát tốt, áp lực công việc đã giảm nhưng ngành y tế thành phố vẫn ghi nhận thêm khoảng 400 nhân viên y tế xin nghỉ việc. Sở Y tế cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghỉ việc của nhân viên y tế là do hoàn cảnh gia đình hoặc yếu tố cá nhân, một phần là do thu nhập không tương xứng với sự cống hiến của nhân viên y tế.
Tại tỉnh Bình Phước, thiếu bác sĩ đang là bài toán khó trong việc khám, chữa bệnh cho người dân. Trong khi cơ sở y tế công lập còn thiếu và yếu, việc phát triển y tế tư nhân cũng chưa xứng tầm. Địa phương này đang thiếu khoảng 200 nhân viên y tế. Không chỉ thiếu nhân lực chuyên môn khám, chữa bệnh, Bình Phước đang gặp khó về đội ngũ quản lý y tế.
ảnh: Hương Chi
Ông Hồ Quang Khánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh (Bình Phước), cho biết từ khi giải thể Phòng Y tế huyện, công tác quản lý nhà nước về y tế chuyển về Văn phòng HĐND và UBND huyện. UBND huyện đã điều chuyển 2 biên chế từ Phòng Y tế về nhận nhiệm vụ tại Văn phòng HĐND và UBND huyện. Tuy nhiên, năm 2020, một phó chánh văn phòng phụ trách lĩnh vực y tế nghỉ hưu, chuyên viên phụ trách lĩnh vực y tế chuyển công tác. Đến nay, huyện vẫn chưa tìm được nhân sự thay thế.
Hầu hết các huyện, thị xã ở Bình Phước không có phòng y tế
Hiện nay, hầu hết các huyện, thị xã ở Bình Phước không có phòng y tế. Nhiều người không có chuyên môn, nghiệp vụ ngành y được bố trí phụ trách dẫn đến những lúng túng trong công tác tham mưu, quản lý.
Nâng thu nhập để giữ chân
Theo Sở Y tế TPHCM, nhân lực trong ngành y tế thành phố hiện nay là hơn 41.000 người. Hơn một năm qua, với gần 1.400 người nghỉ việc hoặc chuyển từ công lập sang y tế tư nhân, tuy chưa ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh nhưng đã tác động đến sự phát triển chung của ngành y tế. Vì vậy, TPHCM đang khẩn trương xúc tiến nhiều giải pháp để giữ chân nhân viên y tế.
PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, trước tình hình nhân sự ở tuyến cơ sở y tế có biểu hiện đuối sức sau giai đoạn phòng chống dịch COVID-19 kéo dài, ngành y tế đã ban hành thí điểm khung chương trình thực hành lâm sàng tại bệnh viện đa khoa dành cho bác sĩ mới tốt nghiệp theo đúng quy định của Bộ Y tế. Các bác sĩ sẽ vừa thực hành tại bệnh viện vừa thực hành tại trạm y tế để cấp chứng chỉ hành nghề với phạm vi hoạt động chuyên môn khám, chữa bệnh đa khoa. Chương trình bước đầu đã thu hút 295 bác sĩ trẻ về tăng cường cho y tế cơ sở tại trạm y tế thuộc 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức.
“Một trong những giải pháp trọng tâm củng cố năng lực y tế tuyến cơ sở là HĐND TPHCM đã thông qua chính sách đặc thù nâng cao năng lực trạm y tế phường, xã, thị trấn; thu hút và giữ chân được nhân viên y tế”, ông Tăng Chí Thượng cho hay.
Theo bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế Bình Dương, y tế của tỉnh ở cả 3 tuyến còn nhiều hạn chế về điều trị chuyên sâu, thiếu bác sĩ và điều dưỡng. Công tác đào tạo bồi dưỡng, thu hút và tuyển dụng còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi nhân lực chất lượng cao khó tuyển dụng thì nguồn nhân lực bác sĩ từ “chương trình đào tạo theo địa chỉ sử dụng” tốt nghiệp rất ít. Hằng năm, tỉnh cử đi đào tạo hơn 200 người nhưng tốt nghiệp chỉ có 30 bác sĩ/năm. Đào tạo sau đại học cũng không “sáng” hơn. Tỷ lệ trúng tuyển hằng năm bình quân chỉ khoảng 20 - 25 bác sĩ. Riêng năm 2021, Bình Dương chỉ trúng tuyển 2 bác sĩ chuyên khoa 2, không đạt yêu cầu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Để đảm bảo nguồn nhân lực cho ngành y tế, mới đây, UBND tỉnh Bình Dương đã quyết định chi hỗ trợ cho lực lượng y tế cơ sở. Cụ thể, tăng thêm 5 triệu đồng/tháng đối với bác sĩ, 3 triệu đồng đối với người có chuyên môn y tế nhưng không phải là bác sĩ và 2 triệu đồng cho nhân viên làm việc trong cơ sở y tế, nâng thu nhập lên mức từ 7 đến hơn 10 triệu đồng/người/tháng.
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương cho rằng: “Với y sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh trung học đang công tác tại y tế cơ sở, ngành y tế cần khuyến khích, tạo điều kiện học liên thông vào các trường cao đẳng, đại học trong và ngoài tỉnh”.
Nguồn Tin: