Trang Chủ > Sức khỏe > CDC Hà Nội cảnh báo hơn 2.600 ca mắc cúm, tăng 60% chỉ sau một tháng: Cha mẹ nhất định phải làm điều này để phòng biến chứng cho trẻ

CDC Hà Nội cảnh báo hơn 2.600 ca mắc cúm, tăng 60% chỉ sau một tháng: Cha mẹ nhất định phải làm điều này để phòng biến chứng cho trẻ

Tổ quốc
22/07/2022 08:14:59
CDC Hà Nội cảnh báo hơn 2.600 ca mắc cúm, tăng 60% chỉ sau một tháng: Cha mẹ nhất định phải làm điều này để phòng biến chứng cho trẻ-1

(Tổ Quốc) - Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Thông thường, bệnh sẽ phát triển mạnh vào mùa đông xuân nhưng năm nay, bệnh rộ lên khi giữa mùa hè.

Bác sĩ Phạm Thị Kiều Loan, Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm-CDC Hà Nội cho biết, theo Tổ chức Y tế thế giới, ước tính hàng năm có khoảng 5-10% người lớn và 20-30% trẻ em mắc bệnh cúm A hoặc B trên toàn cầu. Trong các đợt dịch cúm mùa, ước tính có khoảng 3 đến 5 triệu ca bệnh nặng và 290.000 – 650.000 ca tử vong liên quan đến hô hấp.

Tại Việt Nam các virus gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B, bệnh có thể xảy ra quanh năm. Năm 2019 cả nước ghi nhận 408.907 trường hợp mắc cúm trong đó có 10 trường hợp tử vong do bệnh cúm mùa.

Ở Hà Nội, thống kê từ đầu năm đến 17/7/2022 đã ghi nhận 2.605 trường hợp mắc cúm, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Số ca mắc có xu hướng gia tăng trong 4 tháng trở lại đây, trong tháng 6 đã ghi nhận 887 trường hợp mắc, tăng 60% so với số mắc ghi nhận trong tháng 5.

Theo số liệu báo cáo của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, tổng số bệnh nhân mắc cúm trên địa bàn Hà Nội điều trị tại bệnh viện là 252 trường hợp, bệnh nhân ghi nhận chủ yếu ở nhóm đối tượng trẻ dưới 5 tuổi chiếm 44,1%, tiếp đó là nhóm tuổi 18-49 tuổi chiếm 39,7%.

CDC Hà Nội cảnh báo hơn 2.600 ca mắc cúm, tăng 60% chỉ sau một tháng: Cha mẹ nhất định phải làm điều này để phòng biến chứng cho trẻ-2

Các bệnh nhi mắc cúm đang điều trị tại BV Nhi Trung ương. Ảnh: Tiền Phong

Đặc biệt, trong hai tuần qua, mỗi ngày có gần 100 bệnh nhân đến khám do xuất hiện triệu chứng cúm A. Hầu hết bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, điều trị ngoại trú; 71 trường hợp có chỉ định nhập viện (chủ yếu là trẻ em, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, hầu hết điều trị khỏi sau 3-4 ngày điều trị).

Nhóm đối tượng nguy cơ cao cần phòng ngừa cúm A

Nhóm đối tượng nguy cơ cao có nguy cơ mắc cúm và các biến chứng nguy hiểm do cúm A bao gồm:

- Trẻ em dưới 2 tuổi. Trong đó tỷ lệ nhập viện và tử vong do cúm cao nhất là ở trẻ dưới 6 tháng tuổi.

- Người lớn trên 65 tuổi có nguy cơ mắc cúm và biến chứng cao do hệ miễn dịch suy giảm so với người trẻ khỏe mạnh.

- Phụ nữ đang mang thai và sau sinh hai tuần có nguy cơ mắc cúm và gây ra biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và thai nhi.

- Những người có hệ thống miễn dịch yếu do mắc các bệnh như HIV hoặc AIDS, ung thư... hoặc dùng thuốc: hóa trị, xạ trị trong điều trị ung thư...

CDC Hà Nội cảnh báo hơn 2.600 ca mắc cúm, tăng 60% chỉ sau một tháng: Cha mẹ nhất định phải làm điều này để phòng biến chứng cho trẻ-3

Cúm mùa có thể tự khỏi nhưng đôi khi có thể sảy ra biến chứng dẫn đến tử vong

- Người mắc bệnh mãn tính cần dùng corticosteroid hoặc các loại thuốc ức chế hệ thống miễn dịch.

- Nhân viên y tế thường xuyên tiếp xúc với người bệnh.

- Người mắc các bệnh mãn tính như: Hen suyễn, Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, Rối loạn về máu, Rối loạn nội tiết, Bệnh tim, gan, thận, bệnh lý thần kinh...

- Người dưới 19 tuổi sử dụng aspirin hoặc salicylate trong thời gian dài.

Các biến chứng cúm A gây ra

Trong một số trường hợp, bệnh cúm A có thể gây ra các biến chứng nặng và tử vong do bệnh chuyển thành ác tính. Cụ thể:

Biến chứng viêm phổi thường gặp ở đối tượng là trẻ em, người trên 65 tuổi, người mắc bệnh mạn tính, đặc biệt bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen phế quản, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, bệnh mạch vành, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch. Ngoài ra, bệnh còn gây ra viêm tai giữa, viêm xoang, nhiễm trùng đường tiết niệu.

Một số trường hợp cúm A có thể tiến triển nặng với các triệu chứng như sốt cao, khó thở, tím tái, phù phổi do suy tim và có thể gây tử vong. Bệnh dễ chuyển thành ác tính đối với các trường hợp có tiền sử mắc các bệnh mạn tính, suy giảm đề kháng, miễn dịch như suy thận, đái tháo đường, người nghiện rượu, phụ nữ có thai, người già, trẻ nhỏ. Đặc biệt, biến chứng nguy hiểm nhất của cúm A là gây phù não và tổn thương gan trầm trọng, tỷ lệ tử vong rất cao.

Với phụ nữ đang mang thai nếu mắc cúm A có thể gây ra biến chứng viêm phổi hoặc sẩy thai. Nếu mắc cúm trong 3 tháng đầu có thể gây ra biến chứng ở thai nhi, nhất là bệnh lý về hệ thần kinh trung ương, tuy nhiên không gây quái thai.

CDC Hà Nội cảnh báo hơn 2.600 ca mắc cúm, tăng 60% chỉ sau một tháng: Cha mẹ nhất định phải làm điều này để phòng biến chứng cho trẻ-4

Cha mẹ cần đặc biệt theo dõi các triệu chứng ở trẻ khi mắc cúm

Cách chăm sóc và theo dõi trẻ tại nhà để phòng biến chứng

- Trẻ mắc cúm A nên được chăm sóc và cách ly tại phòng riêng thông thoáng tối thiểu 7 ngày. Khi ra ngoài cần đeo khẩu trang.

- Hạn chế người thăm hỏi, tiếp xúc trẻ khi không cần thiết. Người chăm sóc trẻ cần đeo khẩu trang. Sau khi chăm sóc trẻ cần vệ sinh tay và các vật dụng xung quanh trẻ.

- Vệ sinh mũi, họng cho trẻ bằng dung dịch nước muối sinh lý.

- Nếu trẻ sốt >= 38,5 độ C cần dùng thuốc hạ sốt theo đúng liều lượng cân nặng. Có thể phối hợp dùng thuốc giảm ho hay kháng sinh, bổ sung vitamin theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Cha mẹ cần lưu ý theo dõi thân nhiệt của trẻ và các dấu hiệu: Màu sắc da, nhịp thở, lượng ăn của trẻ… Nếu có biểu hiện bất thường cần đến cơ sở y tế khám lại ngay.

Nguyễn Phượng