TS Bùi Hữu Nam - Trung tâm Bệnh nhiệt đới thuộc (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, tháng 5 đến tháng 8 hằng năm là giai đoạn thường ghi nhận sự gia tăng các bệnh lí viêm não, đặc biệt là viêm não Nhật Bản.
Theo BS Nguyễn Hữu Hiếu - Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai), viêm màng não là phản ứng viêm của màng não và khoang dưới nhện, biểu hiện bằng tăng bất thường số lượng bạch cầu trong dịch não tủy. Hầu hết các trường hợp viêm màng não là do nhiễm virus, những bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn và nấm cũng có thể dẫn đến viêm màng não. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra nhiễm trùng, viêm màng não có thể điều trị khỏi trong một vài tuần hoặc có thể là một trường hợp khẩn cấp đe dọa tính mạng.
Về tác nhân truyền nhiễm có thể gây viêm màng não ở trẻ em, theo BS Nguyễn Hữu Hiếu, thường gặp nhất là virus viêm não Nhật Bản, quai bị, các loại virus Herpes, HIV, Adenovirus, bại liệt, dại; vi khuẩn; ký sinh đơn bào và giun sán; nấm… Cũng theo BS Hiếu, các yếu tố thuận lợi của viêm màng não ở trẻ em là trẻ dưới 3 tuổi, đặc biệt trẻ sơ sinh. Trẻ nam gặp nhiều hơn nữ. Trẻ bị tổn thương miễn dịch như đẻ non, suy giảm miễn dịch, cắt lách, suy dinh dưỡng.
Trẻ bị nhiễm khuẩn cấp hoặc mãn tính, nhiễm khuẩn hô hấp, tai mũi họng. Trẻ bị tật, chấn thương màng não: Thoát vị màng não tủy, dẫn lưu não thất, chấn thương sọ não, thủ thuật chọc dò tủy sống. Hoặc sống trong môi trường sống đông đúc, vệ sinh kém.
Biểu hiện lâm sàng bệnh viêm màng não ở trẻ em rất đa dạng và thay đổi tùy theo lứa tuổi, thời gian trước khi nhập viện và phản ứng của từng trẻ đối với tình trạng nhiễm trùng. Sốt, nôn, đau đầu là ba biểu hiện thường gặp ở trẻ bị viêm màng não. Các biểu hiện viêm màng não ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là sốt cao hoặc hạ nhiệt độ, quấy khóc, ngủ gà, thóp phồng căng, giảm vận động, bú kém, cổ mềm.
TS.BS Đỗ Thiện Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới cho biết, so với các bệnh viêm não, viêm màng não, viêm não Nhật Bản thường để lại di chứng nặng nề nhất. Nguyên nhân trẻ mắc bệnh, ở hầu hết các trường hợp là do phụ huynh quên lịch tiêm nhắc lại vaccine viêm não Nhật Bản cho con sau khi hoàn thành những mũi tiêm cơ bản lúc 2 tuổi.
BS Hải khuyến cáo phụ huynh nên lưu ý cho con tiêm đầy đủ các mũi vaccine phòng viêm não Nhật Bản. Mũi 1 tiêm khi trẻ được một tuổi, mũi 2 sau mũi 1 từ 1-2 tuần, mũi 3 tiêm sau một năm tiêm mũi 2. Sau đó, trẻ nên tiêm nhắc lại sau 3-4 năm đến khi 15 tuổi. Vaccine viêm não Nhật Bản có tác dụng phòng bệnh trong khoảng 3 - 5 năm.