Trang Chủ > Sức khỏe > Căng thẳng vì con táo bón, bác sĩ chỉ ra nguyên nhân

Căng thẳng vì con táo bón, bác sĩ chỉ ra nguyên nhân

Infonet
28/06/2022 11:06:32

Căng thẳng vì con táo bón

Bé Đỗ M. A. 3 tuổi con chị Hoài (Hà Đông, Hà Nội) thường xuyên bị táo bón. Chị Hoài kể mỗi lần cho con đi vệ sinh, bé ngồi bô hơn 30 phút vẫn chưa đi ngoài được. Nhìn con bé nhăn nhó vì không thể đi vệ sinh, chị Hoài càng xót con. Chị làm đủ các kiểu như cho bé uống thêm men tiêu hoá, cho ăn thêm rau nhưng tình trạng táo bón vẫn không cải thiện.

Vì bị táo bón nên bé càng lười ăn hơn, bé hay than đau bụng quanh rốn. Con táo bón khiến bản thân chị Hoài cũng căng thẳng theo. Chị cho con đi khám, bác sĩ cho biết bé nhịn đại tiện. Trước đó, chị Hoài cho con bỏ bỉm, bé đại tiện ra quần hay bị mẹ tét mông nên dần dần bé sợ đi ngoài và dẫn tới táo bón.

Bé N.T.L (5 tuổi, ngụ tại TP.HCM) được mẹ đưa đi khám bệnh vì tiêu chảy mấy ngày không dứt. Bác sĩ khám thì thấy phân cứng lổn nhổn trong bụng. Khám xong thì biết không phải là tiêu chảy mà là một ca táo bón kéo dài gây ra hiện tượng són phân lỏng.

Theo bác sĩ Trương Hoàng Hưng – chuyên khoa Nhi tại Mỹ, hiện tượng són phân lỏng là do khi táo bón kéo dài lâu ngày, bụng ứ nhiều phân cứng ở đại tràng, làm cơ thể không thể thải phân ra nên phân lỏng trên tìm cách đi qua số phân cứng này và són ra ngoài.

Tình trạng này gây phiền hà cho bệnh nhân và người xung quanh, đồng thời ảnh hưởng đến tâm lý, tự ti, lo âu, trầm cảm, ảnh hưởng cả đến học tập.

Căng thẳng vì con táo bón, bác sĩ chỉ ra nguyên nhân-1

Ảnh minh hoạ.


Táo bón là sự giảm số lần bài xuất phân bình thường, kèm theo khó và đau khi bài xuất phân do phân rắn hoặc quá to. Táo bón không phải là một bệnh mà là triệu chứng gặp trong nhiều bệnh khác nhau. Táo bón có thể cấp tính trong vài ngày hoặc kéo dài vài tuần, vài tháng, tái phát nhiều đợt.

Xử trí táo bón

Theo BS Nguyễn Hiền – khoa ngoại tổng hợp BV Nhi Đồng 2, TP.HCM, táo bón thường gặp ở trẻ em nếu không được xử trí kịp thời có thể để lại hậu quả như: kém hấp thu dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất, gây ra các bệnh khác về đường tiêu hoá, có thể gây viêm ruột nặng...

Phương pháp điều trị táo bón ở trẻ em có thể chia làm 2 loại bằng nội khoa hoặc phẫu thuật.

Điều trị táo bón nội khoa bao gồm táo bón chức năng như nguyên nhân do trẻ nhịn không đi ngoài, chế độ ăn không phù hợp, ăn ít chất xơ, thiếu nước, ít vận động...

Một số bệnh lý như: cường giáp, suy giáp, đái tháo đường, các bệnh lý liên quan đến hệ thần kinh như bại não, chậm phát triển tâm vận…

Theo BS Hiền, điều trị táo bón nội khoa, người bệnh cần thay đổi chế độ ăn, tập thói quen đi tiêu, uống nhiều nước, tăng cường vận động, nếu không đáp ứng có thể cho bé uống thuốc nhuận trường, bơm hậu môn kích thích đi tiêu..

Việc điều trị ngoại khoa chỉ định trong các trường hợp phình đại tràng bẩm sinh do thiếu hụt bẩm sinh tế bào hạch thần kinh ở đại tràng dẫn đến đoạn ruột nhu động kém gây táo bón. Bệnh thường được phát hiện ở trẻ sơ sinh, nhũ nhi, đôi khi ở những trẻ lớn hơn.

Triêụ chứng thường gặp là táo bón không đáp ứng điều trị nội khoa, đôi khi bé vào bệnh viện với tình trạng viêm ruột nặng, hoặc thủng ruột... Bệnh thường gặp ở các bé có tiền căn chậm tiêu phân su >24h sau sinh.

Điều trị: phẫu thuật cắt bỏ đoạn đại tràng không có tế bào hạch, đưa đoạn ruột lành phía trên xuống thay thế.

Trường hợp trẻ bị bất thường vị trí hậu môn (thường gặp: hậu môn tầng sinh môn trước)

Bệnh biểu hiện với táo bón kéo dài không đáp ứng đều trị nội, vị trí hậu môn bất thường. Bác sĩ sẽ điều trị phẫu thuật chỉnh hình hậu môn.

Các bậc phụ huynh cần lưu ý khi trẻ táo bón kéo dài cần đưa đến các bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị phù hợp để tránh các biến chứng.

Khánh Chi