Căng thẳng ảnh hưởng đến mọi mặt của cơ thể, từ hệ thần kinh, sinh sản, hô hấp, tim mạch, cơ xương khớp, nội tiết và tiêu hóa. Các phản ứng sinh học như tim đập nhanh, tăng khả năng tập trung được tạo ra để giúp con người đối mặt với căng thẳng, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Căng thẳng làm suy hiếu hệ miễn dịch, nhờ đó mà vi khuẩn có hại trong miệng dễ dàng tấn công nướu SHUTTERSTOCK
Tuy nhiên, căng thẳng kéo dài sẽ tác động tiêu cực đến sức khỏe. Ví dụ với hệ cơ xương khớp, một trong những tác động thường gặp nhất của căng thẳng là đau vai gáy và lưng dưới. Loại đau này thường liên quan đến căng thẳng trong công việc.
Đặc biệt, căng thẳng khiến nhịp tim tăng lên. Nếu điều này duy trì quá lâu sẽ làm tăng nguy cơ bị huyết áp cao, đột quỵ và đau tim.
Các tác động của căng thẳng đến sức khỏe có thể khác nhau tùy cơ địa. Do đó, có rất nhiều triệu chứng cơ thể xảy ra khi căng thẳng kéo dài.
Về tâm lý, căng thẳng khiến dễ cáu gắt, buồn bã, lo âu và trầm cảm. Về thể chất, các triệu chứng thường gặp khác của căng thẳng là nhức đầu, mệt mỏi, dễ bùng nổ cơn tức giận và thu rút xã hội.
Một số người lại xuất hiện triệu chứng đau răng và sưng nướu. Vì khi căng thẳng, hệ miễn dịch vốn có chức năng bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây bệnh sẽ suy yếu. Do đó, các vi khuẩn có hại trong miệng sẽ dễ dàng tấn công nướu răng, gây ra các bệnh về răng miệng như viêm nướu, lở miệng.
Trong giai đoạn đầu, bệnh viêm nướu có thể điều trị dễ dàng. Tuy nhiên, nếu không trị, viêm nướu sẽ dần trở nên nghiêm trọng và tác động lớn đến sức khỏe.
Để bảo vệ răng nướu cũng như sức khỏe tổng thể, các chuyên gia khuyến cáo mọi người khi nhận thấy mình bị căng thẳng thì cần có các biện pháp ứng phó. Một trong những cách dễ dàng nhất là hãy giảm uống rượu bia và các món có nhiều caffeine như cà phê.
Ngoài ra, họ cũng phải ngừng hút thuốc, ngủ đủ giấc và tập thể dục thường xuyên. Hãy thử thực hành các kỹ thuật thở sâu, yoga và thiền để giảm bớt căng thẳng, theo Healthline.