Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Trưởng khoa Phẫu thuật Chấn thương y học thể thao và chi trên, hiện phong trào chạy rất phổ biến, tuy nhiên, đang tồn tại những sai lầm khiến người chạy có thể gặp rủi ro nguy hiểm cho sức khỏe.
Khi tham gia bất cứ môn thể thao nào, cũng cần có quá trình tập luyện từ cường độ thấp lên cao để cơ thể thích nghi, tránh bị tổn thương.
Trong đó, tâm lý nóng vội, vừa chạy đã muốn có tốc độ cao, chạy dài... khiến nhiều người sau một buổi chạy mệt đến cả ngày hôm sau, do nhịp tim lên quá cao.
Có những người khi mới bắt đầu đã chạy nhanh, nhịp tim lên đến 180 nhịp/phút, thậm chí lên 200, đây là một con số rất nguy hiểm.
"Nhịp tim ở ngưỡng 180-200 là quá nhanh. Với cường độ nhanh như thế, quả tim có thể dẫn đến trạng thái không còn bóp tiếp được, gây ngừng tim đột ngột . Hoặc kéo dài tình trạng này, có thể dẫn đến suy tim", PGS Khánh cảnh báo.
Vì thế, chuyên gia đưa ra lời khuyên, chạy hay bất cứ môn thể thao nào, cần có thời gian luyện tập từ cường độ thấp để cơ thể có thể điều chỉnh, thích nghi với nhịp vận động.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Trưởng khoa Phẫu thuật Chấn thương y học thể thao và chi trên. (Ảnh: H.Hải).
Thông thường, khi mới tập chạy, mọi người có thể đeo đồng hồ thông minh để đo nhịp tim, khi nhịp tim tăng lên quá 120 cần giảm nhịp độ để nhịp tim xuống dần. Khi nhịp tim ổn định lại bắt đầu chạy và theo dõi. Một thời gian, cơ thể dần thích nghi, nhịp tim sẽ được duy trì ổn định.
Theo các chuyên gia, duy trì nhịp tim ở 100-120 là tốt nhất cho sức khỏe.
Ngoài nguy cơ liên quan tim mạch, người chạy cũng rất dễ gặp các tổn thương liên quan đến khớp cổ chân, khớp gối, đau vùng cơ quanh khớp háng... Theo đó, người bệnh thấy đau âm ỉ vùng cổ chân, không có điểm khu trú... khi chụp X-quang, cộng hưởng từ có thể thấy khuyết hẳn mảnh xương, hoặc dị vật trong khớp.
Tổn thương này thường gặp nhất là lứa tuổi 20-45 (chiếm 70%). Vì thế, khi chạy mọi người cần khởi động kỹ, lắng nghe cơ thể để phát hiện chấn thương (nếu có). Mỗi ngày, tùy theo tình trạng sức khỏe có thể duy trì từ 5-10km.
Ngoài ra, các môn thể thao hay gặp chấn thương khác gồm: Bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, tennis, những môn đối kháng vật bị chệch khớp vai, thậm chí là chạy bộ, đi xe đạp, tập yoga, tập aerobic…
Theo PGS Khánh, các ca đến viện do chấn thương thể thao có nhiều mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Ở mức độ nhẹ, người bệnh chỉ bị sưng nề phần mềm, làm người tập đau, mỏi, khó chịu... Tuy nhiên cũng có những chấn thương nặng khiến bệnh nhân đau dai dẳng, kéo dài, có thể giãn dây chằng bên ở quanh khớp, đứt gân, đứt dây chằng chéo trước hoặc chéo sau ở khớp gối , hoặc đứt dây chằng quanh khớp cổ chân…
PGS Khánh lưu ý với những người chơi thể thao, khi thấy có đau bất thường sau chơi thể thao cần đến khám sớm tại các cơ sở y tế.
Trên thực tế nhiều trường hợp khi đau chỉ chườm nóng hoặc lạnh, bôi mật gấu, dầu nóng... đến khi cơn đau không giảm mới đến viện. Lúc này đã để lại những biến chứng đáng tiếc như rách sụn chêm thứ phát, mòn sụn, làm giảm tuổi thọ của khớp…
"Đã có không ít trường hợp, người bệnh bị sưng khớp, trật khớp, đau mỏi lại điều trị bằng thuốc nam, châm cứu... làm cho bệnh càng nặng hơn"- PGS Khánh lưu ý.
Vì thế, khi phát hiện có chấn thương, bất thường sức khỏe nên đi khám để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Để hạn chế các nguy cơ về chấn thương thể thao và điều trị đúng cách, từ 7h30 - 16h ngày 25/6, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình sẽ khám và tư vấn miễn phí các bệnh lý do chấn thương thể thao. Người dân có thể đăng ký khám qua tổng đài CSKH 19001902 (Bệnh viện Việt Đức).