Biến thể phụ BA.5 đang dần chiếm ưu thế
Tại Việt Nam, dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát nhưng so với tháng 7/2022, tháng 8/2022 ghi nhận 72.324 ca mắc (tăng 2,4 lần), 24 ca tử vong (tăng 18 ca). Trong nước đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74 trong cộng đồng, nhất là biến thể phụ BA.5 đang tiến tới chiếm ưu thế trong số các ca mắc.
Trong 7 ngày qua (5/9-11/9/2022) cả nước ghi nhận trung bình khoảng 2.900 ca mắc mới mỗi ngày (ngày 7/9 ghi nhận 3.878 ca, cao nhất trong gần 4 tháng qua). Số ca mắc mới, số ca nặng, ca tử vong có xu hướng tăng (so với tháng 7, trong tháng 8, số ca nhập viện tăng 330%, số ca nặng, nguy kịch cần thở oxy tăng 316%). Có 35% ca nặng, tử vong thuộc các trường hợp chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ vắc-xin.
Đến nay Việt Nam đã ghi nhận trên 11,4 triệu ca mắc, có 10,3 triệu người khỏi bệnh (90,2%) và trên 43 nghìn ca tử vong (0,38%). So với tháng 7/2022, tháng 8/2022 ghi nhận 72.324 ca mắc (tăng 2,4 lần), 24 ca tử vong (tăng 18 ca).
Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, dịch bệnh Covid-19 dự báo còn diễn biến khó lường trên thế giới trong thời gian tới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch Covid-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại; vắc-xin vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch Covid-19.
Tính đến hết ngày 11/9, Việt Nam đã triển khai tiêm được 258,7 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19. Tỉ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%. Tỉ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 77,0% và tỉ lệ tiêm mũi 3 người từ 12 đến dưới 18 tuổi là 55,2% (so với tổng dân số tỉ lệ này là 56%, cao gấp đôi tỉ lệ trung bình trên thế giới (28,0%)). Tỉ lệ tiêm mũi 4 là 77,0%.
Tỉ lệ tiêm mũi 1 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 85,8%; tỉ lệ tiêm mũi 2 đạt 57,6%.
Trong tháng 8, cả nước tiêm được khoảng 11 triệu liều vắc-xin, trung bình mỗi ngày tiêm được 360.000 liều (ngày thấp nhất tiêm được gần 100.000 liều, ngày cao nhất tiêm được hơn 800.000 liều).
WHO cho biết sẽ công bố một số chính sách để các quốc gia triển khai, bao gồm: Xét nghiệm, quản lý lâm sàng, tiêm chủng, truyền thông nguy cơ cũng như sự tham gia của cộng đồng, và quản lý dịch bệnh nhằm bảo vệ những người có nguy cơ, giảm thiểu bệnh trở nặng, tử vong.
Tại Việt Nam, trước tình hình mới, Bộ Y tế đã đưa ra điệp phòng, chống dịch Covid-19 có sự thay đổi giảm từ 5K xuống còn 2K gồm: Khẩu trang, Khử khuẩn. Cùng với đó, Bộ Y tế cũng kêu gọi người dân tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đầy đủ và đúng lịch, kết hợp "thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân" và các biện pháp khác.
Lý do thay đổi thông điệp là do khi Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh, tỷ lệ tiêm vắc-xin tăng lên nên các biện pháp phòng, chống dịch cũng cần được điều chỉnh để phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh, nhằm tạo điều kiện phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, từng bước ổn định đời sống Nhân dân nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Khi chuyển sang trạng thái thích ứng, an toàn, linh hoạt, tập trung phát triển kinh tế xã hội đòi hỏi phải điều chỉnh các biện pháp cho phù hợp, linh hoạt, do vậy, các biện pháp "Khoảng cách, Không tụ tập và Khai báo y tế toàn dân" tại thời điểm này không còn phù hợp.
Tuy nhiên, Bộ Y tế lưu ý, đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường, luôn có nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới. Vắc-xin vẫn là biện pháp hữu hiệu nhất để kiểm soát dịch Covid-19. Trước nguy cơ bùng phát các bệnh đường hô hấp trong mùa Đông-trong đó có dịch Covid-19, Bộ Y tế đã triển khai chiến dịch truyền thông “Vì một Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh” với Thông điệp 2K + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác cùng với 3 trụ cột (xét nghiệm, cách ly, điều trị) nhằm bảo vệ sức khoẻ của người dân.
Trong trường hợp xuất hiện biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 nguy hiểm, dịch lây lan mạnh trên diện rộng, vượt qua khả năng đáp ứng của ngành y tế vẫn tiếp tục sử dụng Thông điệp 5K và các biện pháp khác như: vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân.
WHO cảnh báo 3 biến thể phụ có khả năng lây nhiễm cao
Biến thể phụ BA.5 có khả năng lây lan nhanh hơn 12%
Việt Nam tiếp tục ghi nhận ca nhiễm biến thể phụ BA.4 và BA.5 qua giám sát ngẫu nhiên
Ba loại thuốc có hiệu quả cao chống lại biến thể BA.5
Vân Hà