Ảnh minh họa.
Mầm bệnh Adenovirus đang tồn tại nhiều trong cộng đồng
Theo cảnh báo được phát đi từ Bệnh viện Nhi trung ương, từ tháng 8/2022 đến nay, số ca bệnh Adeno phát hiện tại cơ sở y tế này đang có xu hướng gia tăng. Chỉ tính riêng trong tuần từ ngày 5-11/9, bệnh viện đã ghi nhận 151 trường hợp dương tính với Adenovirus, tăng gần 2,2 lần so với tuần trước đó.
PGS. TS Lê Thị Hồng Hanh - Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, ở thời điểm hiện tại, Trung tâm Hô hấp đang điều trị cho 25 bệnh nhi bị nhiễm Adenovirus kèm theo tình trạng viêm phổi hoặc có suy hô hấp, không trường hợp nào quá nặng.
Còn bác sĩ Lê Kiến Ngãi - Trưởng Khoa Dự phòng và Kiểm soát, Bệnh viện Nhi trung ương nhận định, số ca nhiễm Adenovirus gia tăng, phản ánh thực trạng mầm bệnh virus Adeno đang tồn tại nhiều trong cộng đồng và nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm trở lại và bùng phát ngày càng hiện hữu.
Theo chuyên gia y tế, bệnh do Adeno virus xuất hiện quanh năm, phát triển mạnh vào thời điểm giao mùa xuân - hè hoặc thu - đông. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi nhưng với trẻ em thường là trẻ 6 tháng đến 5 tuổi. Adeno là một họ virus khổng lồ với nhiều tuýp và có thể gây ra nhiều bệnh ở nhiều cơ quan khác nhau. “Adenovirus bên cạnh vai trò gây bệnh đã biết rõ ở hệ thống hô hấp, và một tỷ lệ thấp ở đường tiêu hóa, như viêm dạ dày ruột, hay hiếm gặp hơn như viêm bàng quang, viêm màng não… còn đang là “đối tượng” bị tình nghi liên quan đến tình trạng “viêm gan bí ẩn” - bác sĩ Ngãi nói.
Đồng quan điểm, bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn chia sẻ: “Bệnh phổ biến nhất mà Adenovirus gây ra là cảm lạnh thông thường mà chúng ta thường gặp ở tuổi ấu thơ, các bác sĩ gọi là viêm đường hô hấp trên. Phổ biến thứ hai, đó là viêm dạ dày ruột, ngày nào tôi cũng gặp một cơ số trẻ bị đau bụng, nôn mửa và tiêu chảy. Viêm kết mạc mắt cũng hay gặp. Thậm chí, những trẻ thừa cân đến khám siêu âm, phát hiện gan nhiễm mỡ, thì khả năng trẻ thường xuyên bị nhiễm tuýp 36, vì tuýp này thúc đẩy nhanh quá trình tích mỡ và thoái hóa mỡ trong tế bào gan”.
Trong khi đó, với đặc điểm lây truyền dễ dàng thông qua giọt bắn nước bọt và tiếp xúc bề mặt, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng viêm phổi do Adenovirus có thể phát triển thành dịch.
“Phương thức lây truyền chính của loại virus này là qua giọt bắn nước bọt, người bệnh cười đùa, nói chuyện, ho, hắt hơi đều bắn ra những giọt mang virus. Có thể ví dụ cụ thể, nếu không đeo khẩu trang và nói chuyện với người bệnh trong phòng kín hơn 15 phút thì nguy cơ lây bệnh ở mức rất cao. Bên cạnh đó, Adenovirus còn có thể tồn tại trên bề mặt nhiều ngày, nghĩa là khi tay chúng ta chạm vào các vật có nhiều người chạm vào, như nắm đấm cửa, tay vịn, bàn ghế, đồ dùng chung… ở nơi có người bệnh nhưng sau đó không rửa tay, lại đưa lên ngoáy mũi, sờ mặt, dụi mắt, cho tay vào miệng… thì sẽ có nguy cơ nhiễm virus” - bác sĩ Phúc cho biết.
Tỷ lệ tử vong thấp
Mặc dù vậy, theo nhiều chuyên gia y tế, người dân không nên quá hoang mang vì Adeno là virus khá kinh điển của bệnh hô hấp. Các triệu chứng thường gặp khi nhiễm Adenovirus bao gồm sốt cao dai dẳng, đau sung huyết vùng hầu họng, amidan to ra, sổ mũi, sưng đỏ kết mạc mắt một bên hoặc hai bên. Các triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, đau nhức cơ thể, chán ăn, đau bụng, nôn mửa và tiêu chảy. Thông thường, bệnh do nhiễm virus này đều được điều trị như các bệnh về hô hấp khác như hạ sốt, giảm đau, giảm ho, thông mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý. Bệnh nhân sẽ hồi phục sau vài ngày. Trong một số trường hợp hiếm hoi, tình trạng bệnh sẽ nặng hơn, như viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não, viêm gan… nếu để muộn có thể tử vong. Tuy nhiên, tỷ lệ số ca tử vong ở mức rất hiếm hoi.
PGS. TS Lê Thị Hồng Hanh cho biết: “Thực tế, hầu hết những trường hợp tử vong do Adenovirus xảy ra trên bệnh nhân có cơ địa đặc biệt như suy dinh dưỡng, còi xương, tim bẩm sinh, suy giảm miễn dịch hoặc mắc các bệnh phổi mạn tính. Những trẻ tử vong do nhiễm Adenovirus nói ở trên đều mang bệnh nền hoặc đồng nhiễm virus khác. Với người khỏe mạnh, bệnh do Adenovirus gây ra có thể tự khỏi nhưng với những bệnh nhân có bệnh nền hoặc sức đề kháng kém có thể gây suy hô hấp hoặc nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng”.
Bác sĩ Trần Văn Phúc khuyến cáo: “Người dân đừng quá lo lắng, vì số ca diễn biến nặng là rất hiếm, quan trọng nhất là chúng ta đề phòng để không bị lây nhiễm hàng ngày theo 3 cách đơn giản sau đây: Hướng dẫn trẻ hình thành thói quen rửa tay thường xuyên, chú ý là rửa tay bằng xà phòng thường, rửa dưới vòi nước chảy, thời gian rửa 20 giây; đây là cách tốt nhất để làm trôi virus. Khử trùng bát đũa và không dùng chung bát đũa với người khác. Tôi cho rằng, các bà các mẹ khi cho trẻ ăn, phải bỏ ngay thói quen mút, nếm thức ăn, thổi thức ăn cho nguội trước khi cho vào miệng trẻ, đút thức ăn vào miệng mình trước rồi nhả ra thìa để đút vào miệng trẻ. Đồng thời trong mùa có tỷ lệ nhiễm Adenovirus cao, nên hạn chế đưa trẻ dưới 2 tuổi đến nơi đông người, khi tiếp xúc chú ý giữ khoảng cách an toàn, không tiếp xúc với người ốm. Khi trẻ viêm nhiễm đường hô hấp có các biểu hiện tăng nặng như trẻ mệt hơn, ăn kém, thở nhanh, khó thở thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, xác định căn nguyên và điều trị kịp thời.”
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm TPHCM, Adenovirus đã xuất hiện từ nhiều năm trước đây chứ không phải mới. Ngoài gây bệnh đường hô hấp, virus này cũng là tác nhân gây ra những đợt dịch đau mắt đỏ. Các bác sĩ nhi khoa và hô hấp đều quen thuộc với virus này. Adenovirus cùng các virus khác như RSV (virus hợp bào), cúm là các virus lưu hành quanh năm, tùy theo điều kiện mà lây bệnh cho người ít hay nhiều.
Sở dĩ virus này tăng đột biến trong khoảng thời gian gần đây có thể do điều kiện xét nghiệm. Các ca bệnh được cho làm xét nghiệm nhiều hơn tương ứng số ca phát hiện mắc Adenovirus cũng tăng lên. Bên cạnh đó, thời gian qua, do giãn cách xã hội, trẻ em ít tiếp xúc môi trường bên ngoài, nên miễn dịch dần dần với các virus không có. Khi thoải mái tiếp xúc với môi trường bên ngoài, trẻ dễ bị các loại virus tấn công.
Do là virus cũ nên cách điều trị cũng giống như các đợt viêm hô hấp do virus, chủ yếu điều trị triệu chứng, chờ bệnh tự khỏi. Adenovirus không có thuốc điều trị đặc hiệu vì đa số tự khỏi. Các trẻ trở nặng thường là do hệ miễn dịch kém hoặc nhiễm thêm vi khuẩn, nhất là vi khuẩn kháng thuốc.
Hiện thế giới chưa có vaccine phòng Adenovirus vì chúng có nhiều chủng. Cách phòng ngừa bệnh tốt nhất vẫn là rửa tay, người lớn bị cảm phải tránh xa trẻ nhỏ, khẩu trang… Bên cạnh đó, uống đủ nước, ăn đủ chất, ngủ đủ giấc để tăng sức đề kháng. Trẻ cần được chích ngừa vaccine 6 trong 1, phế cầu, cúm vì nếu nhiễm Adenovirus chồng theo các bệnh này sẽ có nguy cơ làm bệnh nặng thêm.
Nghĩa Toàn (ghi)