Bệnh nhân được theo dõi đường huyết liên tục
Bệnh nhân nam N.V.A. 7 tuổi, ở TP Vinh, bị đái tháo đường type 1 mới phát hiện. Bệnh nhân A. vào viện cấp cứu trong tình trạng toan chuyển hóa. Sau khi được kiểm soát bằng Insulin, sử dụng phác đồ Insulin 4 mũi, các bác sĩ chỉ định sử dụng thiết bị theo dõi đường máu liên tục, nhờ theo dõi đường máu liên tục bệnh nhân A được phát hiện tình trạng hạ đường huyết thầm lặng không triệu chứng và được điều chỉnh phác đồ kịp thời.
Tương tự, bệnh nhân bị tiểu đường từ lâu, do không theo dõi, kiểm soát được đường huyết để điều chỉnh chế độ ăn, đường huyết lúc cao lúc thấp không thể kiểm soát được nên bệnh nhân H phải nhập viện cấp cứu, điều trị. Sau khi được gắn thiết bị theo dõi đường máu liên tục để theo dõi dao động đường máu trong ngày, các bác sĩ đã điều chỉnh liều lượng sử dụng thuốc phù hợp, đồng thời đã giúp bệnh nhân tự nhận thức để điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý.
BSNT Văn Thị Thu Hiền hướng dẫn bệnh nhân sử dụng máy theo dõi đường máu thường xuyên
"Sau khi gắn thiết bị theo dõi đường máu liên tục, tôi đã biết được việc tăng giảm đường trong máu, từ đó điều chỉnh chế độ ăn, luyện tập thể dục một cách phù hợp. Lúc trước không kiểm soát được đường huyết tôi rất mệt. Hiện sức khỏe tôi đã ổn định, chuẩn bị xuất viện".Bệnh nhân H chia sẻ.
Đây chỉ là 2 trong số hàng trăm bệnh nhân ĐTĐ có bệnh lý nền nặng, mức độ dao động đường máu lớn, được gắn thiết bị theo dõi đường máu liên tục để điều trị bệnh tại Bệnh viện Nội tiết Nghệ An.
Tại Nghệ An, theo kết quả điều tra của Bệnh viện Nội tiết Nghệ An, năm 2010 tỷ lệ mắc đái tháo đường toàn tỉnh là 5,36%, đến năm 2020 đã tăng lên 7,2%, tiền đái tháo đường là 11,7%. Đây thực sự là những con số đáng báo động. Hai năm gần đây, cùng với sự bùng phát của đại dịch COVID-19, thay đổi lối sống sinh hoạt, tỷ lệ đái tháo đường mới phát hiện gia tăng đáng kể.
Đến nay, Bệnh viện Nội tiết Nghệ An đang quản lý 6500 bệnh nhân ĐTĐ tái khám hàng tháng. Trong đó hầu hết là các trường hợp đái tháo đường khó kiểm soát, ĐTĐ với các bệnh lý kèm theo nặng nề như đột quỵ, xơ gan, bệnh thận mạn, suy tim...
Máy theo dõi đường máu thường xuyên giúpbác sĩ theo dõi đường huyết của bệnh nhân để điều chỉnh phác đồ điều trị
"Cùng với sự phát triển của kinh tế, khoa học và công nghệ, ngoài sử dụng các thuốc mới, việc ứng dụng công nghệ mới có vai trò rất quan trọng trong việc quản lý hiệu quả bệnh ĐTĐ, nhất là những trường hợp khó, bệnh lý nền nặng, mức độ dao động đường máu lớn.
Bệnh viện Nội tiết Nghệ An đã theo dõi và điều trị hiệu quả hàng trăm trường hợp đái tháo đường khó kiểm soát nhờ thiết bị theo dõi đường máu liên tục. Đặc biệt việc theo dõi sát để điều chỉnh đường máu hiệu quả ở bệnh nhân ĐTĐ type 1 ở trẻ em giúp giảm nhiều gánh nặng biến chứng lâu dài ở tuổi trưởng thành". TS BS Phan Thế Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Nghệ An cho biết.
Các chỉ số đường máu được theo dõi liên tục
Tính ưu việt khi sử dụng thiết bị theo dõi đường máu thường xuyên
Đường máu không phải là một chỉ số cố định, mà luôn biến thiên liên tục trong ngày. Mục tiêu đường máu ở bệnh nhân ĐTĐ không phải chỉ riêng một thời điểm. Do đó để điều trị hiệu quả đái tháo đường bệnh nhân cần quản lý hiệu quả cả mức đường máu khi đói và cả đường máu sau ăn.
Khác với các thiết bị theo dõi đường máu mao mạch được đánh giá bằng lấy máu đầu ngón tay và chỉ đánh giá được đường máu tại một thời điểm, với nhược điểm gây đau, và không theo dõi được mức độ dao động đường máu trong ngày. Thiết bị theo dõi đường huyết liên tục thường gồm một cảm biến gắn ở da (thường ở vùng bụng hoặc mặt dưới cánh tay) và một thiết bị đọc kết quả đường huyết để đo đường huyết liên tục 24/24.
Ngoài ra, người bệnh còn có thể sử dụng điện thoại thông minh để đọc kết quả từ các cảm biến. Với thiết bị này, người bệnh và người nhà người bệnh có thể xem đường huyết mỗi vài phút, bất kể khi nào, người bệnh không cảm giác đau khi phải trích máu từ ngón tay, có thể xem đường huyết bất kể nơi đâu với thao tác đơn giản (chỉ cần quan sát màn hình điện thoại). Việc theo dõi đường máu liên tục giúp bác sĩ và người bệnh xác định được mức đường máu thay đổi trong ngày khi đói, sau ăn, khi đi ngủ. BSNT Văn Thị Thu Hiền, Khoa Tim mạch và rối loạn chuyển hoá, Bệnh viện Nội tiết Nghệ An nói và cho hay.
Máy theo dõi đường máu thường xuyên giúp bệnh nhân điều chỉnh chế độ ăn phù hợp
Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ điều trị và bệnh nhân
Tại Bệnh viện Nội tiết Nghệ An, ngày càng nhiều bệnh nhân được tiếp cận công nghệ mới hỗ trợ trong việc kiểm soát đường máu. Tuy nhiên, thiết bị theo dõi đường máu chỉ là phương tiện, không phải thuốc điều trị. Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ điều trị và bệnh nhân. Dựa trên kết quả theo dõi đường máu liên tục, BS sẽ điều chỉnh phác đồ thuốc, cách sử dụng thuốc, kết hợp với việc điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cá thể hóa theo từng bệnh nhân để đạt được mục tiêu đường máu tốt nhất.
Đái tháo đường là gánh nặng bệnh lý về lâu dài, do hậu quả của các biến chứng không hồi phục xảy ra từ từ hàng chục năm đánh lên các cơ quan quan trọng như: tim, não, thận, mắt... Do đó việc quản lý tốt đường máu sớm, giữ ổn định giúp giảm nhiều gánh nặng, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân về lâu dài.