Công văn 1177/KCB - QLCL&CĐT do Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa ký, yêu cầu Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên khẩn trương xác minh nội dung vụ việc tai biến nặng sau thủ thuật cắt bao quy đầu mà mạng xã hội đã phản ánh, đồng thời, tổ chức họp Hội đồng chuyên môn, Ban An toàn người bệnh về sự cố y khoa theo đúng quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Thông tư 43/2018/TT-BYT ngày 26/12/2018 của Bộ Y tế hướng dẫn phòng ngừa sự cố y khoa trong các cơ sở khám, chữa bệnh.
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cũng yêu cầu Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên chỉ định một đầu mối phát ngôn của Bệnh viện để cung cấp thông tin kết luận của Hội đồng, kết quả xử lý, giải pháp khắc phục đến gia đình nạn nhân và cho cơ quan báo chí, truyền thông.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên rà soát các quy trình chuyên môn kỹ thuật, quy trình chăm sóc; tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn phẫu thuật theo quy định tại Quyết định 7482/QĐ-BYT ngày 18/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Bộ tiêu chí chất lượng đánh giá mức độ an toàn phẫu thuật và các giải pháp cải tiến chất lượng, nâng cao tinh thần thái độ, giao tiếp ứng xử của nhân viên y tế. Bệnh viện cũng cần quan tâm chăm sóc, thăm hỏi và bảo đảm quyền lợi cho người bệnh và người hành nghề theo các quy định hiện hành.
Trước đó, vào sáng cùng ngày, tài khoản Face book của chị T.H phản ánh về việc cháu chị mới 14 tuổi được đưa đến Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên để cắt bao quy đầu. Nhưng sau khi cắt 7 ngày, cháu vẫn bị sưng nề và chảy máu, phải chuyển đến Bệnh viện Việt Đức để phẫu thuật lại.
Công văn của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên khẩn trương làm rõ vụ việc tai biến nặng sau thủ thuật cắt bao quy đầu
Vấn đề là, mặc dù ca phẫu thuật bị tai biến, “nhưng suốt thời gian cháu phải mổ lại ở Bệnh viện Việt Đức, bác sĩ đã mổ cho cháu ở Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên không một lời hỏi thăm xem nguyên nhân tai biến là gì (để rút kinh nghiệm) và xem tình hình bệnh nhân ra sao.”
Vì thế, chủ tài khoản đặt vấn đề: “Tay nghề kém có thể tha thứ, nhưng thái độ thờ ơ với hậu quả của chính mình thì thật khó chấp nhận phải không các mẹ? Khi bệnh nhân đã phải chịu đau đớn vì thất bại của bác sĩ, tổn thương về tinh thần do quá hoảng sợ (chưa bàn đến những thiệt hại về kinh tế khi gia đình mấy người phải nghỉ việc đi theo chăm cháu), là bác sĩ có tâm nhất định không ai thờ ơ, vô trách nhiệm cả. Chỉ mong bác sĩ rút kinh nghiệm trong ứng xử với bệnh nhân. Đừng nghĩ mình có quyền mổ và có quyền thất bại, mà không cần sẻ chia với những đau đớn mà bệnh nhân và gia đình phải chịu.”