Trang Chủ > Sức khỏe > Bộ Y tế: Cúm A vẫn trong tầm kiểm soát, chưa phát hiện chủng có độc lực cao

Bộ Y tế: Cúm A vẫn trong tầm kiểm soát, chưa phát hiện chủng có độc lực cao

Việt giải trí
23/07/2022 08:02:19

Theo Bộ Y tế, hệ thống giám sát của Cục Y tế dự phòng chưa phát hiện chủng cúm A có độc lực cao như H5N1, H7N9, H5N6, H5N8.

Tại hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2022 diễn ra chiều 21/7, đại diện Bộ Y tế cho biết, hiện có 4 dịch bệnh đang lưu hành tại Việt Nam là COVID-19, sốt xuất huyết , tay chân miệng và cúm. Trong đó, các ca cúm có xu hướng tăng tại miền Bắc thời gian gần đây.

Tại Hà Nội , ghi nhận 2.065 trường hợp cúm A. 4 tháng đầu năm 2020, mỗi tháng ghi nhận dưới 400 ca/tháng, sang tháng 5, số ca mắc tăng lên 556 ca, tháng 6 tăng lên gần 900 ca/tháng.

Bộ Y tế: Cúm A vẫn trong tầm kiểm soát, chưa phát hiện chủng có độc lực cao-1

Bệnh nhân điều trị cúm A tại Bệnh viện Thanh Nhàn.

Cũng thông tin về dịch cúm A, TS Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, thời gian qua nhiều tỉnh, thành ghi nhận các trường hợp cúm nhập viện gia tăng, trong đó phần lớn là các chủng cúm A không có độc lực cao.

Về tình hình các ca cúm A mắc chủng thường nhưng vẫn tăng nhanh, TS Tâm cho rằng: “Một năm ghi nhận 600.000 – 1 triệu ca không phải tăng đột biến. Tại Quảng Ninh, 6 tháng đầu năm số ca mắc cúm A thấp hơn năm ngoái. Hà Nội cũng tăng nhẹ và chưa nằm ngoài kiểm soát của ngành y tế” .

Lý giải nguyên nhân số ca cúm A tăng, TS. Nguyễn Lương Tâm phân tích, trong 2 năm dịch COVID-19, người dân mang khẩu trang nhiều, thực hiện giãn cách, tuân thủ phòng chống dịch như thường xuyên rửa tay sát khuẩn nên số ca cúm A ít. Tuy nhiên sau khi khống chế được COVID-19, người dân chủ quan hơn trong phòng chống dịch, vì vậy, số ca mắc có xu hướng tăng.

“Tuy nhiên đến nay, chúng ta chưa ghi nhận tình trạng tử vong do cúm A, các ca phần lớn đều có triệu chứng nhẹ” , TS. Tâm thông tin.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, số ca mắc cúm hiện nay không có sự khác biệt so với những năm trước đây. Hiện nay lưu hành chủ yếu là cúm A (H3N2, H1N1) và cúm B. Đây là những chủng cúm đã có vaccine phòng bệnh hiệu quả.

“Đến nay, chúng ta chưa phát hiện các chủng cúm A có độc lực cao như H5N1, H7N9, H5N6, H5N8. Tuy nhiên, số nhập viện có xu hướng tăng trong thời gian gần đây”, Thứ trưởng Bộ Y tế nói.

Sốt xuất huyết vượt 1.300 ca, Đắk Lắk lên kịch bản xấu nhất

Trong 6 tháng đầu năm, Đắk Lắk ghi nhận hơn 1.300 ca sốt xuất huyết, ngành y tế lên phương án ứng phó cho tình huống dịch bùng phát mạnh và lây lan trong cộng đồng.

Theo thống kê của ngành Y tế Đắk Lắk, trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1.300 trường hợp mắc sốt xuất huyết, chưa ghi nhận trường hợp tử vong, số mắc tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Số ổ dịch được phát hiện 43 ổ dịch rải rác tại 15/15 huyện, thị xã, thành phố.

Bộ Y tế: Cúm A vẫn trong tầm kiểm soát, chưa phát hiện chủng có độc lực cao-2

Cán bộ chuyên môn phun thuốc diệt muỗi.

Ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế nhận định, năm 2022 có nguy cơ cao dịch bùng phát do bệnh sốt xuất huyết thường gây dịch với chu kỳ 3 năm; trong đó thời điểm gần nhất dịch bệnh bùng phát trên cả nước là năm 2019. Chưa kể, lưu lượng giao thông cả về người, hàng hóa, xe cộ từ các tỉnh khác về tỉnh Đắk Lắk rất lớn, thường xuyên và khó kiểm soát; biến đổi của khí hậu, thời tiết nắng nóng kết hợp với những đợt mưa thất thường tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi và phát triển.

Ngoài ra, theo giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk, sự chủ động, phối hợp của người dân và ban, ngành đoàn thể trong công tác phòng chống sốt xuất huyết chưa phát huy hết hiệu quả; ý thức tự phòng bệnh của người dân còn thấp, phó mặc cho ngành y tế, việc triển khai biện pháp phun hóa chất và diệt lăng quăng còn gặp nhiều khó khăn, không triệt để. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, các biện pháp phòng bệnh hiện nay chủ yếu dựa vào diệt muỗi đốt nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Trước dự báo trên, Sở Y tế Đắk Lắk chủ động xây dựng các phương án ứng phó tùy vào diễn biến của dịch bệnh. Trong đó, có phương án dịch lây lan và bùng phát trong cộng đồng. Theo phương án, các đơn vị y tế dự phòng tổ chức khoanh vùng ổ dịch, áp dụng các biện pháp phòng bệnh rộng rãi, bắt buộc đối với toàn bộ người dân trong khu vực ổ dịch; tiếp tục tăng cường triển khai giám sát sốt xuất huyết để kịp thời xác minh, tổ chức điều tra phát hiện ổ dịch mới, khoanh vùng, xử lý sớm các ổ dịch trong cộng đồng.