Dịch sốt xuất huyết và tay chân miệng ở Bình Dương đang diễn biến phức tạp.
Thông tin từ sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, toàn tỉnh ghi nhận gần 5.000 ca mắc SXH, có 8 trường hợp tử vong, trong đó TP Dĩ An 5 ca tử vong, thị xã Tân Uyên 2 ca và TP Thuận An 1 ca.
Đối với dịch TCM cũng đang diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng mạnh ở hai tháng tháng 5 và 6. Riêng tháng 5 có 703 ca, cao gấp 2,6 lần so với tháng 4. Lũy kế từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh Bình Dương ghi nhận trên 1.700 ca mắc. Tỉnh đã ghi nhận 1 trường hợp bị TCM tử vong.
Theo ông Nguyễn Hồng Chương - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, ngay từ đầu mùa mưa, dịch SXH đã diễn biến phức tạp, trung bình mỗi bệnh viện tại các địa phương như Dĩ An, Tân Uyên, Thuận An tiếp nhận từ 20-30 ca SXH. Sở đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh phối hợp triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, tổng vệ sinh môi trường và truyền thông phòng, chống dịch bệnh SXH, TCM.
“Chúng tôi thành lập đoàn giám sát triển khai các biện pháp phòng, chống dịch SXH tại TP Dĩ An - nơi có nhiều ca tử vong nhất. Qua đó lãnh đạo Sở Y tế đã có những quán triệt, chỉ đạo kịp thời những thiếu sót của địa phương” - ông Chương nói.
Ngoài ra, Sở Y tế cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo kịp thời công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là giám sát ca bệnh, xử lý ổ dịch và thu dung điều trị giảm thiểu tử vong.
Đề cập đến các biện pháp phòng, chống dịch SXH, TCM, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, đang tiến hành giám sát hàng ngày bệnh truyền nhiễm nhằm phát hiện sớm và xử lý các ổ dịch kịp thời, không để phát sinh những ổ dịch diễn biến phức tạp.
Kể từ đầu mùa mưa đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện trên 900 ổ dịch SXH, các địa phương đã tiến hành xử lý 914 ổ dịch, đạt tỷ lệ 99%. CDC Bình Dương hỗ trợ TP Dĩ An phun hóa chất dập dịch diện rộng, nhất là tại phường Tân Bình, phường Tân Đông Hiệp và nhiều địa phương khác đang có số ca mắc tăng cao.
Bác sĩ Võ Nhật Khương - Phó Giám đốc Trung tâm y tế TP Thuận An cũng nhận định, tình hình dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp, bởi miền Nam đang vào thời cao điểm của mùa mưa. “Vì vậy, các trường hợp nghi mắc các loại dịch bệnh trên cần đến bệnh viện khám sớm để điều trị kịp thời” – BS Khương khuyến cáo.
CDC Bình Dương khuyến cáo, người dân cần chú ý đặc điểm nhận biết bệnh SXH là sốt cao liên tục 2-7 ngày kèm các dấu hiệu xuất huyết như chấm xuất huyết, chảy máu răng, máu mũi, vết bầm,... Bệnh trở nặng vào ngày thứ 4 đến thứ 6, với biểu hiện trụy tim mạch như tay chân lạnh, mạch nhẹ, khó bắt và thường ít kèm các triệu chứng hô hấp (ho, sổ mũi) và tiêu chảy.