Trang Chủ > Sức khỏe > Bị chảy máu cam nên ngửa đầu lên hay cúi đầu xuống để cầm máu?

Bị chảy máu cam nên ngửa đầu lên hay cúi đầu xuống để cầm máu?

Gia Đình Mới
05/07/2022 07:21:32

Theo ThS.BS Nguyễn Thị Hảo - Khoa Tai Mũi Họng, BV Bạch Mai, chảy máu mũi là tình trạng máu chảy ra từ hốc mũi và các xoang cạnh mũi. Đây là một trong những tình trạng cấp cứu về Tai Mũi Họng thường xảy ra ở trẻ em 2-10 tuổi và người già 50-80 tuổi. Chảy máu mũi không phải bệnh, mà là biểu hiện của nhiều rối loạn khác nhau.

Bị chảy máu cam nên ngửa đầu lên hay cúi đầu xuống để cầm máu?-1

Khi bị chảy máu cam nên ngồi và cúi ra trước, không nên ngửa đầu lên nhằm hạn chế máu chảy xuống họng và bệnh nhân nuốt vào dạ dày. Ảnh minh họa

Khi bị chảy máu cam, cần thực hiện các bước sơ cứu như sau:

- Ngồi và cúi ra trước (nếu toàn trạng cho phép), không nên ngửa đầu lên nhằm hạn chế máu chảy xuống họng và bệnh nhân nuốt vào dạ dày.

- Xì nhẹ mũi vào khăn hoặc giấy ăn để đẩy cục máu đông trong mũi (nếu có) ra ngoài.

- Dùng ngón tay cái và ngón trỏ bóp chặt hai cánh mũi, ngay cả khi chảy máu mũi chỉ ở một bên khoảng 10 - 15 phút, trong lúc đó thở đều qua miệng.

- Sau khi bỏ tay ra, nếu còn chảy máu thì lặp lại các bước trên trong khoảng 15 phút.

- Nếu chảy máu mũi nhiều, kéo dài, gây khó thở, nôn do nuốt một lượng lớn máu, do chấn thương nghiêm trọng: cần đến khám cấp cứu tại cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi điện báo cấp cứu tại nhà.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, chảy máu mũi là triệu chứng của nhiều rối loạn khác nhau, vì vậy khi người bệnh chảy máu mũi cần đi khám cấp cứu chuyên khoa Tai Mũi Họng để cầm máu, tìm nguyên nhân và điều trị triệt để, tránh những biến chứng có thể nguy hiểm cho người bệnh.

Hạn chế ngoáy mũi, trẻ em cần được cắt ngắn móng tay.

Không uống nhiều rượu và hút thuốc lá, thuốc lào.

Khám sức khoẻ định kỳ để phát hiện và điều trị các bệnh nội khoa như tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu, các bệnh lý gan, thận mạn tính… là yếu tố nguy cơ dẫn đến chảy máu mũi.