Mới đây, TS.BS Phạm Thanh Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương cho biết, nơi đây có khả năng cao phải đóng cửa vì sắp hết thuốc tê .
Bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội hết thuốc tê: TPHCM thế nào?
Cụ thể, ông Hà cho biết có 2 nhóm thuốc sử dụng chính tại bệnh viện, là thuốc kháng sinh và thuốc tê. Với thuốc kháng sinh, bệnh viện sử dụng hạn chế tối đa, nên trong thời gian qua không bị thiếu.
Nhưng với thuốc tê, bệnh viện chỉ còn đủ dùng trong khoảng 2 tuần nữa. Với đặc thù cơ sở răng hàm mặt, 2/3 dịch vụ ngoại trú đều phải sử dụng thuốc tê, do đó, nguy cơ bệnh viện phải đóng cửa dừng hoạt động là rất cao.
Đáng chú ý, lãnh đạo bệnh viện cho rằng, vấn đề thiếu thuốc trước đây chỉ gặp ở cơ sở công lập là chính thì nay cả tư nhân cũng thiếu. "Theo các công ty dược là do giấy phép chưa được gia hạn" - TS.BS Hà lý giải nguyên nhân thiếu thuốc tê.
Thông tin bệnh viện tuyến cuối về răng hàm mặt hết thuốc tê trên khiến dư luận xôn xao, lo ngại ảnh hưởng lớn đến vấn đề chăm sóc sức khỏe người dân nếu các cơ sở y tế khác cũng trong tình trạng tương tự.
Phóng viên Dân trí đã liên hệ lãnh đạo Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TPHCM, là đơn vị chuyên khoa đầu ngành về răng hàm mặt tuyến cuối của khu vực phía Nam để tìm hiểu thực tế điều trị tại nơi này.
Một ca cấy ghép nha khoa tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TPHCM (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).
Bác sĩ Nguyễn Văn Khoa, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết, mỗi ngày nơi đây tiếp nhận khoảng 1.000 lượt bệnh nhân khám, điều trị. Trong đó, rất nhiều trường hợp cần đến thuốc tê, riêng khoa Nhổ răng mỗi ngày đã có trên dưới 100 bệnh nhân phải sử dụng thuốc tê cho các vấn đề như nhổ, trám răng, lấy tủy răng, làm nha chu...
Từ thực tế trên, bệnh viện luôn dự trù, có kế hoạch đấu thầu thuốc tê rất kỹ lưỡng, nên không bị động. Đến nay, thuốc tê được công ty trúng thầu cung ứng vẫn còn nhiều, có thể sử dụng đến năm 2023.
"Hôm qua, tôi nghe thông tin thiếu thuốc tê tại bệnh viện ở Hà Nội cũng hơi giật mình. Tôi cũng có hỏi anh em ở phòng mạch tư thì được biết ở bên ngoài, nguồn cung thuốc tê đang có vấn đề gì đó, đi mua cũng khó, không mua được nhiều. Tôi cũng không hiểu lý do tại sao, nhưng ở bệnh viện rất ổn" - bác sĩ Khoa khẳng định.
Bác sĩ tại phòng khám tư ở TPHCM chăm sóc nha khoa cho bệnh nhân (Ảnh: Phòng khám cung cấp).
Cơ sở tư nhân cũng không mua được thuốc tê
Đại diện khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức (TPHCM) cho biết, mỗi ngày nơi đây tiếp nhận khoảng 60 bệnh nhân đến khám, điều trị chuyên khoa. Vì thuốc tê được sử dụng thường quy, khoa đã dự trù cơ số từ rất sớm, căn cứ theo nhu cầu sử dụng của các năm trước và thực tế, nên số lượng ống thuốc tê của nơi này vẫn còn đủ dùng.
Bệnh nhân chăm sóc răng có sử dụng thuốc tê tại cơ sở nha khoa ở quận Tân Bình, TPHCM (Ảnh: Bác sĩ cung cấp).
"Cách đây hơn 1 tháng, một bệnh viện ở TP Thủ Đức hết thuốc tê, không xử lý điều trị được cho bệnh nhân cũng đã chuyển sang bệnh viện chúng tôi. Hiện tại, khoa vẫn còn thuốc, nhưng sử dụng được đến lúc nào thì chưa biết" - nguồn tin chia sẻ.
Bác sĩ Huỳnh Lê Hải Trình, phụ trách chuyên môn một phòng khám nha khoa ở quận Tân Bình (TPHCM) chia sẻ, tình trạng khó khăn khi mua thuốc tê đã xảy ra vài tuần nay.
Theo đó, cơ sở này chủ yếu mua thuốc tê qua các nhà phân phối cấp 2. Nhưng gần đây khi liên hệ tất cả các đầu mối, kể cả qua công ty xuất nhập khẩu y tế lớn ở TPHCM cũng không có.
"Chúng tôi có trữ cơ số thuốc tê đủ sử dụng 3 tháng nếu không có nguồn bổ sung. Trong trường hợp hết thuốc thì buộc phải đổi loại khác, nhưng thực sự ngại thay đổi" - đại diện cơ sở nha khoa nói.