Trang Chủ > Sức khỏe > Bệnh nhi 15 tuổi được hồi sinh từ quả thận của người hiến chết não

Bệnh nhi 15 tuổi được hồi sinh từ quả thận của người hiến chết não

Báo tin tức
10/09/2022 06:41:39

Đó là trường hợp của bệnh nhi sinh năm 2007, trong một gia đình nghèo ngụ tại tỉnh Đồng Nai. Vào tháng 1/2020, khi thấy mặt bé bị phù, mẹ bé đã đưa con đến Bệnh viện Đồng Nai khám và được chẩn đoán suy thận mạn giai đoạn cuối. Sau đó, bệnh nhi đã được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 2 chạy thận nhân tạo để duy trì sự sống.

Bệnh nhi 15 tuổi được hồi sinh từ quả thận của người hiến chết não-1

Sức khỏe bệnh nhi đã hồi phục và có thể đi học trong thời gian tới. Ảnh: BVCC

Mẹ bệnh nhi cho biết, trung bình một tuần, chị phải đưa con từ Đồng Nai lên Bệnh viện Nhi đồng 2 chạy thận nhân tạo 3 lần vào các ngày thứ 3, 5 và 7. Do bị bệnh nên bé học hết học kỳ 1 lớp 7 đã phải nghỉ học.

Tiến sĩ Huỳnh Thị Vũ Quỳnh, Trưởng khoa Thận nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, ghép thận được xem là phương pháp làm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân tốt nhất. Tuy nhiên, do gia đình bệnh nhi khó khăn, neo người và không có người hiến từ người khỏe mạnh nên từ tháng 10/2020 bệnh nhi được đăng ký vào danh sách chờ ghép thận từ người hiến chết não.

Vào lúc 15 giờ ngày 20/8/2022, Trung tâm điều phối ghép tạng Bệnh viện Chợ Rẫy có bệnh nhân chết não và hiến thận cho Bệnh viện Nhi đồng 2. Hệ thống báo động đỏ liên viện được kích hoạt, chỉ sau một ngày bệnh nhi đã hoàn thành các xét nghiệm lâm sàng phù hợp để tiến hành ghép thận.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Trịnh Hữu Tùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, khác với những trường hợp trước kia là ghép từ người cho sống, còn trường hợp này từ người hiến chết não. Với các ca ghép từ người sống, kíp mổ có bức tranh rõ ràng hơn qua thăm khám để nhận diện các hình ảnh mạch máu, phục vụ kiểm soát khi lấy và ghép. Còn với người hiến trong trường hợp này, kíp mổ không thể biết trước để phác họa rõ ràng.

“Quá trình hiến, lấy, ghép và điều trị sau ghép rất phức tạp, có mối quan hệ chặt chẽ giữa các lĩnh vực khoa học, y học, đạo đức trong y học và các vấn đề xã hội học. Phòng Công tác xã hội của bệnh viện đã tích cực vận động quỹ, hỗ trợ chi phí cho ca mổ”, bác sĩ Trịnh Hữu Tùng nói.

Sau hơn 3 giờ thực hiện thủ thuật, bệnh nhi đã được ghép tạng thành công. Hiện sức khoẻ đã ổn định và tiếp tục được theo dõi để tránh tình trạng chống thải ghép.

“Trước đây, bố của bệnh nhi có dự định cho thận, nhưng vì tuổi cao và hiện là lao động duy nhất trong gia đình, với thu nhập khiêm tốn từ nghề làm bảo vệ nên không thể hiến thận cho bé. Vì vậy, ca ghép này mang tính chất nhân văn lớn vì bệnh nhi được nhận từ người hiến chết não, góp phần tái sinh cuộc sống mới cho bé”, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 chia sẻ.

Theo Bệnh viện Nhi đồng 2, do dân số tăng, mô hình bệnh tật thay đổi, tỷ lệ bệnh nhân suy thận mạn gia tăng. Trong đó, tỷ lệ trẻ em bị bệnh thận giai đoạn cuối cần thay thế thận cũng gia tăng. Ghép thận được xem là phương pháp làm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân tốt hơn, tuy nhiên việc ghép thận lại bị giới hạn bởi nguồn tạng và nguồn hiến tạng.