Tại hội nghị khoa học Xu hướng mới trong điều trị bệnh tim mạch năm 2022 do Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tổ chức, TS.BS. Cao Đằng Khang, Trưởng khoa Phẫu thuật tim trẻ em của bệnh viện cho biết, gần đây bệnh viện tiếp nhận điều trị cho bệnh nhi tên L.Đ.D.M. (4 tuổi, ngụ TPHCM), nhập viện trong tình trạng suy tim nặng.
Thực hiện siêu âm tim, các xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ xác định bệnh nhi có lỗ thủng bất thường ở vách ngăn giữa 2 tâm nhĩ của tim, làm rối loạn dòng chảy máu trong tim, từ đó gây biến chứng tăng áp phổi, suy tim, giãn tim bên phải.
Sau khi hội chẩn đa chuyên khoa, các bác sĩ xác định lỗ thông ở tim của bé không thể dùng dụng cụ can thiệp qua da để bít kín. Do đó, bệnh nhi được điều trị nội khoa để ổn định tình trạng tăng áp phổi và suy tim, sau đó tiến hành phẫu thuật nội soi để vá lỗ thông bên trong tim.
Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhi hồi phục nhanh chóng, được xuất viện sớm với kết quả rất tốt.
Một ca phẫu thuật tim tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).
TS.BS. Khang chia sẻ, hiện nay trong lĩnh vực phẫu thuật tim bẩm sinh, nhiều trung tâm tim mạch trong và ngoài nước đã báo cáo các tiến bộ mới, như phẫu thuật tim bẩm sinh ít xâm lấn, phẫu thuật tim bẩm sinh bằng robot, sửa van động mạch chủ bẩm sinh bằng cách tạo hình toàn bộ các lá van, ứng dụng ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo) để hỗ trợ tuần hoàn điều trị các bệnh lý sơ sinh phức tạp…
Bên cạnh đó, lĩnh vực gây mê hồi sức tim mạch cũng có nhiều tiến bộ, như áp dụng khí NO thường quy sau mổ để hỗ trợ vấn đề tăng áp phổi, áp dụng quy trình hồi phục nhanh sau phẫu thuật (ERAS)…
Tất cả các tiến bộ này đã và đang góp phần nâng cao tăng tỷ lệ thành công, giảm tác động có hại của phẫu thuật, rút ngắn thời gian nằm viện…
Theo bác sĩ Khang, đa số các bệnh tim bẩm sinh, đặc biệt là bệnh lý phức tạp thường phải điều trị nhiều lần, sau phẫu thuật vẫn phải theo dõi suốt đời. Do đó, bệnh nhân cần được thăm khám định kỳ tại các Trung tâm Tim mạch chuyên sâu.
Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho người bệnh tim (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).
Theo tỷ lệ chung, cứ 1.000 trẻ sẽ có khoảng 8 trẻ mắc tim bẩm sinh. Tại Việt Nam, ước tính số trẻ sinh ra mắc bệnh tim bẩm sinh là khoảng 10.000-15.000 trường hợp mỗi năm.
Bác sĩ Khang cho biết, với sự phát triển của siêu âm tim thai và các chương trình sàng lọc bệnh tim bẩm sinh sớm, việc phát hiện bệnh tim bẩm sinh sẽ ngày càng nhiều. Do đó, việc cập nhật các chẩn đoán và điều trị tim bẩm sinh có ý nghĩa lớn trong việc nâng cao hiệu quả điều trị và chất lượng cuộc sống cho trẻ em Việt Nam.
TS.BS. Bùi Thế Dũng, Trưởng khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, suy tim là hội chứng đặc trưng bởi các triệu chứng điển hình như khó thở, mệt mỏi, phù chân… do tim không đủ khả năng bơm để cung cấp máu đảm bảo cho các nhu cầu hoạt động của cơ thể.
Đây là căn bệnh mạn tính nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều biến chứng cóthể đe dọa tính mạng như phù phổi cấp, tổn thương đa cơ quan
(gan, thận...), đột quỵ, nhồi máu cơ tim hoặc đột tử.
Ở Việt Nam, ước tính có khoảng 1,6 triệu người bị suy tim. Số người bệnh nhập viện do suy tim khoảng 4.000 trường hợp mỗi năm. Suy tim là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tái nhập viện cao.