Theo Bác sĩ Chuyên khoa II Ngô Đồng Dũng, Trung tâm Tiết niệu thận học (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM), bệnh thận mạn là một trong những yếu tố nguy cơ chính phát triển bệnh mạch vành. Ước tính, 17- 48% bệnh nhân mạch vành có tình trạng suy giảm chức năng thận. Đồng thời, bệnh nhân suy thận mạn có tỷ lệ xơ vữa động mạch tăng cao và có xu hướng mắc bệnh mạch vành nặng hơn. Ở người lớn tuổi, khoảng 50% bệnh nhân bệnh thận mạn có kèm theo suy tim.
Nguy cơ tử vong do bệnh mạch vành ở người bệnh thận mạn cao đáng kể, nhất là với bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối. Bên cạnh đó, bệnh thận mạn thường liên quan đến tiểu đường và tăng huyết áp. Cả 3 tình trạng này đều bất lợi cho những người từng được can thiệp mạch vành.
Sự liên quan giữa bệnh thận mạn và bệnh mạch vành đã được đánh giá nhiều trong các nghiên cứu trước đây, nhưng cơ chế chính xác vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên,các nhà khoa học đều đồng ý rằng, tình trạng tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa đường, mỡ là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành.
Bác sĩ Đồng Dũng kiểm tra sức khỏe người bệnh đang lọc máu. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Tiểu đường và rối loạn lipid máu là nguyên nhân khiến cho động mạch dễ hình thành các mảng xơ vữa, lâu dần dẫn đến tắc nghẽn. Ngoài ra, bệnh thận mạn cũng tác động lên hệ mạch vành qua hai cơ chế là xơ vữa và xơ cứng (dày và vôi hóa lớp áo giữa động mạch). Khi chức năng thận suy giảm, nồng độ các protein đa chức năng tăng, khả năng tổng hợp oxit nitric giảm khiến máu khó lưu thông, dẫn đến viêm mạn tính và xơ vữa động mạch. Bệnh thận mạn cũng làm cho tình trạng tăng huyết áp ở người bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, do cân bằng nội mô mạch máu bị thay đổi và hoạt hóa hệ thống nội tiết tố đảm nhận nhiệm vụ điều hòa huyết áp. Tương tự, các mạch ngoại vi cũng bị xơ cứng khiến cho tuần hoàn máu tim bị rối loạn.
Bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối phải lọc máu hoặc thẩm phân phúc mạc dễ bị mắc bệnh mạch vành hơn do quá trình vôi hóa động mạch diễn ra nhanh. Đồng thời với bệnh mạch vành, người bệnh thận mạn cũng có nguy cơ phải đối diện với các bệnh lý van tim, cơ tim nhiều hơn do các rối loạn chức năng tâm thu hoặc tâm trương của tim.
Xơ vữa động mạch ở người thận mạn được thúc đẩy và biểu hiện bằng sự gia tăng kích thước mảng xơ vữa, vôi hóa, tình trạng viêm và dày lớp áo giữa động mạch. Điều này rất khác biệt với mảng xơ vữa ở các bệnh nhân không bị suy thận. Những thay đổi này có thể làm cho đặc điểm tổn thương mạch vành ở bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối càng nặng hơn. Các tổn thương này thường dài, vôi hóa nặng với mạch máu xoắn vặn và gập góc khiến cho việc can thiệp rất khó khăn. Đồng thời, stent thường khó áp sát thành mạch máu sau khi đặt, dẫn đến gia tăng tỉ lệ tái hẹp trong stent sau can thiệp.
Về biểu hiện bệnh mạch vành ở người bệnh thận mạn, bác sĩ Đồng Dũng nhắc nhở người bệnh cần chú ý các cơn đau thắt ngực hay những biểu hiện tương tự, vì các triệu chứng thường không rõ ràng. Đặc biệt thận trọng với những người có các yếu tố nguy cơ tim mạch cao như từ 50 tuổi trở lên, tăng cholesterol máu, tiền sử có bệnh tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp, xơ cứng mạch máu ngoại vi hoặc gia đình có người bị nhồi máu cơ tim sớm.
Người suy thận mạn dễ mắc bệnh tim mạch do các mạch máu tắc nghẽn. Ảnh: Shutterstock
Việc điều trị bệnh mạch vành ở người bệnh thận mạn tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Thông thường, các bác sĩ sẽ điều trị bằng thuốc và thay đổi các yếu tố nguy cơ để tránh bệnh tiến triển. Nếu bệnh không chuyển biến tích cực, bác sĩ có thể cân nhắc can thiệp bằng phẫu thuật như ghép bắc cầu mạch vành cho bệnh nhân xơ vữa.
Bệnh thận mạn và bệnh mạch vành có mối liên quan chặt chẽ và tác động qua lại lẫn nhau, đặc biệt có các triệu chứng xen kẽ giữa hai nhóm bệnh này. Vì thế, cần tầm soát qua lại giữa hai nhóm bệnh, gồm đánh giá bệnh mạch vành trên bệnh nhân mắc bệnh thận mạn cũng như kiểm tra chức năng thận và các vấn đề liên quan đến thận ở bệnh nhân tim mạch. Từ đó, bác sĩ sẽ có một chiến lược điều trị tối ưu.
Bác sĩ Ngô Đồng Dũng cho biết, để dự phòng nguy cơ phát triển bệnh mạch vành ở người bệnh thận mạn, người bệnh nên tuân thủ việc điều trị bệnh thận. Đồng thời kiểm soát các yếu tố nguy cơ tim mạch như tăng huyết áp, tiểu đường, tăng mỡ máu, béo phì bằng lối sống khoa học, chế độ dinh dưỡng lành mạnh, vận động hợp lý. Không tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để tránh biến chứng.
Hân Thái