Hiện chưa có thuốc đặc hiệu, vaccine cho bệnh đậu mùa khỉ. Nguồn ảnh: Shutertock
Ban bố tình trạng khẩn cấp
Bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1958 trên các đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu, do đó có tên là “bệnh đậu mùa khỉ”. Ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở người được ghi nhận vào năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Congo và sau đó trở thành bệnh lưu hành ở khu vực Trung và Tây Phi.
Từ 1/1/2022 đến ngày 23/7/2022, WHO đã ghi nhận hơn 16.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có 5 trường hợp tử vong tại 75 quốc gia ở tất cả 6 khu vực của WHO.
Ngày 23/7/2022, Tổng Giám đốc WHO công bố đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ hiện nay đáp ứng các tiêu chí đánh giá tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế (PHEIC) theo Điều lệ Y tế quốc tế do tốc độ lây lan nhanh, nguy cơ về sự lan rộng hơn nữa của dịch bệnh tới các quốc gia khác là rất rõ ràng; nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ là ở mức trung bình trên toàn cầu, riêng khu vực châu Âu là ở mức nguy cơ cao; còn nhiều thông tin về bệnh cần được nghiên cứu và tìm hiểu thêm, đặc biệt là về phương thức lây truyền của virus.
Đây là lần thứ hai trong hơn 2 năm qua WHO phải ban bố PHEIC. Lần đầu là với đại dịch Covid-19. PHEIC được WHO định nghĩa như một sự kiện bất thường, tạo thành mối nguy hại đến sức khỏe cộng đồng cho các quốc gia thông qua sự lây lan của một dịch bệnh quốc tế và yêu cầu các phản ứng phối hợp từ nhiều quốc gia.
Bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện ở nhiều nơi tại khu vực Trung và Tây Phi trong nhiều thập kỷ nhưng không có các ca bệnh lây lan ra bên ngoài châu Phi. Tuy nhiên, hồi tháng 5 vừa qua, các nhà chức trách báo cáo xuất hiện nhiều ca nhiễm ở châu Âu, Bắc Mỹ và những nơi khác. Ở châu Phi, bệnh đậu mùa khỉ chủ yếu lây lan sang người từ các động vật hoang dã bị nhiễm bệnh như loài gặm nhấm. Trong khi đó, ở châu Âu, Bắc Mỹ và các nơi khác, bệnh đậu mùa khỉ đang lây lan ở những người không có liên hệ với động vật hoặc không du lịch sang châu Phi trong thời gian gần đây.
Bộ Y tế họp trực tuyến bàn giải pháp phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ.
Nguy cơ xâm nhập cao
Tại cuộc họp khẩn về đánh giá tình hình dịch bệnh đậu mùa khỉ do Bộ Y tế vừa tổ chức, các chuyên gia thống nhất đánh giá, đến thời điểm hiện tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ có thể xâm nhập và gây bệnh ở nước ta là hoàn toàn có thể do bệnh dịch đã ghi nhận ở nhiều quốc gia, sự giao lưu đi lại thuận tiện và có xu hướng gia tăng giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, trong khu vực.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, bệnh đậu mùa khỉ khó lây, lây qua tiếp xúc trực tiếp qua giọt bắn lớn và không lây qua không khí. Tuy nhiên, hiện nay thế giới chưa có thuốc đặc hiệu, vaccine đặc biệt cho bệnh, nước ta cũng không còn dự trữ vaccine đậu mùa. Bởi vậy, dù chưa ghi nhận ca bệnh nhưng chúng ta cũng cần phải xây dựng kịch bản phản ứng với dịch cho các tình huống có ca bệnh, ca nhập cảnh, ca bệnh trong cộng đồng… khi có kịch bản, xử lý nhanh và sẵn sàng ứng phó.
Theo Sở Y tế TPHCM, đến thời điểm hiện nay, thành phố vẫn chưa phát hiện trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Nhiệm vụ cấp bách trong công tác phòng, chống dịch hiện nay là tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh tại các cửa khẩu và cơ sở y tế.
Cụ thể, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần tăng cường giám sát tại cửa khẩu, đặc biệt là khách đến từ các quốc gia đang có dịch, cần có tuyên truyền, có pano, thông tin, tờ rơi… Đồng thời, cần giám sát trong cộng đồng những trường hợp phát ban, nốt phỏng.
Hiện nay Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã soạn thảo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị. “Tuần tới, chúng tôi sẽ tiến hành tập huấn cho các cơ sở y tế. Đa số ca bệnh đều là những trường hợp nhẹ, một số trường hợp có biến chứng như nhiễm khuẩn huyết, biến chứng phổi, não. Chúng tôi phân ra tuyến xã, huyện điều trị ca nhẹ, tuyến tỉnh và tuyến cuối điều trị ca biến chứng” - TS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế thông tin.
Để chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ ở nước ta, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã chỉ đạo các Vụ, Cục, đơn vị phối hợp với WHO, CDC Hoa Kỳ và các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng kế hoạch đáp ứng với bệnh đậu mùa khỉ tại Việt Nam; các tỉnh, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch đáp ứng với bệnh đậu mùa khỉ tại địa phương.
Đồng thời củng cố năng lực xét nghiệm chẩn đoán, xác định tại các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur, các cơ sở y tế có năng lực. Tiếp tục phối hợp với WHO rà soát, cập nhật thông tin về tác nhân gây bệnh, chuẩn bị các trang thiết bị xét nghiệm, sinh phẩm phục vụ chẩn đoán bệnh tại các viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur.
Bà Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về giám sát và các biện pháp phòng, chống, truyền thông, phòng, chống lây nhiễm trong cơ sở y tế, chăm sóc điều trị bệnh nhân đậu mùa khỉ. Phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế, nông nghiệp và các bộ ngành liên quan trong việc quản lý buôn bán, sử dụng, phòng chống dịch từ động vật hoang dã, đặc biệt là nhóm động vật có nguy cơ cảm nhiễm cao.
Đồng thời đề xuất WHO, CDC Hoa Kỳ hỗ trợ một lượng vaccine nhất định để có thể tiêm cho nhóm nguy cơ cao, đặc biệt là trong trường hợp xuất hiện tại Việt Nam. Về thuốc kháng virus nếu có, Việt Nam cũng mong muốn nhận được hỗ trợ.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ ở nước ta, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau: Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.
Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục. Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.
Đảm bảo an toàn thực phẩm, thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I:
Triệu chứng dễ bị nhầm lẫn
Đậu mùa khỉ không phải bệnh hiếm, cũng không phải được phát hiện mới đây mà đã xuất hiện ở châu Phi từ lâu. Đồng thời, tình trạng người mắc bệnh cũng tự ổn định, không cần can thiệp nhiều.
Tuy nhiên, nhiều triệu chứng của virus có thể dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác, chẳng hạn như bệnh thủy đậu, mụn rộp hoặc giang mai, do đó việc người dân cần phải đến cơ sở y tế để xác nhận nhiễm bệnh là rất quan trọng. Nếu được chẩn đoán mắc bệnh đậu mùa khỉ, cần phải cách ly cho đến khi hết virus. Bệnh thường nhẹ và hầu hết sẽ khỏi trong khoảng từ 2-4 tuần.
Virus gây bệnh đậu mùa khỉ lây lan qua tiếp xúc cơ thể, giọt dịch bắn... đặc biệt là chỉ khi các ca bệnh bắt đầu khởi phát triệu chứng mới có khả năng lây lan. Do đó tính lây lan của bệnh không thể như các loại virus có khả năng phát tán trong không khí, khả năng bùng phát thành đại dịch là thấp.
Bác sĩ Đỗ Hồng Hiên - chuyên gia dịch tễ của WHO tại Việt Nam:
Cẩn trọng với những biến chứng của bệnh
Phần lớn các ca bệnh mắc đậu mùa khỉ tự hồi phục trong vòng vài tuần mặc dù biến chứng, hậu quả có thể xuất hiện ở vài bệnh nhân nếu không được quản lý tốt nốt phát ban trên da.
Thời gian ủ bệnh 6-13 ngày sau khi phơi nhiễm nhưng có thể kéo dài từ 3-21 ngày. Giai đoạn đầu tiên, từ 1-3 ngày, người bệnh có thể có triệu chứng sốt, đau đầu, đau lưng, đau cơ và mệt mỏi và có sưng nổi hạch.
Giai đoạn 2 (sau 1-3 ngày đầu tiên), người bệnh có biểu hiện của phát ban trên da. Phát ban đi theo trình tự khá phổ biến, đầu tiên là những phát ban lớn sau đó lan rộng, xuất hiện bọng nước, có thể có mủ. Sau đó, nốt phát ban này vỡ ra thành sẹo nên việc chăm sóc vết thương phát ban này rất quan trọng.
Về triệu chứng, 88% bệnh nhân có biểu hiện phát ban, 44% sốt, 33% phát ban ở sinh dục; 27% có sưng nổi hạch ngoại biên. Các triệu cứng không điển hình khác là ho, đau họng, nôn, đỏ mắt… Bệnh đậu mùa khỉ thường khỏi sau vài tuần tuy nhiên cũng có biến chứng. Biến chứng đậu mùa khỉ phần lớn từ các nốt phát ban, nếu để nhiễm trùng có thể dẫn đến hoại tử, ảnh hưởng đến hệ thống khác như phổi, gây ra viêm nhiễm, mất nước, thậm chí nhiễm trùng máu, viêm não.
Đ. Trân (ghi)