Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) vừa cứu sống một trường hợp trẻ được chuyển từ bệnh viện địa phương lên với chẩn đoán chấn thương khuỷu trái – tổn thương động mạch cánh tay trái – gãy kín đầu dưới xương cánh tay. Cụ thể, bệnh nhân là V. NG.K.H. (1,5 tháng tuổi, nữ, ngụ ở Bến Tre).
Khai thác bệnh sử cho thấy, 4 giờ trước khi nhập viện, bé H. đang nằm võng thì bị máy may đổ đè trúng cánh tay trái. Ngay lúc đó người nhà đã phát hiện và đưa trẻ tới bệnh viện địa phương sơ cứu và chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM).
Được biết mẹ bệnh nhi H. là thợ may, mẹ bé đã mắc võng một đầu vào đinh đóng tường và một đầu vào máy may vì nghĩ bé nhẹ cân không ảnh hưởng gì. Trong khi người mẹ xuống nhà lấy nước pha sữa cho bé thì hai người chị ruột 4 tuổi, 6 tuổi chồm lên hôn bé làm máy may nghiêng nghiêng sắp đổ, hai bé liền bỏ em chạy ra xa. Máy may tiếp tục đổ đè vào tay bé H..
BSCK2. Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết: "Bé H. nhập viện trong tình trạng môi tím tái, lừ đừ, da lạnh, mạch quay tay trái khó bắt, SpO2 khó đo. Cánh tay trái biến dạng, hạn chế cử động, vết bầm lớn từ vùng khuỷu lan xuống cẳng tay trái, các ngón gần như không cử động. Siêu âm mạch máu tay trái cho thấy, mạch máu vùng cẳng tay và khuỷu trái không ghi nhận tín hiệu động mạch , ghi nhận tụ máu nhiều ở vùng trong của khuỷu trái".
Cẳng tay trái tưởng chừng bị cắt bỏ đã được thông mạch máu, giải áp chèn ép khoang, phối hộp thuốc kháng đông, ghép da đã phục hồi (Ảnh: BVCC)
Ngay sau đó bé đã được thở oxy, truyền dịch, truyền máu, hội chẩn chuyên khoa chỉnh hình quyết định mổ cấp cứu. Trước ca mổ, các ngón tím, mạch quay bắt không được. Bé đã được rạch da, nắn ổ gãy, bóc mạch máu khỏi khe gãy, kết hợp xương gãy 2 lồi cầu.
Thám sát giải phóng thấy bị dập động mạch cánh tay tới chỗ chia ở khuỷu, bóc tách loại bỏ khối máu tụ vùng khuỷu cẳng tay. Sau đó, đầu ngón tay bé có dấu hiệu hồng trở lại, CRT < 2 giây, H. đã được khâu da thưa, nẹp bột.
Sau ca phẫu thuật bé H. được chuyển sang khoa Hồi sức Ngoại để điều trị. Trẻ nằm yên, an thần, sinh hiệu tạm ổn. Theo dõi sau mổ 6 giờ xuất hiện tím tái vùng khuỷu tay trái đến cẳng bàn tay trái, không bắt được mạch quay trái, đầu chi mát, SpO2 không đo được, cử động ngón kém, siêu âm động mạch cánh tay trái đoạn 1/2 dưới và 2 động mạch cẳng tay trái không có tín hiệu Doppler .
Ngay sau đó đội ngũ bác sĩ thông mạch máu đã tiến hành chụp mạch máu, ghi nhận động mạch nách bị tắc hoàn toàn tại vị trí chấn thương, nên đã lái Guirewire qua chỗ hẹp và thông hoàn toàn động mạch nách. Đồng thời bác sĩ đã lái qua chỗ hẹp xuống nong động mạch bàn tay và chụp kiểm tra sau nong thấy mạch máu tái thông tốt đến ngón tay, mạch mu tay bắt rõ và tay hồng hào, SPO2 bắt rõ 98%.
Trẻ được tiếp tục điều trị tại khoa Hồi sức Ngoại trong tình trạng phải thở máy. Tuy nhiên, 2 ngày sau trẻ có biểu hiện sưng nề cẳng bàn tay trái, mạch quay bắt yếu, trẻ quấy khóc khi sờ khám, tưới máu da kém, gợi ý hội chứng chèn ép khoang cẳng bàn tay nên được các bác sĩ chỉnh hình rạch giải áp.
Kết quả sau hơn 2 tuần điều trị, tình trạng trẻ cải thiện dần, cẳng bàn tay trái bớt sưng nề, tưới máu tốt, da hồng hào, bú tốt, mạch quay rõ và đã được cai máy thở.
Trường hợp của bé H. không phải là trường hợp tai nạn do giăng võng vào máy may đầu tiên được ghi nhận trong thời gian qua. Ngày 7/6 Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cũng đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi 40 ngày tuổi bị gãy tay, dập động mạch do mẹ bất cẩn mắc võng vào máy may cho bé ngủ.
Các bác sĩ khuyên rằng, phụ huynh nên cẩn trọng khi cho trẻ sử dụng võng, đã có rất nhiều tai nạn xảy ra. Những trường hợp tai nạn khi dùng võng có thể gây ra các tổn thương nghiêm trọng. Một số trường hợp nặng có thể tử vong. Phụ huynh không được chủ quan, mọi hành động liên quan tới trẻ đều phải cân nhắc cẩn thận vật dụng xung quanh nơi trẻ nằm, chơi đùa, để đảm bảo an toàn cho bé, không để trẻ gặp tai nạn tương tự.
Nằm võng ngủ trưa, bé trai gặp tai nạn bất ngờ, nguy cơ cắt bỏ tay
SKĐS - Mẹ giăng võng cho con ngủ không may xảy ra tai nạn ngoài ý muốn khiến bé gãy cẳng tay, dập động mạch cánh tay có nguy cơ đoạn chi do vết thương quá phức tạp.