Cây chè còn có tác dụng chữa bệnh và làm đẹp. Ảnh: Từ Ân
Thức uống lâu đời
Cây chè còn gọi là trà, tên khoa học Camellia sinensis O.Ktze, thuộc họ Chè - Theaceae; là một thức uống phổ biến không chỉ với người Việt.
Theo bác sĩ Lê Thân, Bệnh viên Y học cổ truyền Quảng Nam, tác giả sách "Thuốc ở quanh ta", chè được chọn lọc, chế biến để rồi thành thứ thức uống giải khát bất hủ, có lịch sử lâu đời nhất, đã mang lại lợi ích cho sức khoẻ con người nhiều nhất so với nhiều loại thức uống hiện nay.
Đầu tiên, uống chè chống được cảm lạnh, khắc phục được sự mệt mỏi của cơ bắp và hệ thần kinh trung ương, kích thích vỏ đại não làm cho tinh thần minh mẫn sảng khoái, hưng phấn do chất cafein, trong những lúc căng thẳng.
Chè có tác dụng hạn chế sự giãn nở của mạch máu, hạn chế sự tạo thành các lớp mỡ bị oxy hoá và giảm sự kết tụ của các tiểu cầu. Ngăn chặn chứng vữa xơ động mạch, hạn chế sự viêm nhiễm. Cải thiện lưu thông máu và có thể giảm áp lực lên động mạch. Giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ.
Nếu hàng ngày thường xuyên uống nước chè, thì sau 1 thời gian lượng cholesterol và lipit trong máu sẽ giảm. Trà xanh chính là chất “xúc tác” tạo điều kiện thuận lợi giúp tăng tỷ lệ trao đổi chất, đồng nghĩa với việc đốt cháy lượng mỡ dư thừa. Cho nên, nếu muốn giảm cân, đơn giản hãy uống trà xanh mỗi ngày cũng có thể đem lại hiệu quả.
Một nghiên cứu đã được các nhà khoa học Mỹ tiến hành, so sánh giữa người uống 10 chén trà/ngày hoặc hơn sẽ có bộ xương chắc khoẻ hơn những người không uống trà, ngay cả khi họ đã cao tuổi, tăng cân hay nghiện thuốc lá.
Chè có tác dụng làm cho răng trở nên chắc khoẻ là nhờ trong trà giàu chất flo (0,3mg trong 1 tách trà), chất polyphenol và tanin có trong trà, giúp men răng trở nên chắc khoẻ hơn và có khả năng chịu đựng tốt hơn với acid và vì thế giảm tối đa nguy cơ bị sâu răng.
Ngoài tác dụng đối với sức khoẻ, chè còn có nhiều tác dụng khác trong việc làm đẹp nhờ các vitamin có trong trà như A, C, E và flavonoit. Đặc biệt, đắp mặt nạ bằng trà sẽ giúp da trở nên tươi sáng hơn.
Những bài thuốc chữa bệnh từ chè
- Lỵ trực khuẩn: chè 50g, cam thảo 5g; đổ nước vào cho ngập, nấu sôi khoảng 30 phút, lọc lấy nước; bã còn lại thêm nước cho xâm xấp, nấu sôi khoảng 30 phút nữa, lọc lấy nước; hợp cả 2 nước lại, cô đặc còn khoảng 50ml; ngày uống 4 lần, một lần 5 - 10ml, mỗi đợt 3 - 5 ngày.
- Cảm mạo: lá chè 3g, muối ăn 1g; hãm với nước sôi uống 4 - 6 lần trong ngày; thích hợp với người bị cảm sốt, ho có đờm vàng, đau họng.
- Cảm sợ lạnh, ho có đờm trắng: lá chè 3g, gừng 3 lát; hãm với nước sôi uống.
- Đau đầu do phong nhiệt có mặt đỏ, mắt đỏ, miệng khát, nước tiểu vàng: lá chè 6g, hoa cúc 10g; hãm với nước sôi, ngày uống 2 - 3 lần.
- Béo phì: lá chè 3g, hạt muồng 10g; hãm nước sôi uống.
- Ong đốt: lấy 1 ít bã chè đã hãm 1 lần, xát vào chỗ bị ong đốt. Lá chè giã, đắp vào chỗ đau.
- Da bị cháy nắng: dùng nước chè lạnh rửa lên chỗ da bị cháy nắng. Nếu cháy nắng nhiều, có thể cho nước chè đặc vào tắm, ngâm chỗ da bị cháy nắng vào nước đó, mấy phút sau thì lau khô rồi bôi giấm vào.
- Xoá đi vẻ mệt mỏi của đôi mắt: dùng 2 miếng gạc có tẩm chè và đặt lên mi mắt trong vòng 15 phút.
- Vào mùa hè, để chống lại những tác động có hại của ánh nắng mặt trời gây sạm da, hỏng da, trước khi ra nắng: pha một ấm trà rồi dùng gạc tẩm nước trà thoa đều lên phần da hở trên cơ thể như mặt, cổ, cánh tay để trần; nước trà có tác dụng chống lại tia tử ngoại tác động lên da rất tốt.