Một báo cáo của UNICEF đã chỉ ra tỷ lệ cứ 1/7 trẻ vị thành niên (từ 10-19 tuổi) bị chẩn đoán mắc rối loạn tâm thần. Những biểu hiện bao gồm lo âu, rối loạn cư xử, trầm cảm... có thể dẫn đến tổn hại về sức khỏe, cuộc sống và năng lực tạo ra thu nhập sau này.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục - Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, các nguyên nhân góp phần gây ra áp lực tâm lý cho trẻ có thể đến từ kỳ vọng của cha mẹ hay từ chính bản thân con; tương lai bất định, mơ hồ do những bất ổn trong xã hội; kinh nghiệm và trải nghiệm ít nên khả năng vượt khó thấp; sự thay đổi tâm sinh lý dưới ảnh hưởng của nội tiết tố trong giai đoạn dậy thì...
PGS.TS Trần Thành Nam giải thích về những nhân tố có thể gây áp lực tâm lý cho trẻ.
Đây là một trong những nội dung được chia sẻ tại buổi trò chuyện "Giải tỏa áp lực tuổi vị thành niên" của Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV). Tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần và định hướng đồng hành cùng con trẻ vượt qua những áp lực tâm lý cũng là những vấn đề được thảo luận cùng phụ huynh trong sự kiện.
"Sa sút sức khỏe tinh thần dẫn đến hậu quả thật, làm mất khả năng học tập, mất khả năng tham gia các hoạt động trong xã hội như bình thường và nguy cơ lớn nhất là tự gây tổn thương thân thể, thậm chí là hủy hoại bản thân. Đằng sau hành vi tự làm đau mang ý nghĩa là em có rất nhiều những cảm xúc tiêu cực, những tổn thương mà không thể chia sẻ với ai được, không thể giải tỏa nên dùng nỗi đau cơ thể để làm dịu bớt hoặc giảm sự tập trung vào nỗi đau tinh thần", chuyên gia Trần Thành Nam lý giải.
Do đó, phụ huynh cần tìm hiểu cách giao tiếp phù hợp và thấu cảm với con. Đây là một trong những chìa khóa giúp giảm thiểu áp lực tâm lý, đồng thời giúp phát hiện sớm những nguy cơ về sức khỏe tâm thần ở con trẻ.
Phụ huynh chia sẻ quan điểm và đặt câu hỏi cho chuyên gia.
Với nhiều học sinh, sự lắng nghe từ cha mẹ chính là lời động viên giúp con cảm thấy mình được đón nhận và tôn trọng. "Cánh cửa tâm trí" của con cũng rộng mở đón nhận cha mẹ hơn. Phụ huynh có thể nắm được chuyện xảy ra với con, hiểu về quan điểm và góc nhìn của con. Nhưng trước hết, cha mẹ cần lắng nghe với một tâm trí thoải mái, cởi mở và không định kiến.
PGS.TS Trần Thành Nam lưu ý rằng trong cuộc trò chuyện cùng con, tỷ lệ của cha mẹ nói so với con nên là 20% - 80% để nhằm tái kích hoạt giao tiếp giữa hai bên. Hãy để con là người dẫn dắt câu chuyện. Khi lắng nghe, để hoàn toàn chăm chú vào con, cha mẹ nên tạm gác việc sử dụng điện thoại, máy tính; tránh đặt ra nhiều câu hỏi hoặc đưa ra những nhận xét mang tính chỉ trích hay giáo dục.
"Cha mẹ nên biết rằng nhiều khi các con chia sẻ quan trọng không đơn thuần chỉ là kể tình tiết, câu chuyện hay tìm kiếm lời khuyên mà quan trọng hơn, con sẽ cần cha mẹ ghi nhận và hiểu được cảm xúc của con đằng sau câu chuyện đó".
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục - Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội với hơn 15 năm kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu trong lĩnh vực tâm lý học.
Tuy nhiên, tùy theo tính cách, không phải trẻ nào cũng thích trò chuyện hay sẵn sàng chia sẻ mọi suy nghĩ, tình cảm. Khi đó, phụ huynh cần chủ động quan tâm, không nên có những trao đổi mang tính gượng ép mà nên cân nhắc thái độ và cảm xúc của con trước khi tiếp cận.
Một trong những lời khuyên mà chuyên gia đưa ra là hãy thể hiện luôn sẵn sàng dành thời gian cho con. Phụ huynh có thể chủ động gợi ý con hãy nhắn cho cha mẹ khi gặp vấn đề hoặc gặp khó khăn và cảm thấy không thể đương đầu được nữa; hay đơn giản nhất, hãy nói với con rằng "con là điều quý giá của bố mẹ".
"Đó có thể là những lời "cứu mạng" con khi đứa trẻ bị rơi vào hố sâu của cảm xúc.", chuyên gia Trần Thành Nam nhấn mạnh.
Chăm sóc sức khỏe tâm lý cho trẻ vị thành niên đòi hỏi nỗ lực quan tâm và góp sức từ phụ huynh, nhà trường và chính các con. Cùng với sự nâng cao nhận thức của xã hội, nhiều trường THPT, Đại học đã triển khai các chương trình chăm sóc sức khỏe tâm lý cho học sinh, sinh viên. Cha mẹ và nhà trường đều có trách nhiệm xây dựng môi trường giảm thiểu áp lực tâm lý cho học sinh, khuyến khích nhận thức đúng về sức khỏe tinh thần và tìm kiếm hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý khi cần thiết.