(HNM) - Mới đây, các cơ quan chức năng đã kiểm tra và phát hiện rất nhiều chất ma túy được hòa tan một cách tinh vi vào các loại thuốc lá điện tử, "cỏ Mỹ", đặc biệt là thực phẩm như bánh kẹo bông lan, chocolate, trà sữa… trước khi bán ra thị trường, gây ảo giác cho người dùng. Mặc dù lực lượng chức năng đã nhiều lần cảnh báo nhưng theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, thị trường mua - bán các chất ma túy trá hình này vẫn khá sôi động trên mạng internet.
Chăm sóc bệnh nhân ngộ độc ma túy tại Khoa Điều trị tích cực nội khoa (Bệnh viện Nhi trung ương).
“Chợ mạng” luôn sôi động
Tìm hiểu về tình trạng mua bán, sử dụng sản phẩm, thực phẩm là các loại kẹo hoa quả gây cảm giác hưng phấn, có chứa chất gây nghiện, phóng viên gõ thử cụm từ “Chocola Chill Max”; “Chocola bay”; “Kẹo bay”; “cỏ Mỹ”… trên trang tìm kiếm Google thì lập tức ra hàng chục tài khoản rao bán với quảng cáo hấp dẫn giới trẻ. Cụ thể, tài khoản Lãnh Hàn Tuyết có số điện thoại 07836710xxx thường xuyên quảng cáo nội dung: “Ngày không phê ngày dài lê thê”; “Socola Chill Max - Đồ chơi giới trẻ”; “Socola Chill Max chỉ cần có nhạc là lên, không chất cấm, test không lên”… Giá một hộp 2 viên Chocola Chill Max dao động từ 250.000 đến 320.000 đồng, 4-6 người sử dụng chung.
Từ dòng trạng thái quảng cáo trên tài khoản Facebook có tên “Chí Trung”, phóng viên Báo Hànộimới đã nhắn tin riêng ngỏ lời mua các sản phẩm “cỏ Mỹ” xanh và tobaco (một dạng thuốc lá sợi được chế biến từ nguyên liệu lá cây thuốc lá có chứa chất kích thích và gây nghiện), người bán hàng cho biết, giá của “cỏ Mỹ” xanh từ 800.000 đến 900.000 đồng/lạng, còn kẹo Socola Chill Max cũng luôn sẵn hàng và chuyển hàng (ship) toàn quốc. Không những giải đáp về giá cả, nguồn gốc sản phẩm, người bán cũng tiết lộ phương thức giao hàng. Cụ thể là, sẽ chuyển hàng qua hình thức giao hàng tiết kiệm, với tên sản phẩm ghi ở ngoài là “Bảo Long sinh lý nam” hoặc “Sâm bổ gan”, do đó không sợ bị lộ.
Tương tự, các trang mạng xã hội, các hội nhóm “Cộng đồng phê”; “Chocola Chill Max”… cũng công khai giới thiệu các sản phẩm, thực phẩm bánh kẹo gây ảo giác cho người dùng. Như tài khoản tên “Thanh Tùng” thường xuyên cập nhật các loại kẹo 7 màu, 21 vị hoa quả như kẹo dưa hấu, nho lạnh, xoài lạnh… và thông báo ship 24/24 giờ toàn quốc.
Chia sẻ về sự sôi động mua bán này, một học sinh lớp 12 tên Đỗ Văn V. (quận Cầu Giấy) - có thâm niên 2 năm sử dụng các loại thuốc lá điện tử, "cỏ Mỹ" và thực phẩm chứa ma túy cho biết, trong điện thoại của mình luôn có khoảng 5 số điện thoại người bán hàng. V. chỉ cần nhắn tin thì 1-2 ngày sau sản phẩm sẽ được chuyển đến tận nhà.
Cũng theo V., trên một số diễn đàn, hội nhóm, nhiều đối tượng đã mở diễn đàn chia sẻ trải nghiệm khi dùng các chất hướng thần để cổ vũ, lôi kéo người mua bán các loại ma túy dạng mới. Càng ngày, số lượng học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên sử dụng ngày càng nhiều hơn.
Tăng cường các biện pháp phòng ngừa
Việc sử dụng các chất hướng thần sẽ tạo sự phấn khích nhất thời, nhưng để lại hậu quả lâu dài. Cuối tháng 5 vừa qua, 5 thanh niên ở Hà Nội được đưa vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 trong tình trạng lơ mơ, khó thở và bất tỉnh sau khi ăn kẹo Chocola Chill Max. Sau khi giám định, Công an thành phố Hà Nội phát hiện có chất ADB-BUTINACA gây ảo giác tương tự các chất ma túy thuộc nhóm cần sa tổng hợp. Tuy nhiên, theo Công an thành phố Hà Nội, chất ADB-BUTINACA không có trong danh mục các chất ma túy theo Nghị định số 73/2018/NĐ-CP ngày 15-5-2018 và Nghị định số 60/2020/NĐ-CP ngày 29-5-2020 của Chính phủ quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất.
Về vấn đề này, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm Giám định ma túy, Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an), từ nhiều năm nay, thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi, thường xuyên đưa các hoạt chất gây nghiện mới không thuộc danh mục chất ma túy. Do đó, Viện Khoa học hình sự đã báo cáo lãnh đạo Bộ Công an và các cơ quan chức năng để bổ sung 9 chất mà Việt Nam phát hiện có tính chất gây nghiện và 8 chất mà quốc tế đã nghiên cứu và xác định có khả năng gây nghiện vào danh mục chất cấm để quản lý.
Ở cấp độ thành phố, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy, ngày 31-5 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 150/KH-UBND về phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022. Theo đó, UBND thành phố đã giao Công an thành phố và các đơn vị liên quan chủ động nắm bắt tình hình, thực hiện công tác điều tra cơ bản lĩnh vực kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy. Tổ chức điều tra, xác minh, có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến ma túy…
Với tình hình phức tạp nêu trên, cùng thực trạng mua bán tràn lan và dễ dãi trên môi trường mạng, rất cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cơ quan chức năng để có giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn sự xâm nhập của các loại ma túy dạng mới vào đời sống.