Trang Chủ > Sức khỏe > Báo động “làn sóng” bác sĩ bỏ bệnh viện công

Báo động “làn sóng” bác sĩ bỏ bệnh viện công

Viettimes
04/07/2022 04:53:18

Theo số liệu mới nhất, trong gần 2 năm qua, đã có khoảng 3.000 nhân viên y tế ở bệnh viện công (BV công) bỏ việc, chủ yếu là các bác sĩ có tay nghề.

Đáng quan ngại khi xu hướng nghỉ việc này đang tiếp tục gia tăng.

Tại Hà Nội, thống kê cho thấy, đã có gần 900 nhân viên y tế xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác. Cập nhật 4 tháng đầu năm nay, các bệnh viện (BV) ở Hà Nội có 226 nhân viên y tế nghỉ việc, 17 người khác xin chuyển công tác.

Riêng ở BV Bạch Mai, trong ít tháng đầu năm 2021, đã có hơn 220 nhân viên y tế, trong đó, hơn 100 nhân lực trình độ cao rời đi.

Đây là sự “lạ” khi ở phía Bắc, chuyện “nhảy việc” ở ngành này vốn ít xảy ra.

Còn ở TP HCM, mới đây, ông Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP HCM - cho biết, năm 2021 có hơn 1.000 nhân viên y tế nghỉ việc . Còn đến năm nay, chỉ trong quý 1, con số xin nghỉ đã là gần 400 trường hợp.

Khoảng 1.500 nhân viên y tế bỏ việc trong và sau dịch COVID-19 khiến các BV của TP.HCM gặp nhiều khó khăn. Tình hình phức tạp hơn khi dịch sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh. Dịch nối dịch.

BV Đa khoa Thống Nhất là một trong những bệnh viện có nhiều bác sĩ nghỉ việc. 5 năm qua, BV này đã có khoảng 300 bác sĩ có tay nghề cao rời đi, trong đó, nhiều bác sĩ có kinh nghiệm, có thâm niên từ 10-15 năm, được bệnh viện cử đi đào tạo về chuyên khoa.

Báo động “làn sóng” bác sĩ bỏ bệnh viện công-1

Các nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch

Trong một cuộc họp của ngành y tế vào năm trước, Sở Y tế Đà Nẵng cũng cho biết đã có gần 50 cán bộ y tế bỏ việc ở BV công.

Tại Đồng Nai 6 tháng đầu năm 2022 cũng có 230 nhân viên y tế rời bỏ các BV công, cao hơn nhiều hơn so với các năm trước.

Từ 2021 đến giữa năm 2022, Gia Lai cũng có khoảng 150 nhân viên y tế nghỉ việc.

Đây là hiện tượng rất khác với trước đây, khi các bác sĩ ra trường đều mong muốn vào các BV công làm việc, thì nay, nhiều người đang làm ở BV công lại rời đi. Hiện tượng này, đương nhiên, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của khối BV công.

"Trải thảm" cũng chịu

Nhiều địa phương đã và đang thi nhau “trải thảm đỏ” để mời gọi các y bác sỹ bằng những chế độ đặc biệt. Chẳng hạn như bác sĩ tốt nghiệp loại giỏi về công tác sẽ được hỗ trợ ngay 100 triệu đồng, hoặc cấp đất làm nhà. Nhưng hầu như không địa phương nào đạt được kế hoạch đề ra.

Sở Y tế Hà Tĩnh từng thông báo mức đãi ngộ dành cho giáo sư, tiến sỹ về địa phương công tác là 300 triệu đồng.

Quảng Ngãi hỗ trợ kinh phí một lần khi nhận nhiệm vụ ở các huyện đồng bằng, thành phố cho giáo sư là 350 triệu đồng/người; phó giáo sư, tiến sĩ: 300 triệu đồng/người; bác sĩ chuyên khoa II, thạc sĩ y khoa, bác sĩ nội trú: 250 triệu đồng/người; bác sĩ chuyên khoa I: 230 triệu đồng/người; bác sĩ đa khoa (tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc): 200 triệu đồng/người; bác sĩ đa khoa (tốt nghiệp loại khá): 150 triệu đồng/người vv…

Quảng Nam thì từng “tung chiêu": Bác sĩ trong diện thu hút không qua thi tuyển và tùy theo trình độ được hỗ trợ một lần từ 200 đến 500 triệu đồng. Bác sĩ diện thu hút còn được hỗ trợ 100 triệu đồng khi được giao đất hoặc nhận chuyển nhượng đất để làm nhà ở tại nơi công tác.

Tương tự, Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ nhằm thu hút, giữ chân đội ngũ bác sĩ có tay nghề, chuyên môn cao.

TP. HCM hiện đã phải thay đổi quy định tuyển dụng để giải “cơn khát” bác sĩ bằng việc cho các BV công lập tuyển dụng nhân viên y tế không cần có hộ khẩu thường trú tại TP. HCM như trước. Quy định này mở cửa cho các BV công trên địa bàn, lại đặt ngành y tế các tỉnh lân cận vốn luôn trong tình trạng khan hiếm nguồn nhân lực càng lo lắng vì sợ bị “chảy máu” chất xám.

Thu nhập hay môi trường làm việc?

Có rất nhiều yếu tố khác nhau tác động đến quyết định bỏ việc của các nhân viên y tế, nhưng vấn đề đầu tiên vẫn là do thu nhập chưa tương xứng với công việc của họ. Tiếp đó là áp lực công việc, khủng hoảng tâm lý.

Họ rời BV công với điểm đến mới là các BV tư.

Bác sĩ Phạm Tùng Anh công tác ở một BV công “số 1” của TP Hà Nội cho biết: “Rất khó khăn tôi mới xin vào được BV này. Nhưng dịch COVID-19 đã khiến BV không có bệnh nhân, thu nhập của nhân viên y tế giảm mạnh. Đợt dịch vừa qua, công việc thì căng thẳng, mà 3 tháng mới được khoản tiền ngoài lương 4 triệu đồng. Trong khi đó, tôi còn phải nuôi vợ con. Vì thế, nhận được lời mời của một BV tư cũng ở Hà Nội, với mức thu nhập cao gấp nhiều lần ở BV công, nên tôi bỏ việc, chấp nhận mất 10 năm biên chế và đền gần 200 triệu đồng tiền đi học cao học.”

Báo động “làn sóng” bác sĩ bỏ bệnh viện công-2

Luôn tận tuỵ vì người bệnh

Mạng xã hội mới đây xôn xao trước công văn của một BV tuyến Trung ương ở Hà Nội đề nghị ngành y tế TP.HCM không nhận bác sĩ của BV này, nhằm tránh tranh chấp về lao động. Nguyên do là liền một lúc, BV có 5 bác sĩ chuyên khoa bỏ việc sau khi được cử đi học ở TP.HCM. Lý do các bác sĩ bỏ việc đều bởi thu nhập chưa tương xứng.

Bên cạnh thu nhập, môi trường làm việc cũng là yếu tố quan trọng khác khiến các bác sĩ rời BV công. Có thể kể đến trường hợp của TS. Lê Tuấn Thành – Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội. Năm trước, khi đang là bác sĩ ở BV Bạch Mai, TS. Lê Tuấn Thành đã “dứt áo” ra đi đến một BV tư làm việc. Lúc đó BV Bạch Mai chưa có biến cố gì.

TS. Thành kể: Tôi vẫn rất yêu công việc ở BV Bạch Mai và thu nhập ở đó cũng khá ổn, vì ngoài lương tôi còn là chuyên gia cho các dự án lớn. Vì thế, tôi đã mất 3 ngày suy nghĩ trước khi quyết định chuyển công tác mà tôi coi như là đi học và học xong thì vẫn có thể đóng góp cho ngành. Tôi sang BV tư kia làm bởi vì họ hợp tác với Mỹ xây dựng mô hình quản trị và chuyên môn xuất sắc - một mô hình khắt khe nhất của thế giới với sự kết hợp giữa nghiên cứu và thực hành đều có tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt. Thực tế, không phải nơi nào cũng đủ khả năng kinh tế theo đuổi mô hình quản trị xuất sắc.

Làm gì để giữ chân?

Đó là câu hỏi hóc búa với khu vực y tế nhà nước lúc này.

Trao đổi với VietTimes, GS.TS. Trần Bình Giang – Giám đốc Bệnh viện Việt Đức – tâm sự: Bác sĩ cũng cần có thu nhập ổn định, nên bác sĩ phải có phương tiện, thuốc tốt để chữa bệnh. Muốn vậy, viện phí phải được tính đúng tính đủ, phải có cơ chế để có máy móc phục vụ khám, chữa bệnh. Hiện tại giá dịch vụ mới được tính 2/4 yếu tố chi phí, là tiền lương và chi phí trực tiếp (chi phí quản lý và chi phí khấu hao tải sản cố định chưa được tính vào giá).

Bởi BV tư có nhiều lợi thế để có thể trả lương cao cho bác sĩ, khi được ưu đãi đầu tư miễn thuế đất 50 năm, được tự định giá và công khai giá, trong khi BV công phải tuân thủ giá nhà nước quy định, kể cả giá dịch vụ theo yêu cầu. BV tư muốn máy nào có máy đó, cơ chế nào cũng được, miễn pháp luật không cấm. BV công chỉ được làm điều pháp luật cho phép, mua máy khó, thuê không được, mượn không xong. BV tư muốn trả lương bác sĩ bao nhiêu cũng được nhưng BV công thu nhập bị khống chế, khống chế ngay cả tiền trực tiền phụ cấp.

Chỉ có 2 vấn đề là đãi ngộ và cơ chế, mà cả 2 thứ đều “tắc” thì bác sĩ sẽ bỏ BV công, sang BV tư

” – Giám đốc BV Việt Đức bày tỏ.

Trước “làn sóng” bác sĩ bỏ BV công ra BV tư, một cựu lãnh đạo Vụ Tổ chức –Cán bộ (Bộ Y tế) cho rằng: Người đứng đầu cơ sở y tế phải chịu trách nhiệm về mọi vấn đề trong đơn vị. Để giữ được người tài, không thể bằng mệnh lệnh hành chính mà là phải bằng cách quản lý, bằng sự lo lắng, quan tâm chân thành từ cái tâm của người lãnh đạo.

Báo động “làn sóng” bác sĩ bỏ bệnh viện công-3

Các bác sĩ trẻ tình nguyện khám bệnh miễn phí cho người dân sau đại dịch

Ông viện dẫn câu chuyện ở BV Sản Nhi Quảng Ninh: Có bác sĩ của BV đi học chuyên sâu ở TP. HCM, học xong, được mời ở lại với những quyền lợi cả về thu nhập lẫn điều kiện học hành cho con cái, gia đình. Giám đốc BV biết chuyện đã để tùy cho bác sĩ quyết định. Ai cũng đinh ninh vị bác sĩ sẽ ở lại TP.HCM. Nhưng thật bất ngờ, sau những đắn đo, cân nhắc, bác sĩ nọ đã trở lại BV chỉ vì không nỡ “dứt áo ra đi” trước sự quan tâm, lo lắng, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho cả anh lẫn gia đình suốt những năm qua của Giám đốc BV.

“Muốn các bác sĩ yên tâm công tác, BV phải tạo được thu nhập tốt bằng việc phát triển các dịch vụ trong BV, đặc biệt là phải tạo ra môi trường làm việc thân thiện, bình đẳng, lãnh đạo biết lắng nghe và có định hướng phát triển tài năng, nâng cao tay nghề của các bác sĩ” - vị cựu lãnh đạo công tác cán bộ nhấn mạnh.

TS. Lê Tuấn Thành gửi một “thông điệp” đến y tế công sau khi anh trải nghiệm môi trường làm việc tại BV tư: “Y tế công Việt Nam hiện mới chỉ cần làm thế nào để đáp ứng được số lượng, chưa quan tâm nhiều đến chất lượng, nên chỉ một số nơi quản lý theo các tiêu chuẩn quốc tế. Mô hình quản trị xuất sắc làm cho người quản lý trở nên “rất khó tính” trong đánh giá về chuyên môn, vận hành, đào tạo, nghiên cứu. Với y tế công thì mô hình quản trị này đang vượt tầm khả năng kinh tế.

Báo động “làn sóng” bác sĩ bỏ bệnh viện công-4

TS. Lê Tuấn Thành

Không phải nơi nào cũng có thể theo đuổi mô hình xuất sắc đó, là nâng tầm người bệnh lên ngang tầm bác sĩ, người bệnh biết và được quyền biết rõ về tình trạng bệnh cũng như được quyết định các vấn đề liên quan đến bệnh tật của mình dưới sự giám sát của nhân sự độc lập. Từng vị trí, vai trò của mỗi người trong công việc chuyên môn được xác định rõ ràng, chi tiết cả về quyền và trách nhiệm. Ví như trong một thủ thuật thì ai được làm gì được quy định rõ và có người giám sát điều đó, chứ không phải xây dựng ra để nhớ thì áp dụng, quên thì cũng không sao.

Y tế của Việt Nam hiện nay thì người bệnh khó biết đúng hay sai, do còn thiếu các chỉ số đo lường khách quan, mô hình quản trị còn chắp vá, không có hành lang pháp lý hướng dẫn chung cho nên mỗi nơi làm một kiểu, bác sĩ không có quyền và trách nhiệm rõ ràng và để được bảo vệ.

Y tế Việt Nam chưa thể theo đuổi mô hình xuất sắc tuyệt đối, vì nó rất tốn kém, nhưng vẫn nên nghiên cứu áp dụng mô hình quản trị phù hợp hướng tới minh bạch và đầy đủ hành lang pháp lý, theo đuổi mục tiêu bình đẳng y tế cho người dân.