Liên quan đến vụ việc bác sĩ công tác tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM) bị hành hung sáng 6/8, Công an phường 7 (quận Bình Thạnh) đã tiến hành làm việc với V.H.H. (29 tuổi).
H. được xác định là đối tượng dùng thanh móc khóe của dụng cụ cắt móng tay tấn công bác sĩ T., sau khi không được chấp nhận yêu cầu đưa bệnh nhân đi vệ sinh.
Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (Ảnh: Hoàng Lê).
"Muốn chết cùng tao không, tao giết mày luôn"
Trao đổi với phóng viên Dân trí, bác sĩ N.C.T. (51 tuổi) cho biết, đã 3 ngày trôi qua nhưng ông vẫn chưa nhận được thông tin nào từ cơ quan công an về biện pháp xử lý đối tượng hành hung mình.
Thời điểm sự việc vừa xảy ra, bản thân bác sĩ khá hoang mang, nhưng sau đó cố gắng trấn tĩnh. Ông quyết định vẫn tiếp tục làm việc tại khoa Cấp cứu mà không xin tạm nghỉ, dù được bệnh viện cho phép.
Khi được hỏi về quá trình xảy ra sự việc, bác sĩ T. kể, gần 6h sáng 6/8, một bệnh nhân nữ 63 tuổi được con trai đưa đến khoa Cấp cứu trong tình trạng khó thở. Sau khi thăm khám, bác sĩ T. cùng ê-kíp trực chẩn đoán bệnh nhân bị suy hô hấp, phù phổi cấp nặng. Lúc này, 2 tay bệnh nhân phải cắm ống truyền nước và truyền thuốc, đồng thời phải thở oxy qua mặt nạ.
Bệnh nhân cấp cứu bị suy hô hấp nặng, đang thở oxy qua mặt nạ sẽ được chỉ định đi vệ sinh ngay tại giường (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).
Khoảng 20 phút sau, nữ bệnh nhân thông báo muốn đi vệ sinh. Lúc này, các nhân viên y tế giải thích rằng bệnh nhân đang bị suy hô hấp, không thể vào nhà vệ sinh vì có thể gây nguy hiểm tính mạng. Bác sĩ T. cũng yêu cầu điều dưỡng hướng dẫn, đưa bô để người bệnh đi vệ sinh tại giường. Tuy nhiên, người con trai không chấp nhận và có đôi co qua lại.
Đáng chú ý theo vị bác sĩ, người nhà bệnh nhân không chỉ tấn công ông bằng hung khí mà trước đó đã có động thái hành hung khác.
"Tôi đã giải thích 4 lần rằng tình trạng của bệnh nhân không thể tháo các ống truyền để vào nhà vệ sinh được, mong người con trai bình tĩnh cho mẹ đi tại giường.
Nhưng anh ta không chấp nhận, liên tục chửi bới, hỏi tôi "muốn chết cùng tao không, tao giết mày luôn", rồi xông vào dùng tay đánh vào ngực tôi. Nhờ đứng đối diện nên tôi gạt ra được" - bác sĩ T. kể.
Hung khí con trai bệnh nhân dùng tấn công bác sĩ T. (Ảnh: Công an cung cấp).
Theo nạn nhân, ngay sau khi hành hung lần 1 không thành, người con trai chạy ra ngoài. Chỉ trong tích tắc vài chục giây sau, nam thanh niên trở vào khoa Cấp cứu, xông thẳng đến chỗ bác sĩ T. đang ký hồ sơ, khi đã cởi áo khoác quấn vào tay.
Thời điểm bị H. dùng tay phải tấn công vùng hông, bác sĩ T. phát hiện và né kịp, đồng thời chụp được tay của đối tượng và thấy người này dùng một vật sắc nhọn như dao bấm.
"Anh ta cố đâm mấy lần nhưng tôi né được. Sau đó anh em điều dưỡng, bác sĩ phát hiện hô hoán lên, nên người con lao ra ngoài. Tôi cũng chạy vào trong phòng giao ban để trốn" - bác sĩ T. nhớ lại khoảnh khắc mình rơi vào tình huống nguy hiểm.
Căn phòng giao ban, nơi bác sĩ cấp cứu né tránh đối tượng muốn hành hung mình (Ảnh: Hoàng Lê).
Mong có công an túc trực 24/24
Theo bác sĩ T., đây không phải là lần đầu nam thanh niên tên H. có thái độ tiêu cực với các nhân viên y tế. Trước đó, người này từng đưa người nhà vào khoa Lão của bệnh viện và có những lời nói hạch sách, xúc phạm. Kể cả mẹ của H. là bệnh nhân cũng đã từng chửi điều dưỡng trực khi không hài lòng việc chăm sóc.
Bác sĩ T. tâm sự, bản thân ông về Bệnh viện Nhân dân Gia Định vào năm 2009. Cộng với thời gian làm việc trước đó tại Lâm Đồng, ông có hơn 15 năm gắn bó với lĩnh vực cấp cứu. Trước khi lâm vào hoàn cảnh trên, bác sĩ T. rất nhiều lần chứng kiến đồng nghiệp bị chửi mắng, tấn công khi đang làm nhiệm vụ cứu người.
"Không thể đếm xuể các vụ hành hung, chửi bới trong khoa Cấp cứu. Nhiều đồng nghiệp, đàn em tôi vì không thể chịu nổi áp lực tinh thần, bức xúc nên đã nghỉ hết" - vị bác sĩ chia sẻ.
Bác sĩ T. mong khoa Cấp cứu luôn có sự túc trực của công an, bảo vệ (Ảnh: Hoàng Lê).
Với kinh nghiệm hành nghề của mình, bác sĩ T. kiến nghị cần có 3 giải pháp để bảo vệ, tạo môi trường làm việc an toàn cho nhân viên y tế.
Thứ nhất, bác sĩ T. mong muốn công an địa phương cử người đến túc trực tại khoa Cấp cứu của các bệnh viện 24/24 để kịp thời xử lý tượng côn đồ, có ý định hành hung nhân viên y tế.
Thứ hai, đội ngũ bảo vệ của bệnh viện phải được đào tạo bài bản, tăng cường các dụng cụ hỗ trợ trấn áp kẻ quấy rối (như dùi cui, roi điện)… và cũng phải luôn có người "cắm" ở khoa Cấp cứu để hỗ trợ y bác sĩ.
Thứ ba, luật pháp cần có quy định cụ thể về các biện pháp xử lý người hành hung bác sĩ và phải tạo được tính răn đe.
"Tôi mong Ban Giám đốc quan tâm đặc biệt đến khoa Cấp cứu vì đây là ngõ vào, là khoa nặng nhất của bệnh viện. Có thể có những chính sách hỗ trợ thêm, vì lương hiện tại chưa tương xứng với áp lực, công sức, tâm huyết mà anh em bỏ ra" - bác sĩ T. bày tỏ mong muốn ở phía cơ sở y tế.
Trước đó vào đêm 27/7, bác sĩ P.H.Th., công tác tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định cũng bị một người đàn ông tên Đ.Q.B. (40 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) bóp cổ, dọa đánh chết khi đang trực cấp cứu. Lý do được đưa ra là con ông B. hóc xương nhưng phải chờ 30 phút để bác sĩ chuyên khoa xuống xử lý.
Ông B. sau đó thừa nhận hành vi, mong được bác sĩ cấp cứu con mình và cộng đồng tha thứ.
Theo Sở Y tế TPHCM, vụ hành hung bác sĩ Th. đã được Công an quận Bình Thạnh tập hợp toàn bộ các hồ sơ chứng cứ để chuyển sang Viện Kiểm sát khởi tố vụ án.