Chỉ tính triêng từ tháng 8 đến 21/9, Bệnh viện Nhi Trung ương đã phát hiện 1.316 trường hợp dương tính adenovirus, trong đó có 738 bệnh nhân nội trú. Tỷ lệ chung trẻ mắc adenovirus nhập viện chiếm khoảng 4% so với tổng số người bệnh điều trị nội trú.
Tại Bệnh viện Thanh Nhàn thời gian vừa qua cũng ghi nhận một tỷ lệ tương đối cao trẻ nhiễm adenovirus. Đáng chú ý, theo nhận định của các bác sĩ Khoa Nhi, số lượng trẻ nhiễm adenovirus nhập viện có xu hướng tăng dần.
Dịch adenovirus diễn biến phức tạp khiến nhiều gia đình lo lắng. Dưới đây là những điều cần biết về loại virus này để thể bảo vệ bản thân và gia đình hiệu quả nhất:
Adenovirus lây truyền qua con đường nào?
Adenovirus lây truyền qua đường giọt bắn, đường hô hấp giữa người với người. Bệnh có thể lây qua niêm mạc khi bơi lội hoặc nguồn nước dùng trong sinh hoạt bị ô nhiễm, hoặc lây truyền khi người lành sử dụng chung những vật dụng cá nhân với người bệnh. Thời gian ủ bệnh khoảng từ 8-12 ngày.
Đã có vaccine phòng adenovirus chưa?
Tại Bệnh viện Thanh Nhàn thời gian vừa qua cũng ghi nhận một tỷ lệ tương đối cao trẻ nhiễm adenovirus (Ảnh minh họa: Minh Nhân).
Theo TS.BS Lê Kiến Ngãi - Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện chưa có vaccine phòng ngừa adenovirus.
Vì thế cách tốt nhất để kiểm soát bệnh lây lan là phát hiện sớm, cảnh giác với các yếu tố lâm sàng, yếu tố dịch tễ để không bỏ lỡ xét nghiệm; tuân thủ các biện pháp dự phòng thường quy, đồng thời tuân thủ tiêm chủng các vaccine phòng bệnh đang sẵn có.
Adenovirus nguy hiểm như thế nào?
Nếu phát hiện trễ, bệnh chuyển nặng sẽ có nhiều biến chứng nguy hiểm (Ảnh minh họa: Minh Nhân).
Adenovirus có thể gây bệnh ở mọi đối tượng và mọi lứa tuổi (trẻ em hay gặp ở độ tuổi từ 6 tháng - 5 tuổi). Trong đó, các đối tượng như trẻ em, người lớn tuổi, người bị bệnh mạn tính… thường có nguy cơ cao nhiễm virus này do có sức đề kháng kém.
Theo PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh - Giám đốc Trung tâm Hô Hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương, adenovirus có khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời như: suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng. Bệnh còn có thể để lại các biến chứng lâu dài, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ như: hội chứng viêm tiểu phế quản bít tắc sau nhiễm trùng, giãn phế quản, xơ phổi.
Dấu hiệu nhận diện nhiễm adenovirus
Triệu chứng viêm phổi do adenovirus rất dễ nhầm lẫn với viêm phổi do virus đường hô hấp khác hoặc vi khuẩn khác (Ảnh minh họa: Minh Nhân).
Khi nhiễm adenovirus, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng như: nóng, ho, sổ mũi, cảm, viêm đường hô hấp.
Triệu chứng viêm phổi do adenovirus rất dễ nhầm lẫn với viêm phổi do virus đường hô hấp khác hoặc vi khuẩn khác. Cùng với các triệu chứng của viêm đường hô hấp thì viêm phổi do adenovirus sẽ khiến bệnh nhân sốt rất cao, rét run, ho và thở khò khè.
Tùy theo thể trạng, có bệnh nhân diễn tiến nhẹ nhàng, có thể tự khỏi, nhưng vẫn có trường hợp sẽ có biểu hiện với triệu chứng rầm rộ, thở mệt. Những ca trở nặng là do miễn dịch kém hay do nhiễm thêm vi khuẩn, nhất là vi khuẩn kháng thuốc.
Bệnh hoàn toàn có thể chữa trị được. Tuy nhiên, do bệnh dễ lây và lây lan nhanh trong cộng đồng cũng như dễ nhầm lẫn với triệu chứng cảm cúm thông thường, sẽ gây chủ quan. Nếu phát hiện trễ, bệnh chuyển nặng sẽ có nhiều biến chứng nguy hiểm.
Các tổn thương thường gặp nhất khi nhiễm adenovirus là viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới, viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ), một số bệnh lý ở đường tiêu hóa (tiêu chảy, nôn, buồn nôn,…). Ngoài ra, virus này cũng gây bệnh viêm gan, viêm dạ dày, viêm não, màng não và viêm bàng quang, đặc biệt là ở bé trai.
Với người khỏe mạnh, bệnh có thể tự khỏi, nhưng với những bệnh nhân có bệnh nền hoặc sức đề kháng kém có thể gây suy hô hấp.
Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Do đó cần theo dõi sát các dấu hiệu của bệnh nhân, khi thấy có biểu hiện chuyển nặng như thở rút lõm ngực, rối loạn tri giác, lừ đừ... cần đưa đến cơ sở y tế chuyên để bác sĩ khám và hướng dẫn điều trị đúng cách, kịp thời.