Trang Chủ > Sức khỏe > 95% mắc sai lầm khi sơ cứu tai nạn giao thông ở Việt Nam

95% mắc sai lầm khi sơ cứu tai nạn giao thông ở Việt Nam

Tuổi Trẻ
27/09/2022 04:20:33

TTO - Việt Nam được coi là một trong những nước có tỉ lệ tử vong do tai nạn thương tích cao trên thế giới. Mỗi năm có khoảng 33.000 người chết do tai nạn, tuy nhiên công tác phòng ngừa tai nạn và sơ cấp cứu chưa được chú trọng.

  • Ứng dụng điện thoại hướng dẫn sơ cấp cứu miễn phí dành cho người Việt
  • Tai nạn gây thương tích tăng mạnh dịp hè: Phòng ngừa cho trẻ thế nào?
  • Các vật dụng sơ cấp cứu cần thiết nên mang theo khi đi du lịch

Ngày 26-9, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Quỹ Urgo Foundation của Pháp tổ chức buổi đào tạo sơ cấp cứu y tế cho các dược sĩ tại nước ta nhằm cải thiện chăm lo sức khỏe y tế cộng đồng.

Tại đây, thành viên Hội Chữ thập đỏ TP.HCM cùng với hai dược sĩ tại nhà thuốc (đã trải qua chương trình đào tạo sơ cứu kịp thời) thực hiện sơ cấp cứu trong tình huống giả định là một nạn nhân bị tai nạn giao thông và một em bé bị hóc dị vật đường thở.

Vừa kết thúc hơn 2 phút diễn tập sơ cấp cứu một nạn nhân bị tai nạn giao thông bất tỉnh, ông Lê Tự Quốc Hiếu - Trung tâm Huấn luyện sơ cấp cứu và phòng chống thảm họa (Hội Chữ thập đỏ TP.HCM) - lưu ý trong tình huống gặp người tai nạn giao thông bất tỉnh, người dân không được tự ý đỡ nạn nhân ngồi dậy.

"Thực tế có 95% các ca tai nạn giao thông ở Việt Nam, người dân thường đỡ nạn nhân ngồi dậy hoặc thậm chí đưa nạn nhân vào lề đường và nghĩ như vậy là giúp đỡ nạn nhân. Nhưng thực tế hành động này tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm cho người bị nạn", ông Hiếu nhấn mạnh.

Việt Nam được coi là một trong số các nước có tỉ lệ tử vong do tai nạn thương tích cao trên thế giới.

Theo dữ liệu từ thống kê y tế Việt Nam giai đoạn 2019-2020, mỗi năm có khoảng 33.000 người chết do tai nạn. Mỗi ngày có 3.600 các trường hợp bị thương tích (trong đó có khoảng 40 người là tai nạn giao thông).

Tỉ lệ tử vong do tai nạn thương tích ở Việt Nam hiện nay lên đến 11%, chỉ sau các bệnh tim mạch (18%) và bệnh truyền nhiễm (15%). Tuy nhiên, công tác phòng ngừa tai nạn và sơ cấp cứu chưa được chú trọng.

95% mắc sai lầm khi sơ cứu tai nạn giao thông ở Việt Nam-1

Ông Trần Văn Tuấn - phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP.HCM - cho rằng việc đào tạo để tăng số người có kỹ năng sơ cấp cứu là cần thiết - Ảnh: X.MAI

Với mong muốn người dân Việt Nam được tiếp cận dễ dàng với hoạt động sơ cấp cứu y tế khi  xảy ra tai nạn, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Quỹ Urgo Foundation của Pháp đã phát động chương trình sơ cứu kịp thời để huấn luyện sơ cấp cứu cho các dược sĩ tại nhà thuốc Việt Nam.

Chương trình này nhằm can thiệp nhanh, kịp thời cứu sống, hồi phục chức năng sống, hạn chế di chứng lâu dài cho nạn nhân khi xảy ra tai nạn, quyết định sự sống chết của người bị nạn.

Ông Trần Văn Tuấn - phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP.HCM - cho rằng nâng cao chất lượng sơ cấp cứu được xác định là giải pháp quan trọng, góp phần giảm thiệt hại về người trong các vụ tai nạn giao thông.

Hiện mỗi năm hội đào tạo sơ cấp cứu cho 170.000 - 200.000 người. Với dân số nước ta đã đạt mốc 99 triệu thì việc tiếp tục đào tạo để tăng số người có kỹ năng sơ cấp cứu y tế và nhân rộng các điểm cứu hộ trên cả nước là cần thiết, đóng góp vào việc bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân một cách thiết thực.

Theo ông Pascal B. Auzière (đại diện Quỹ từ thiện Urgo Foundation), các dược sĩ là những chuyên gia đã có kiến thức chuyên môn về y tế và sức khỏe cộng đồng để phục vụ điều trị.

Do đó, trang bị thêm các kỹ năng sơ cấp cứu cho các dược sĩ là cách nhanh nhất để đem dịch vụ sơ cấp cứu tới gần hơn với mọi người dân.

95% mắc sai lầm khi sơ cứu tai nạn giao thông ở Việt Nam-2

Sơ cấp cứu ban đầu chấn thương cột sống cổ và lưng

Bước quan trọng nhất trong sơ cấp cứu ban đầu khi đã xác định hoặc nghi ngờ những tổn thương tại vùng lưng hoặc vùng cổ là giữ cho nạn nhân cố định.

XUÂN MAI